ClockThứ Tư, 26/05/2010 10:23

Thương quá sẻ nâu

TTH - Trờ xe đến cơ quan khi nắng vẫn rát rạt trên đầu, đẩy chiếc wawe vào bóng râm, chưa kịp mở hết chiếc mặt nạ ninja thì một con sẻ nâu ở đâu sà xuống một quãng trước mắt với vẻ chấp chới. Chú sẻ nâu đơn độc quệt chiếc mỏ vào nền đá lát, chấp chới một lát rồi lại la đà bay đi. Hình như là sẻ nâu bé nhỏ ngợp nắng. Hình như là sẻ nâu khát...

Nắng đến bỏng. Hạ đến cháy. Những chiếc lá mệt rũ xanh ở trên đầu. Mặt đường ngờm ngợp khô rốc. Thảng hoặc mới có một chút gió về. Sẻ nâu bé nhỏ không biết là đã bay đi đâu trong cái nắng nung người đến thế kia.   

Đứng dưới khoảng sân lát gạch nóng rát, tôi nhớ ngày còn ở trung tâm phố, trong tòa nhà cao tầng bên cạnh những tòa nhà cao tầng cũ kỹ khác, cây xanh ít ỏi, gió cũng chẳng nhiều nhặn lắm, nên cũng chả mấy khi thấy bóng chim lướt qua.
 
Đôi khi bị xô đẩy đến ngột ngạt bởi nỗi nhớ đồng nội, tôi vẫn thường thu xếp những chuyến ra ngoại ô, nghe mùa lúa lên đòng thơm nức trong những ngày hanh nhẹ, nghe rơm rạ chộn rộn thơm tho khi mùa cắt về. Và khi ấy, trong những buổi chiều nắng sót, những chú sẻ nâu ở đâu chợt lích rích trên rạng cây rồi lích rích theo nhau sà xuống khoảng đồng còn nguyên gốc rạ phía trước. Đám sẻ nâu kéo lại khoảng chiều gần gụi một ngày thơ bé đã xa.
 
Những lúc ấy, chiều đồng nội không chỉ là khoảnh khắc mà như kéo dài mãi trong màu nắng nhạt dần thành lam chiều. Những cánh diều mộc mạc cũng lúng liếng trong chốc lát rồi mất hút đâu đó trong rặng xanh. Những chú sẻ nâu cũng thôi lích rích. Và màu khói, mùi khói tan trôi trên những mái nhà, những vườn cây. Tiếng người mẹ nào đấy nhắc con về bữa. Ăm ắp thương nhớ khi đứng trong không gian và thời gian ấy. Cái ăm ắp hình như là của người đã cất giấu đồng quê vào những vỉa hè bụi bặm, vào những dãy nhà hình hộp cao tầng và cất luôn mùi khói. Cất lâu đến nỗi thèm một bữa cơm cháy vàng xuộm...
 
  
 
Chẳng phải đâu xa, chỉ bữa trước thôi, một người bạn ở huyện, nơi mấp mé đồng quê bảo tôi rằng, hôm rồi lên Khe Mạ, nghe khói lan trong chiều, mắt anh bỗng dưng cay như có gì vừa xộc tới. Cái giọng Phong Điền chân chất, mộc mộc bỗng làm người đối diện nôn nao khi mang đến một chút thảng thốt của khói.
 
 Bây giờ, nơi chốn đi về của tôi nằm trong một khu phố nhỏ tuyến Điện Biên Phủ - Nam Giao. Nơi này vốn là một triền đồi cao, nên có rất nhiều cây và cơ man là gió. Tôi thường mở hết cửa của những căn phòng để đón cái phóng khoáng và mạnh mẽ của gió, dẫu đôi khi kèm theo là không ít hanh hao từ mái ngói nâu sát ban công phía sau nhà, dẫu đôi khi là cái ẩm ướt của cơn mưa bất chợt ghé qua. Nhưng có lẽ, vui thích nhất là mỗi buổi sáng, tôi và lũ trẻ con lại được đánh thức bởi tiếng chim líu ríu. Những chú sẻ nâu không biết làm tổ trên mái ngói tự bao giờ, sáng nào cũng chộn rộn gọi người bằng những âm thanh líu ríu trong trẻo ngây thơ. Cái âm thanh làm ngày mới dường như khi nào cũng bắt đầu bằng những điều dễ chịu.
 
Có những ban trưa thinh vắng, mỏng manh những vệt nắng thấp thoáng qua rèm cửa, tôi bước xuống nhà và giật mình bởi tiếng bay vù của những chú sẻ nâu tìm cơm trong gian bếp nhỏ. Phát hiện này đã mang đến một cam kết, là những bước chân khẽ khàng hơn trong những ban trưa yên vắng để lũ sẻ nâu bé bỏng không rủ nhau bay đi mất ...
 
Mãi rồi thành quen, những chú sẻ nâu hình như đã trở nên thân thiết. Không chỉ là ngày nắng, không chỉ là mùa hè hay những ngày không mưa, ngay cả khi trời rét đẫm, những chú sẻ nâu vẫn lích rích đâu đó trên mái ngói, vẫn vào phòng khách la đà và nhẩn nha ngay trên thềm cửa.

Thế nên, khi thấy sẻ nâu bé bỏng như lỡ bước trong khoảng sân ran rát nắng và ran rát nóng, tôi chợt nhiên có cảm giác gì đó giống như là sự se thắt. Thương quá, sẻ nâu bé bỏng...

 
Hạ Nhi
  
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới

Cách đây 8 năm, ngày 19/5/2016, Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” (1802 - 1945) được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ​

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới
Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng đại diện một số sở, ban ngành và người dân, du khách đã tham gia lễ rước hoa sen và dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế) sáng 19/5.

Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ

Ngoài những di tích, những di sản văn hóa phi vật thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tình yêu thương bao la của Người dành cho Nhân dân Thừa Thiên Huế, những hồi ức của Người với vùng đất Thừa Thiên Huế còn có tình cảm đặc biệt của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người gồm hàng ngàn trang tư liệu viết và những câu chuyện kể. Đó là lòng tôn kính, tình cảm của Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động thờ cúng trong mỗi gia đình sau khi Người qua đời.

Trân quý những tư liệu, hiện vật tưởng niệm Bác Hồ
Khai hội Dương Nỗ - hành trình tháng 5

Làng Dương Nỗ là một địa danh không thể thiếu trong trong tiểu sử của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất - Hồ Chí Minh.

Khai hội Dương Nỗ - hành trình tháng 5
Return to top