Trang trí hoa văn trên gỗ tại công trình Triệu Tổ miếu (Đại Nội - Huế)
So với các cố đô khác của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật mang đặc trưng kiến trúc cung đình Nguyễn đầu thế kỷ 19, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đình tạ, lăng tẩm… Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1.400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên một diện tích hàng chục triệu m2, bao trùm lên toàn bộ diện tích của TP. Huế cùng với 4 huyện và thị xã lân cận. Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Cố đô Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á.
Sau chiến tranh, toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xoá sổ. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc nguyên thuỷ. Khu vực Kinh thành chỉ còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng.
35 năm qua, tính từ ngày (10/6/1982) UBND tỉnh thành lập Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế, rồi được chuyển đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công cuộc bảo tồn di tích được triển khai và đạt kết quả to lớn. Nhờ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các bộ, ngành trung ương và sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, hàng trăm hạng mục kiến trúc cảnh quan được tiến hành tu bổ, trùng tu, tôn tạo, như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, lầu Tứ Phương Vô Sự, hệ thống Trường Lang… Trong đó, rất đáng kể có cuộc đại trùng tu công trình Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng Thành, một trong những biểu tượng của Huế.
Năm 2013, với mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế quyết định thực hiện bảo tồn, tu bổ tổng thể Ngọ Môn giai đoạn 1, gồm phục hồi toàn bộ phần nền đài và lầu Ngũ Phụng. Theo KS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung, chỉ huy trưởng công trình tu bổ Ngọ Môn: "Gần 90% kỹ thuật tu bổ truyền thống được áp dụng thực hiện tại công trường đại trùng tu Ngọ Môn, từ cách gia công gỗ, ngói lợp, vữa đến việc trang trí thơ bằng pháp lam, trang trí đắp nổi hình rồng, giao trên bờ nóc, bờ quyết, phục chế hồ lô... Phần còn lại là chất bảo quản vật liệu và công nghệ mới để gia cường. Nhờ đó, Ngọ Môn sau khi trùng tu có thể chịu đựng được sức gió cấp 11, 12 và có thể chịu được gió bão cấp 13, 14".
Đại Nội Huế đón Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm. Ảnh: Phan Thành
Trong 6 năm (2011-2016), ngân sách tu bổ đạt 600 tỷ đồng, trong đó nguồn từ trung ương đạt 270 tỷ, ngân sách địa phương và tài trợ quốc tế đạt 330 tỷ. Riêng năm 2017, toàn bộ ngân sách dành cho trùng tu di tích và giải phóng mặt bằng đạt 180 tỷ đồng. Có không ít công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, xã hội như: Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường, Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài. Các công trình hạ tầng Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài, điện chiếu sáng Đại Nội, cung An Định và các lăng đã phục vụ tốt các lễ hội Festival và các hoạt động văn hóa xã hội khác. Tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ phí tham quan trong 10 năm (từ 1996 - 2016) đã đạt hơn 1.536 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng, và hiện nay tốc độ doanh thu đang tăng nhanh, ổn định. Nguồn thu này góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chia sẻ: "35 năm qua thực sự là chặng đường khó khăn với rất nhiều thử thách, nhưng cũng là chặng đường đánh dấu những thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản. Với lợi thế là cố đô lịch sử, nơi đang gìn giữ các di sản thế giới của Việt Nam, Huế đã đón tiếp hàng loạt các nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc, điển hình như Tổng thống Ba Lan, Thái tử Na Uy, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Quốc vương Campuchia… và mới đây nhất là Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản. Qua đó, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thay lời kết, xin dẫn một câu nói rất hay rằng: “Khi thật sự tôn trọng giá trị lịch sử trong quá trình bảo tồn, thì di tích sẽ hấp dẫn người xem bởi những giá trị biểu cảm của thực thể di tích và hồi sinh các giá trị văn hoá phi vật thể tiềm ẩn trong đó”.
Kể cả Mộc bản và Châu bản, đã có 5 Di sản Văn hóa triều Nguyễn được UNESCO và các tổ chức thuộc UNESCO công nhận gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1993); Nhã nhạc, Âm nhạc Cung đình Việt Nam - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2003); Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới (năm 2009); Châu bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2014); và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2016). |
ĐỒNG VĂN