Huế bình yên
Gần 30 năm trước, trong một lần làm việc với ông Đặng Quang, Phó Công an TP. Huế (sau này ông Quang là Chánh án TAND tỉnh) về tình hình ANTT trên địa bàn, đề cập đến tội phạm ma túy, ông Quang nói một cách hào sảng: Gì không biết, riêng mà túy, có thể tự tin mà khẳng định rằng, Huế chưa có “hàng trắng” và chưa để xảy ra tình trạng ma túy lọt vào học đường!.
Ba mươi năm sau, khẳng định đó của ông Đặng Quang đã “phá sản”, và có lẽ đã phá sản từ trước nữa rất lâu. Không chỉ có “hàng trắng” (heroin), mà bây giờ đủ chủng đủ loại, có thể nói thiên hạ có gì thì Huế có thứ ấy. Còn ma túy học đường thì chỉ cần “nghe nhạc hiệu” là những vụ việc mà lực lượng chức năng khám phá, bắt giữ cũng có thể “đoán được chương trình”.
Hãy thử rảo một vòng mà xem, sẽ không hề khó để bắt gặp kim tiêm lớp cũ lớp còn dính máu tươi vương vãi ở gầm cầu, chân trụ điện, trong các am miếu, lăng mộ hoặc trong các ngõ hẻm vắng người. Còn khi chiều buông hay đêm xuống, “cái chết trắng” lại càng có môi trường hoạt động công khai, trao đổi mua bán không chỉ còn lấp ló trong các con hẻm như bờ hồ Trần Hưng Đạo nữa mà cả trên các con đường trung tâm thành phố, tấp nập người xe, trong các bar, quán karaoke, khách sạn…
Ma túy len lỏi khắp nơi, tàn hại lớp trẻ và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, của toàn xã hội.
Nếu như trước đây, nhiều gia đình gửi con em về Huế để ăn học, do bên cạnh môi trường học thuật đã có truyền thống, còn bởi một lý do khác: Huế là nơi nương náu của bình an, không ma túy, ít tệ nạn. Thì bây giờ, hẳn nhiều người sẽ phải cân nhắc trước khi quyết định như trên.
Một người bà con của tôi từ Hà Nội không may có thằng con bị nghiện, ông đã liên hệ, trao đổi với người anh cả đang sống ở Huế để gửi con vào với hy vọng tách xa được bè bạn, xa được đường dây cung cấp “nguồn hàng”, có thể sẽ giúp nó tỉnh lại và nên người. Ai dè, mới vào Huế hôm trước, hôm sau nó đã đánh hơi bắt được “mối” để mua “hàng” dùng ngay. Ông anh choáng quá, phải liên lạc và trả gấp thằng cháu nghiện, phòng ngừa nhỡ ở trong nhà nó cù rủ thêm mấy đứa con của mình “thử chơi cho biết” thì khốn!
Góc đường Lê Lợi - (TP. Huế)
Từ chỗ không có “hàng trắng”, không có ma túy học đường, đến bây giờ, đáng tiếc và đáng buồn là tất cả đã thành quá khứ. Ma túy - Tội phạm của mọi tội phạm đã len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, tàn phá bao gia đình, bao cuộc đời tươi trẻ. Nó đã gây nên bao nỗi bất an cho xã hội, và làm vấy bẩn bức tranh vốn dĩ vô cùng an bình xứ Huế…
Thế nên, thật dễ hiểu khi thấy dư luận hết sức vui mừng trước nhận định và quyết tâm của tân Bí thư Thành ủy Huế - ông Phan Thiên Định - khi gặp mặt các cơ quan báo chí: “Tội phạm và tệ nạn ma túy đang đi sâu vào các đối tượng trẻ, các homestay, khách sạn, quán karaoke… trên địa bàn thành phố, nếu không tập trung đấu tranh, ngăn chặn thì tốc độ lan nhanh của tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ tăng theo cấp số nhân… Từ 2021-2025, Huế sẽ xây dựng thành phố không có ma túy, không trộm cướp!”.
Đập đá - (TP. Huế)
Nếu làm được, đó sẽ là dấu ấn, là mô hình cho cả nước về học tập!- Nhiều người đã nhận định như vậy khi nói về quyết tâm trên của người đứng đầu Thành ủy Huế. Tất nhiên, làm được điều đó là không hề dễ; và 5 năm có thể không phải là một khoảng thời gian đủ dài cho một quyết tâm lớn như thế!
Song, một điều hết sức thuận lợi là việc ngăn chặn, loại trừ tệ nạn ma túy, trộm cướp cũng là ước mong cháy lòng của mọi người dân, mọi gia đình xứ Huế. Cho nên, chỉ cần thành phố hạ quyết tâm và có giải pháp, có cơ chế thì sẽ có sự hậu thuẫn, ủng hộ của mọi người dân.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”- Đó không chỉ là lý thuyết mà là bài học thực tiễn đã được lịch sử chứng minh. Bởi vậy, chỉ cần người lãnh đạo cao nhất của thành phố giữ quyết tâm và sâu sát trong chỉ đạo, một Huế bình yên, đáng sống có lẽ sẽ sớm hiện hữu.
Bài, ảnh: DIÊN THỐNG