Chùa Từ Hiếu qua nét ký hoạ của KTS Nguyễn Ngọc Dũng trong cuốn “Bước chậm bên dòng Hương Giang”
Hành trình du ký của tác giả khởi nguồn từ dòng Hương giang. Theo mạch chảy ấy, ông đưa mọi người tham quan gần như trọn vẹn Huế: Kinh thành Huế, chùa Huế, mưa Huế, những ngôi nhà thờ, đình làng, bến đò, khu phố Tây, ẩm thực, lễ hội… Huế trong con mắt của vị kiến trúc sư này còn là thành phố vườn không khói xe, thành phố của công nghệ sáng tạo. Mỗi nơi ông dừng lại, cũng là lúc mà bạn đọc cảm nhận được một Huế… chẳng nơi nào có được. Huế trong trang viết của ông luôn giữ được sự cổ kính, thơ mộng giữa những bức bối, ngột ngạt của công cuộc đô thị hoá mà nhiều nơi đang phải đối mặt.
“Nơi chốn của nhân loại đang có xu hướng đồng nhất, toàn cầu hoá với mọi chuyện, Huế không thể đứng ngoài xu hướng này, hoà vào dòng chảy của thế giới, nhưng vẫn giữ cho mình bản sắc, truyền thống và vẻ đẹp đôi chút riêng tư… Xin làm người hát rong để kể lại, ký hoạ lại những gì mình nhìn thấy và nghe thấy”, tác giả Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ với mọi người khi đặt bút để viết về quê hương mình.
Dừng lại bên dòng Hương giang, Nguyễn Ngọc Dũng chiêm nghiệm về tương tai của thành phố trong quá khứ và tương lai của dòng sông. Sông Hương trong ông bao giờ cũng xanh tốt và ươm mầm cho thế hệ mới, nó là dòng sông đẹp nhất về tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều dài, đôi bờ thoáng đãng, rợp bóng cây xanh, những chiếc cầu, bến thuyền vương vấn nhiều hồi ức. Dòng sông còn là nhân chứng của thời cuộc, chiến tranh và hoà bình, giữa bao sự thay đổi của con người…
Ông cùng một người bạn làm báo, am tường Huế cũng dành rất nhiều thời gian, dừng chân lại ở rất nhiều ngôi nhà vườn xứ Huế. Từ nhà vườn An Hiên ở Kim Long xuôi về Tịnh Lạc viên bên dòng sông An Cựu, rồi ghé lại ngôi nhà vườn Ngọc Sơn công chúa bên kia Gia Hội... Nghe tiếng lộng gió và cây xanh vi vút, ông lại bàn về chuyện mảng xanh và giao thông không khói. Nếu người dân Huế đi lại bằng phương tiện không ô nhiễm, như xe đạp, xe điện, túi tiền của người dân sẽ nhẹ gánh, chính quyền sẽ nhẹ lo. Nếu làm được đó, chứng tỏ được thái độ tôn trọng sự bền vững của thành phố, tương lai thế hệ kế tiếp.
Trước khi chia tay người bạn làm báo cũng nặng tình với Huế, chia tay sông Hương, ông nghĩ rằng nếu Huế trở thành thành phố không khói xe thì đúng là một thành phố xanh đúng nghĩa. Và, đó là thành phố đáng sống, người dân trụ lại, không phải tha phương, các nhà đầu tư đến kinh doanh sản xuất, du lịch phát triển.
Khi cuốn sách đến tay bạn đọc, ông cũng không quên cảm ơn câu chuyện đã làm chất xúc tác để ông bắt tay thực hiện. Ông kể, trong một lần gặp nhóm du khách Hà Lan đến Huế tham quan, những vị khách này nhờ ông tìm giúp họ một cuốn sách nói về Huế, từ di sản, văn hoá, lễ hội.
Chính lần gặp gỡ ấy đã thôi thúc ông kể lại, ký hoạ lại những gì ông nghe, nhìn thấy qua lăng kính của người làm việc trong nghề kiến trúc. Được viết bằng song ngữ Việt – Anh, cùng hơn 100 bức ký hoạ tự vẽ để minh hoạ cho cuốn sách của mình, KTS. Nguyễn Ngọc Dũng đã để lại cho người đọc không chỉ giọng văn trong trẻo, mà có cho thấy góc nhìn riêng về Huế thông qua những nét vẽ vô cùng độc đáo.
“Tôi cảm ơn những người bạn già, những người bạn trẻ, những người bạn thoáng gặp gỡ, những người bạn du khách đủ mọi màu da đã vô tình hay hữu ý giúp tôi hoàn thành cuốn sách”, tác giả cuốn sách Nguyễn Ngọc Dũng bày tỏ.
Bài, ảnh: NHẬT MINH