Nhạc công CLB Nhã nhạc Phú Xuân biểu diễn bản “Tam Luân Cửu Chuyển”
Theo thời gian, hệ thống bài bản nghệ thuật cung đình Huế theo chân các nghệ nhân thất tán trong dân gian. Vì cuộc sống mưu sinh, có những nghệ nhân giải nghệ, nhưng vẫn có nhiều người giữ nghề bằng việc tiếp tục tham gia trình diễn trong các dịp cúng tế hội làng, họ tộc, tang ma… Phần vì tư tưởng giấu nghề, chỉ truyền nghề cho con cháu, phần vì đặc tính truyền ngón của dòng âm nhạc truyền thống, nên việc sưu tầm tư liệu và đối chiếu so sánh để tìm cơ sở dữ liệu về với nguyên bản là công việc vô cùng khó khăn và mất nhiều thời gian.
Trong quá trình tìm lại những “mảnh vỡ” của các bài bản cũ, ngay khi có thông tin về nghệ nhân, nhóm nghiên cứu tranh thủ điền dã ghi âm, ghi hình, phỏng vấn và nhờ các cụ trình diễn lại các bài bản… Trên cơ sở đó mới ký âm, phân tích, so sánh thông tin để tìm cái gốc.
Nghệ sĩ Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế chia sẻ, nghệ nhân là những người nắm giữ được những bí kíp độc đáo của nghề nghiệp, nhưng không phải ai cũng dễ dàng trao truyền bí kíp đó cho người khác. Do vậy, với mỗi nghệ nhân được chọn điền dã, điều quan trọng là làm sao để họ đồng cảm, chia sẻ với công việc sưu tầm nghiên cứu của nhóm. Phải có sự đồng cảm sâu sắc thì họ mới sẵn sàng thể hiện một cách trung thực, chính xác các nốt rung, nhấn, luyến láy - những ngón nghề mà họ được trao truyền từ thế hệ trước và đang có khả năng nắm giữ. Nói ví von, đó như là cách các nghệ nhân tôn trọng và làm đẹp, làm sáng những bài bản Nhã nhạc như chính giá trị nguyên bản của tác phẩm.
Ở Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, mỗi bài bản Nhã nhạc sau khi hoàn tất hồ sơ khoa học, có được một đáp án gần với nguyên bản nhất thì lại được dàn dựng để các nhạc công biểu diễn. Đây là giai đoạn quan trọng có ý nghĩa phát huy giá trị của di sản trong nhịp sống đương đại. Phần việc tưởng chừng đơn giản hơn nhiều so với các công đoạn trước đó, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Anh Hoàng Trọng Cương chia sẻ: Trên cơ sở bài bản đó, anh em nhạc công trẻ phải thể hiện được “hơi nhạc” dân tộc. Tuy cùng một bản nhạc, nhưng mỗi thầy có một phá cách riêng, một tính cách riêng của nghệ nhân nhưng cốt lõi là họ vẫn giữ được hơi nhạc. Để thấm được cái hơi ấy, nhạc công phải không ngừng tự tìm tòi và phải được nghe người đi trước đánh nhiều lần, nếu không thì có đánh cả đời, chơi đúng nhịp nhưng cũng không ra được hơi nhạc.
Thời gian cũng đã lấy đi Nghệ nhân, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Kích. Nhưng một nghệ nhân Trần Kích tài hoa, cần mẫn vẫn còn đó trong kỷ niệm của anh Trương Trọng Bình - một trong những gương mặt sáng của nhóm nghiên cứu bài bản Nhã nhạc. Trong một lần nhóm nghiên cứu của Nhà hát tìm về nghệ nhân Trần Kích để điền dã, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu nên có người đã ngỏ ý “để cụ ưa đánh chi cũng được”. Trân trọng thay, vì đồng cảm với công việc người trẻ đang làm, cụ Kích đã không kể tuổi cao nhọc nhằn, một tuần liền sáng nào cũng trình diễn hết tam, tỳ, kỳ, nguyệt đến kèn, trống… để nhóm quay phim, ghi âm. Mỗi nốt nhấn, nhá trên phím đàn đều được cụ giải thích cặn kẽ. Và lời cụ ấm áp, làm nghề nhạc là phải có cái tâm. Chỉ có cái tâm ấy mới giúp người nghệ sĩ không chỉ đưa tiếng đàn đến tai người nghe, mà còn giúp họ cảm thụ âm nhạc bằng chính trái tim mình.
Với cố nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Trần Kích, anh Hoàng Trọng Cương cũng lưu nhớ nhiều kỷ niệm xúc động. Trong làng nghề âm nhạc truyền thống Huế, những nghệ nhân ấy đều là cây cao bóng cả, là những bậc thầy đáng kính, nhưng trong đời sống, họ lại dung dị vô cùng. “Cả cuộc đời các cụ dành cho Nhã nhạc, nhưng đời sống kinh tế về già có mấy ai được sung túc, giàu sang? Hồi các cụ còn có sức, một mình một xe đạp vẫn hằng ngày cần mẫn ra vào Nhà hát dạy cho lớp trẻ. Ngày tuổi già sức yếu, nhóm nghiên cứu cần hỏi gì, trình diễn bài gì, các cụ cũng không nề hà khó khăn. Trước những con người ấy, thấy mình chưa là gì cả. Nhưng mình tin vẫn sẽ đi mãi theo con đường này, dù có khó khăn thế nào”, Hoàng Trọng Cương chia sẻ.
Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: TRỌNG BÌNH