Các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2020 sẽ tận dụng tối đa lực lượng trong tỉnh
Điều chỉnh
Đến đầu tháng 6/2020, chỉ còn đúng 3 tháng nữa Festival Huế diễn ra. Hiện vẫn còn 7 quốc gia thông tin sẽ cử đoàn nghệ thuật sang tham dự Festival Huế 2020, nếu các chuyến bay mở cửa bình thường trở lại. Tuy nhiên, với dự báo của Tổng cục Du lịch tại Diễn đàn Du lịch Huế 2020 mới đây, khả năng có các đoàn quốc tế sẽ rất khó. Do đó, Festival Huế 2020 sẽ là một kỳ lễ hội mà lực lượng chính sẽ là các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ trong nước.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng BTC Festival Huế 2020 thông tin, trên cơ sở thực tế đó, BTC đã thống nhất điều chỉnh một số nội dung, sự kiện, chương trình chính. Cụ thể, các lễ hội chính sẽ bao gồm chương trình nghệ thuật khai mạc (20h00 ngày 28/8/2020 tại Quảng trường Ngọ Môn); lễ hội đường phố (16h30 từ ngày 29/8 - 2/9); lễ hội ẩm thực “Huế - Kinh đô ẩm thực” (diễn ra từ ngày 29/8 - 2/9 tại Công viên Thương Bạc); chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn (20h00 ngày 31/8/2020 tại sân khấu Ngọ Môn); nhạc hội điện tử (20h30, ngày 1/9 tại Sân vận động Tự Do); đêm bế mạc (20h00 ngày 2/9 tại Quảng trường Ngọ Môn) sẽ chính là đêm trình diễn Lễ hội Áo dài, thay vì chương trình nghệ thuật Văn hiến Kinh kỳ như kế hoạch trước đó.
Hồ Tịnh Tâm đang được chỉnh trang để tổ chức chương trình áo dài di sản tại Festival Huế 2020
Một chương trình mới được đưa vào trong kỳ Festival Huế 2020 là “Ai đã đặt tên cho dòng sông” sẽ diễn ra tại bến Nghinh Lương Đình vào tối 30/8. BTC cho hay, đây là chương trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ nhiều chất liệu lịch sử về dòng sông Hương thơ mộng, khai mở lần nữa những bí ẩn của Huế, của sông Hương. Vì vậy, BTC kỳ vọng chương trình sẽ đem lại bất ngờ thú vị cho người xem nhờ vào một sân khấu hết sức mới lạ, cách kể chuyện bằng ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn hấp dẫn.
Lễ hội đường phố với sự tham gia trình diễn của nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế luôn là điểm nhấn và thu hút du khách của các kỳ Festival Huế. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, bắt buộc phải điều chỉnh lễ hội đường phố theo hướng khác phù hợp hơn. Đại diện BTC chia sẻ, ngoài việc các đoàn nghệ thuật quảng diễn, BTC sẽ đẩy mạnh các hoạt động dân gian, cộng đồng vào lễ hội. Trong suốt 5 ngày, lễ hội đường phố sẽ có lễ rước Mẫu trên sông Hương (trong lễ Điện Hòn Chén); lễ rước mặt nạ tuồng từ nhà thờ tổ Thanh Bình Từ đường đến các tuyến phố ven bờ Bắc sông Hương; trình diễn trang phục và văn hóa các nước khu vực ASEAN; tái hiện các trò diễn, lễ hội trong dân gian.
Ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết, BTC sẽ huy động tối đa các đơn vị nghệ thuật tại Huế, gồm Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Học viện Âm nhạc Huế... cùng các nhóm, câu lạc bộ của các trường và đơn vị nghệ thuật trên địa bàn cùng tham gia. Các đoàn nghệ thuật trong nước cũng đang điều chỉnh và xây dựng chương trình biểu diễn phù hợp. Dự kiến đến đầu tháng 7/2020, sẽ thống nhất danh sách các đoàn tham dự Festival Huế 2020.
Mới đây, UBND tỉnh cho biết, trong dịp Festival Huế lần này, UBND tỉnh kết hợp triển khai đề án Ngày hội Áo dài Huế, với các hoạt động, như hành hương tưởng nhớ ông tổ áo dài chúa Nguyễn Phúc Khoát; trình diễn áo dài di sản; phát động phong trào áo dài trong cộng đồng... Trong đó, chương trình trình diễn áo dài di sản sẽ được tổ chức ở hồ Tịnh Tâm.
Miễn phí tham quan di sản trong 6 ngày lễ hội
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BTC Festival Huế 2020 Phan Ngọc Thọ khẳng định, Festival Huế 2020 sẽ là thời điểm quan trọng cho kích cầu du lịch của Huế, cho nên tỉnh đã thống nhất sẽ miễn 100% phí tham quan trong 6 ngày diễn ra Festival Huế ở các điểm di sản. Cùng với đó, phần lớn các lễ hội và chương trình chính của Festival Huế 2020 cũng sẽ không bán vé. BTC chỉ bán vé chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc để kiểm soát số lượng khán giả, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và du khách khi tham gia chương trình.
Một thông tin khác, BTC đánh giá, Festival Huế 2020 được dự báo sẽ thu hút nhiều khán giả trẻ, nên ngoài chọn lọc và điều chỉnh các chương trình nghệ thuật phù hợp, BTC cũng xây dựng thêm các hoạt động thể thao, cộng đồng sôi nổi, như cuộc đua thuyền SUP trên sông Hương...
Cũng nhằm đưa Festival Huế đến với cộng đồng tốt hơn, BTC sẽ xây dựng không gian biểu diễn mở. Hai sân khấu chính cho các đoàn nghệ thuật biểu diễn sẽ ở Quảng trường Ngọ Môn và bia Quốc Học. Dọc các tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, cầu gỗ lim, Công viên Lý Tự Trọng, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu sẽ được khai thác các loại hình nghệ thuật đương đại.
Bài, ảnh: Quang Sang