Bà Andrea Teufel, Đại sứ Christian Berger và TS. Phan Thanh Hải trao đổi về dự án trùng tu ba hạng mục ở điện Phụng Tiên
Năm 2017, Bộ Ngoại giao CHLB Đức tiếp tục thông qua Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tài trợ dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ của điện Phụng Tiên, kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu. Thạc sĩ Andrea Teufeul, đại diện của Hội Bảo tồn Di sản văn hóa Fluda, Đức, làm trưởng dự án. Bà Andrea Teufel cũng chính là một trong những chuyên gia bảo tồn di sản của Đức đã trực tiếp giúp Huế thực hiện các dự án do Đức tài trợ trước đó, như: phục hồi Khải Tường lâu ở cung An Định, phục hồi cổng và bình phong ở lăng vua Tự Đức, phục hồi Tối Linh từ và Tả Vu trong Đại Nội.
Điện Phụng Tiên được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), dùng để làm nơi thờ vua và hoàng hậu của triều Nguyễn. Tuy là một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn (bên cạnh Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu và Thế Miếu), nhưng điện Phụng Tiên lại là nơi duy nhất nữ giới được phép tham dự các cuộc lễ tế và lui tới chăm sóc hương khói hàng ngày. Phụng Tiên có 5 công trình chính, được gìn giữ và tu bổ nhiều lần. Năm 1947, điện bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng, một số ít công trình nhỏ như cổng, bình phong, bể cạn-non bộ… nhưng đến nay cũng ở trong tình trạng hư hại và mất nhiều giá trị thẩm mỹ vốn có.
“Tuy sự hư hại chưa làm thay đổi cấu trúc vật liệu cơ bản của công trình nhưng nguy cơ tiềm ẩn phá hủy trong tương lai là rất lớn. Vì vậy, dự án này hết sức cần thiết nhằm cứu vãn một công trình có thiết kế độc đáo, tuân thủ các nguyên tắc về phong thủy và cũng là một bằng chứng quý giá nhất về kiến trúc được bảo tồn nguyên bản từ thời kỳ đầu của kinh đô nhà Nguyễn”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết.
Năm 2003, sau khi gửi về Đức phân tích mẫu hiện vật gốc trên những bức tranh tường ở cung An Định, bà Andrea Teufel phát hiện kỹ thuật vẽ tranh tường ở đây khá giống với những gì bà đã được học ở Ý, đó là kiểu vẽ fresco. Thực hiện kỹ thuật này, trong khi vữa còn ướt, người họa sĩ phải dùng màu nước vẽ trang trí thật nhanh. Quá trình vữa cứng dần, màu vẽ sẽ dính chặt theo trên bề mặt vữa. Đó cũng là cách tốt nhất và giúp tranh tồn tại lâu nhất mà người châu Âu đã dùng. Kỹ thuật fresco truyền thống được dùng chủ yếu để thiết kế bề mặt cổng, bình phong và tranh tường. Ở Việt Nam, kỹ thuật này đã bị thất lạc và cho đến bây giờ vẫn chưa có phương pháp thỏa đáng để bảo tồn và phục hồi.
TS. Phan Thanh Hải giới thiệu hiện trường dự án bảo tồn cổng, bình phong và non bộ điện Phụng Tiên
Dự án trùng tu điện Phụng Tiên được chọn để phát triển và áp dụng phương pháp phục hồi chân xác bằng kỹ thuật fresco với khối kiến trúc có kết cấu vữa màu. Đồng thời, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu và cấp chứng chỉ đào tạo nghề về bảo tồn và phục hồi công trình di tích dành cho sáu thợ thủ công có tay nghề không chính quy tại Huế.
Bà Andrea Teufel nói: "Nhiều người nghĩ một nhà phục hồi giống như một nghệ sĩ, nghệ nhân hay thợ thủ công. Nhưng công việc của chúng tôi nhiều hơn thế và có thể so sánh như bác sĩ. Chúng tôi kiểm tra, phân tích vật liệu và các triệu chứng một cách chính xác và dựa vào đó để xác định phác đồ điều trị thích hợp. Điện Phụng Tiên có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh. Cho dù chính điện không còn nữa nhưng tôi ý thức được sự tin tưởng khi quý vị trao cho tôi báu vật này. Đó là đặc ân và cũng là trách nhiệm lớn lao để tôi cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ này".
Đến với TP. Huế trong những ngày cuối tháng 9 để dự lễ khởi công dự án trùng tu bảo tồn ba hạng mục của điện Phụng Tiên, ngài Christian Berger, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, vui vẻ cho biết ông và vợ đến Huế lần đầu tiên vào năm 1991 và thực sự bị hấp dẫn với những gì Huế đang có. “Tôi thấy đó không chỉ là vấn đề lịch sử của Huế mà còn có một phần trách nhiệm rất lớn của chúng tôi, cũng là niềm vui để cùng các bạn bảo tồn và gìn giữ di sản cho con cháu mai sau. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là chúng ta kết hợp được việc thực hiện dự án bảo tồn công trình này với việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho các thợ thủ công. Chúng ta không chỉ cần cử nhân, thạc sĩ có trình độ mà còn cần cả những công nhân đến từ thực tiễn, có kinh nghiệm lâu năm. Chúng ta hãy cùng xem dự án này như chất keo để củng cố thêm mối quan hệ giữa hai đất nước”. Đại sứ Christian Berger nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN