ClockThứ Bảy, 09/02/2019 17:50

Xây dựng hình ảnh Huế từ lễ hội

TTH.VN - Không biến tướng, dung tục và mất trật tự, lễ hội đầu xuân ở Huế vẫn được duy trì nế nếp theo phong tục. Ở đó, các giá trị nhân văn tốt đẹp từ ngàn xưa được kế tục, trao truyền. Đó cũng là cách để người dân xây dựng, quảng bá hình ảnh Huế thân thiện, an toàn, mến khách...

Lễ chùa ngày đầu nămĐu tiên Gia ViênSức hút từ cầu gỗ lim trên sông HươngNhững bản sắc văn hóa độc đáo

Lễ hội Đền Huyền Trân luôn diễn ra trong không khí ngưỡng vọng, trang nghiêm

Lành mạnh, yên bình

Với ước vọng cầu mong một năm mới an lành, trong những ngày tết, rất đông người dân đi lễ chùa đầu năm. Dòng người đổ về các ngôi chùa, như: Từ Hiếu, Ba Đồn, Thiền Tôn… khá đông đúc. Tuy vậy, không hề có cảnh ồn ào, chen lấn; trái lại, ai cũng giữ sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Điều đó khiến anh Phạm Thế Phiệt, một người Huế xa quê nhiều năm khá bất ngờ: “Người Huế mình lúc nào cũng nhẹ nhàng, từ tốn. Đông vậy nhưng ai cũng trật tự, lặng yên khấn vái. Cũng không thấy chuyện mê tín, rải tiền, đặt tiền lên tượng Phật như một số chùa tôi từng đến ở miền Bắc. Huế vẫn luôn yên bình, kể cả trong mùa lễ hội, điều đó khiến tôi cảm thấy thích thú khi trở về quê hương”.

Ở các lễ hội đu tiên Gia Viên, Điền Hòa ở Phong Điền, không khí hội làng diễn ra trong không khí hứng khởi, đoàn kết, chan hòa. Ngoài bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương, đây còn là dịp để người dân nô nức trẩy hội vui xuân. Đông nhất là vật làng Sình diễn ra vào mùng 10 âm lịch hàng năm, thu hút hàng nghìn người đổ về xem vật. Có tuổi đời trên 200 năm, đến nay, lễ hội này vẫn giữ được nét đẹp truyền thống xa xưa, không đặt nặng chuyện thắng thua mà mang đậm tinh thần thượng võ của người bản địa, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về.

Ông Nguyễn Long, một du khách ở TP. Hồ Chí Minh cảm nhận khi đến công viên Thương Bạc tham gia hội bài chòi vào chiều mùng 3 tết nhận xét: “Không quá náo nhiệt như những lễ hội truyền thống ở các vùng miền khác, lễ hội ở Huế vẫn duy trì được nét đẹp truyền thống, là nơi giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều đó níu chân tôi trở lại vào đúng dịp tết sau khi trải nghiệm tết Huế vào năm ngoái”.

Hội bài chòi đầu năm mang đến cho mọi người không khí vui vẻ, dân dã

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, từng là Cố đô và là trung tâm văn hóa du lịch, tự thân Huế đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nhiều hoạt động văn hóa lễ hội từ cung đình đến dân gian được tổ chức vào dịp tết, thể hiện sự phong phú so với các địa phương trong cả nước. Các hoạt động văn hóa, lễ hội không chỉ duy trì như ngày xưa mà còn là sản phẩm thu hút khách du lịch và cả những người xa quê trở về sống lại tình cảm của quê hương.

Ông Hoa cho rằng, các hoạt động vui chơi, văn hóa được khôi phục trong dịp tết đã tạo ra điểm nhấn đặc biệt, góp phần xây dựng hình ảnh Huế ấn tượng trong lòng khách thập phương. “Từ không khí rộn ràng của những chợ hoa ở trung tâm thành phố trong những ngày trước tết, đến các điểm vui xuân, tụ điểm văn hóa, các lễ hội đầu xuân, như: đu tiên, vật, đua ghe… của một số làng truyền thống đã tạo ra chuỗi hoạt động phong phú cho ngày tết cổ truyền. Ngay cả hội vui xuân bên bờ sông Hương, thu hút hàng ngàn người đến vui chơi cũng được trang trí rất phù hợp với kiểu cách của Huế”, ông Hoa nhận định.  

Giữ nét đẹp toàn vẹn

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước với 500 lễ hội lớn nhỏ khác nhau.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao, phần lớn các lễ hội đảm bảo được mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, tránh được nguy cơ mai một và biến hóa tiêu cực, đồng thời, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách, nhất là trong dịp lễ tết. Vì thế, trong nhiều năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng A.

Tặng chữ ngày xuân trở thành nét đẹp văn hóa

Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, được vậy là vì các lễ hội ở Huế không quá lớn, không phức tạp. Người Huế cơ bản vẫn giữ được nề nếp nên lễ hội đầu xuân không bị dung tục hóa, thương mại hóa, biến tướng. Nét đẹp lễ hội truyền thống vẫn được gìn giữ, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ở các chùa chiền, nơi thờ tự, các lễ hội không có những hoạt động mang tính dị đoan, đa phần người dân tham gia để tỏ lòng thành kính, cầu bình an, sức khỏe trong năm mới chứ không nặng cầu danh, cầu lộc. Các hội vật Thủ Lễ, làng Sình dù thu hút hàng ngàn người tham gia nhưng không hề lộn xộn, mất trật tự. Người dân lại thân thiện, mến khách, hòa nhã nên lễ hội ở Huế luôn mang đến cho khách thập phương cảm giác an toàn, lành mạnh.

Vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp của người dân khi tham gia lễ hội, nhất là một số người vẫn chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tùy tiện xả rác khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Đầu năm mới, những hình ảnh xả rác ở Khu du lịch tâm linh Tượng đài Quán Thế Âm (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) hay các bãi cỏ ven sông Hương được đăng tải lên mạng xã hội là điều đáng buồn. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để mỗi người có ý thức văn minh khi tham gia lễ hội và các hoạt động cộng đồng, cần có chế tài xử phạt để người dân tự răn đe mình phải giữ gìn vệ sinh môi trường, có như vậy, hình ảnh Huế - thành phố xanh, sạch, sáng, đẹp, thân thiện mới toàn vẹn trong lòng người dân và du khách.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top