ClockThứ Sáu, 28/04/2023 14:56

Sống lại những ký ức về vị vua yêu nước ở xứ lưu đày

TTH - Vua Hàm Nghi – Hồi ức con đường El Biar là công trình nghiên cứu tâm huyết của ông Gérard Chapuis, kể về cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi ở Algérie, từ lúc nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày (1888) đến lúc mất (1944) vì căn bệnh ung thư dạ dày hiểm ác. Công trình được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chọn tuyển và NXB Thuận Hóa ấn hành, vừa mới ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 3 năm 2023.

Mong có người tiếp nối việc nghiên cứu về vua Hàm NghiNghiên cứu về vua Hàm Nghi là sứ mệnh cần phải làmKhông gian của vua Hàm Nghi tại Huế

leftcenterrightdel
 Trang bìa sách Vua Hàm Nghi – Hồi ức con đường El Biar

Với sự cảm mến đặc biệt về vị vua yêu nước Hàm Nghi, ông Gérard Chapuis đã dày công sưu tầm, tra cứu về những thông tin, tư liệu, hình ảnh của nhà vua qua thư tịch, sách báo Pháp… Từ đó, nhằm tái hiện cuộc đời đầy sóng gió, bất trắc, nhưng cũng đầy vinh quang, sôi nổi trên con đường nghệ thuật của cựu hoàng Hàm Nghi trong hơn nửa thế kỷ bị lưu đày trên đất nước Algérie xa xôi. Qua đó, giúp người đọc hiểu biết và cảm nhận một cách đầy đủ về cuộc đời, tâm tư, tình cảm và ý chí yêu nước bất khuất trước mọi nghịch cảnh, cùng những đóng góp to lớn trên lĩnh vực nghệ thuật: nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa đậm chất phương Tây, trở thành nghệ sĩ tiên phong trong nền hội họa Việt Nam, là một trong ba họa sĩ đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX.     

Đây là nguồn tư liệu cực kỳ quý giá về cựu hoàng Hàm Nghi, giúp người đọc có cơ sở hình dung đầy đủ, sáng rõ hơn về hành trình của vị vua trẻ yêu nước, kể từ khi rời cố hương trên chuyến tàu “Biên Hòa” vào cuối chiều ngày 13/12/1888 với một lộ trình đầy sóng gió đến vùng đất xa lạ ở Bắc Phi (đất nước Algérie - thuộc địa Pháp); và cuộc sống của cựu hoàng nơi đất khách trong ngôi biệt thự Tùng Hiên ở làng El Biar mà nhà chức trách dành riêng cho vị tù chính trị Annam trước bao nghịch cảnh. Ở đó chất chứa bao tâm tư trĩu nặng về thân phận, về đất nước…, nhưng vẫn giữ cho mình một khí tiết hiên ngang, bản lĩnh, với một nhân cách, nếp sống và tâm hồn Việt sâu đậm.

Đọc Vua Hàm Nghi – Hồi ức con đường El Biar, chúng ta như được lần theo dấu chân của cựu hoàng Hàm Nghi in đậm trên những chặng đường mà ông đã qua. Từ chốn rừng núi thâm u dưới chân dãy Trường Sơn trong những tháng ngày xuất bôn cùng sĩ phu chống Pháp, đến hành trình không vé khứ hồi trên đất nước Algérie sẽ như một cuốn phim quay chậm, giúp người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Qua đó, khiến cho hậu thế cảm mến khí phách, nhân cách, thân phận và tài năng của cựu hoàng trước nghịch cảnh và thời cuộc.

Từ một vị hoàng đế, trở thành một tù nhân chính trị bị lưu đày biệt xứ, nhưng sự đối xử của nhà cầm quyền đã tạo điều kiện để cựu hoàng được giao lưu, học tập, được tiếp cận với văn minh – văn hóa Pháp. Đặc biệt, với tư duy nhạy bén, tài năng thiên bẩm, cộng với tâm hồn phóng khoáng, luôn cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên đã đưa cựu hoàng đến với nghệ thuật, là cách để khuây khỏa phần nào nỗi buồn nơi xa xứ, là chất liệu cuộc sống để hình thành nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc mang đậm dấu ấn dưới bút danh Tử Xuân, được dư luận ngưỡng mộ và đánh giá cao qua các cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân tại Bảo tàng Emile Guimet (1904); tại phòng tranh Edouard Devambez (1909), tại phòng trưng bày  Mantelet/Colette Weil (1926)…, trở thành di sản văn hóa độc đáo của dân tộc và thế giới. Cũng từ đó, thế giới quan và nhân sinh quan dần được khai mở, cựu hoàng được phép đi lại nhiều nơi từ Algérie cho đến nước Pháp, kết thân với nhiều bạn bè – những vị ân nhân của cựu hoàng trong những ngày đầu nơi đất khách, như ông Henri Etienne de Vialar, hay nữ thi sĩ tình si Judith Gautier – mối tình đơn phương và người bạn tri kỷ của cựu hoàng Hàm Nghi…, mở ra một bước ngoặt mới trên chặng đường lưu đày tưởng chừng không lối thoát… Cựu hoàng còn được Chính phủ Pháp cho phép kết hôn với một cô gái Pháp có tên Mareelle Laloẽ – là con gái của vị Chủ tịch Phòng Tòa án phúc thẩm Algérie - ông Francis Laloẽ vào năm 1904. Cuộc hôn nhân mang tính tích cực này đã sinh hạ cho vị cựu hoàng Annam 3 người con là: Hoàng tử Minh Đức và hai cô công chúa Như Mai (May) và Như Lý, với một cuộc sống gia đình đầm ấm, là động lực để các vị hoàng tử và công chúa phấn đấu học tập, trưởng thành và khẳng định vị thế của mình, đóng góp thiết thực cho nước Pháp, được người dân bản xứ, cũng như báo giới và truyền thông đương thời quan tâm đề cập.

  Vua Hàm Nghi – Hồi ức con đường El Biar với nguồn tư liệu quý hiếm, hầu như lần đầu được công bố, đã tái hiện tương đối rõ nét về chân dung, phẩm giá, cùng tâm hồn, ý chí và khát vọng vượt lên số phận dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của nhà vua; góp phần giúp hậu thế sống lại ký ức về một vị hoàng đế nước Việt bị lưu đày trên xứ sở Bắc Phi lạnh giá, để rồi trở thành vị sứ giả, danh họa nổi tiếng của Việt Nam và thế giới; là niềm cảm mến và tự hào trong mỗi chúng ta! Cuốn sách xứng đáng để được Hội đồng xét duyệt Tủ sách Huế đồng ý gắn logo đưa vào Tủ sách Huế năm 2023.

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận kỷ vật của vua Hàm Nghi

Khay trà, tẩu thuốc và bộ sách chữ Hán được hậu duệ của vua Hàm Nghi hiến tặng cho Huế và Quảng Trị. Các kỷ vật vừa được Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam trao cho đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Tiếp nhận kỷ vật của vua Hàm Nghi
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” (11/6/1948-11/6/2024):
Thi đua là yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cọi trọng và đề cao vai trò của thi đua ái quốc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người từng khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ngay sau ngày đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm…

Thi đua là yêu nước
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Return to top