Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã khẳng định là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, là điểm hội tụ tâm linh của người Việt. Những giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được cộng đồng người Việt gìn giữ, bảo vệ, trao truyền và phát huy trong đời sống đương đại.
Nghi thức rước kiệu của nhân dân các xã, thị trấn thuộc vùng ven Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Nhân lên giá trị đạo đức truyền thống
Hàng nghìn đời nay, truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đến thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã, đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng.
Theo ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, tất cả người dân đất Việt đều có ý thức tôn thờ các vua Hùng là vị vua Thủy Tổ, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Bằng chứng sinh động để khẳng định Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là hơn 90 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất hình chữ S đã lập tới hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự (gồm cả Khu di tích lịch sử đền Hùng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 37 di tích cấp quốc gia, 135 di tích xếp hạng cấp tỉnh…) và 93 di tích chỉ còn là phế tích.
Từ thực tế cho thấy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ mà còn trở thành đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ Nguyễn Tiến Khôi cho hay, ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một loại sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt. Xuất phát từ thực tế đó, từ triều đại phong kiến độc lập tự chủ trước đây và thời hiện tại, Nhà nước rất quan tâm đến việc tôn thờ, tôn vinh các Vua Hùng. Bằng chứng là đền Hùng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng là nơi thờ tự Tổ chung của cả dân tộc.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 cho biết, đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Cũng chính vì thế, hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ Vùng Vương, hàng triệu đông bào cả nước lại nối theo nhau về đền Hùng, một trong những điểm trung tâm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thực hiện nghi lễ tín ngưỡng đó là được thắp một nén hương thơm tưởng nhớ Vua Hùng,cầu cho người người được bình an, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc…
Bên cạnh đó, về với Đền Hùng, mỗi người Việt Nam còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”. Từ đó có sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Suy rộng ra, sự gắn kết cộng đồng xuất phát từ nguồn cội, do đó, là người Việt Nam dù ở đâu, trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược hay miền xuôi, người kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Như vậy, có thể thấy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc.
Gắn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với phát triển kinh tế
Từ thực tiễn cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch trong nước và quốc tế thời gian qua, có thể khẳng định: Phát triển du lịch chính là tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mặt khác, để du lịch phát triển bền vững, hiệu quả, phải dựa trên nền tảng văn hóa, phải vì mục tiêu văn hóa và phát triển văn hóa vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, trong sự nghiệp phát triển của xã hội thời hiện đại, các giá trị văn hóa càng có ý nghĩa và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương mà dạng thức cụ thể, sinh động nhất là lễ hội đền Hùng đang là sản phẩm độc đáo, đặc biệt của kinh tế du lịch, vừa là tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và có giá trị.
Ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết thêm, bản chất của du lịch là văn hóa (nhất là văn hóa tâm linh), nhu cầu du lịch là do văn hóa quyết định. Bản thân lễ hội đền Hùng đã mang một ý nghĩa to lớn, một giá trị văn hóa sâu sắc, độc đáo, vì vậy, có sức lôi cuốn và mời gọi mãnh liệt tới cộng đồng dân cư.
Hằng năm, Khu di tích Lịch sử đền Hùng đón 6 - 8 triệu du khách tham dự lễ hội Hùng Vương và tham quan Khu di tích. Đây là yếu tố thuận lợi cho ngành du lịch khai thác tiềm năng và phát triển. Xét ở góc độ này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và hấp dẫn, là sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt của ngành du lịch.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử đền Hùng cho biết, Ban quản lý Khu di tích đang đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của khu di tích; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, thu hút du khách về đền Hùng; chủ động trong việc kết nối đền Hùng với các tuyến, điểm di tích trong tỉnh. Cùng với đó là xây dựng và tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm, các sản phẩm du lịch học đường, giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đa dạng mặt hàng lưu niệm, xây dựng môi trường du lịch sinh thái, đảm bảo văn hóa, văn minh trong khu vực di tích nhằm kích cầu du lịch.
Phát huy giá trị du lịch của di sản nói chung cũng như di sản văn hóa Hùng Vương nói riêng là phương cách hữu hiệu cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để củng cố bản sắc văn hóa, tạo ra thu nhập và việc làm, giúp cộng đồng gìn giữ kinh nghiệm, tri thức dân gian, tập tục truyền thống... Tỉnh Phú Thọ đang có trong mình di sản văn hóa Hùng Vương quý báu của dân tộc, đó là nền tảng tinh thần, cũng là động lực cho sự phát triển đi lên của vùng đất Tổ. Việc phát triển kinh tế du lịch của địa phương thông qua hoạt động khai thác giá trị du lịch của di sản là rất cần thiết, là nhu cầu, xu thế không chỉ cho phát triển lợi ích kinh tế mà còn cho việc bảo tồn di sản dân tộc.
Theo Báo Tin tức