ClockThứ Tư, 03/08/2022 06:51

Đêm nghe ca Huế trên dòng Hương

In bóng mình trong HuếThơ ca đồng hành cùng Festival Huế 2022

Chín thương bến Ngự sang ngang

Mười thương, mười thương tà áo

Ố tang, ố tang tình tang, tình tang tình

Đó những câu hát ngọt ngào trong bài dân ca Huế “Lý mười thương” mà tôi nghe được trên dòng Hương Giang đêm ấy. Một đêm trăng thanh soi xuống dòng nước lững lờ trôi qua mảnh đất Cố đô. Từ độ ấy, trong tôi cứ vang mãi khúc đẩy đưa “ố tang, ố tang”, “tình tang tình”… của những cô gái Huế ngồi trên thuyền rồng, trong bộ áo dài duyên dáng.

Có nhiều điều ở Huế đã để nhớ để thương trong lòng tôi. Ca Huế, nói rộng ra là nền âm nhạc cổ điển Huế đã trở thành điểm nhớ sâu sắc nhất. Ai đó nói với tôi rằng, muốn nghe đờn ca tài tử phải về phương nam, ngồi trong không gian cây nhà lá vườn để tiếng đờn kìm, đờn cò… vọng sâu vào tâm khảm; còn muốn nghe ca Huế, nhã nhạc cung đình thì phải đến Huế, hòa mình trong không gian cổ điển, ngồi đối diện với những nghệ nhân và cảm nhận âm nhạc mà vua chúa đã từng nghe thuở vàng son xa lắc.

Tôi đã đến Huế nhiều lần, lần nào tôi cũng dành thời gian để nghe ca Huế trên sông Hương. Trên bến Tòa Khâm, đêm đêm, những chiếc thuyền rồng lớn nhỏ dập dìu chở khách trên sông Hương. Tiếng máy chạy cộc cạch, tiếng nước reo rạt rào, tiếng đàn lay động không gian và chất giọng ngọt ngào của cô gái Huế làm mát lòng lữ khách. Phụ nữ Huế nói chuyện nhỏ nhẹ ngọt lòng, khi hát lại càng thanh thao, trong vút. Những bài hát cổ điển, bản dân ca Huế, điệu mái đẩy, mái nhì… được các thế hệ kế thừa hát bằng tình yêu âm nhạc cổ điển mênh mông. Những bản nhạc trữ tình khơi nhắc một chiều “mưa trên phố Huế”, ngợi ca “dòng sông Hương vẫn trong, nước sông Hương vẫn nồng”… gieo vào lòng khách một tình yêu xứ Huế, trong khoảnh khắc đó, khách nhận mặt Huế làm quê hương của mình. Quê hương giữa miền Trung nắng gió rát mặt, đến khi mưa lại “xối xả trắng trời” khiến người ta lầm tưởng rằng Huế mang trong lòng một “nỗi niềm chi rứa…”.

Trên dòng Hương Giang, nền âm nhạc Huế đã được sinh thành. Âm nhạc Huế đã gắn chặt với dòng sông này, với tà áo dài truyền thống, với những nhạc cụ dân tộc như bộ ngũ tuyệt tranh, tỳ nhị, nguyệt, tam, bầu, sáo, bộ gõ trống, sanh loan, sanh tiền… Tôi là kẻ yêu âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống. Có lẽ vì tôi hướng nội, nếu không muốn nói là "cổ hủ", nên tôi không mấy thiết tha với những bản nhạc hiện đại, những thể loại nhạc mà nhạc át cả lời, lời chỉ vài câu sáo rỗng vô nghĩa. Tôi may mắn khi được thưởng thức âm nhạc của nhiều vùng miền trên đất nước ta như đờn ca tài tử Nam bộ, câu vọng cổ ngoi lên từ sông nước Cà Mau, điệu bài chòi Phú Yên, bài chòi và hò khoan Quảng Nam, làn quan họ mượt mà Kinh Bắc… và ca Huế trên dòng Hương Giang. Tôi trân trọng từng giai điệu, từng khoảnh khắc được ngồi trên thuyền rồng lang bạt trên sông Hương. Bởi tôi biết khi rời xa xứ Huế, cái cảm giác ấy, điệu hò mộc mạc mà duyên dáng ấy sẽ trở thành nỗi niềm nhớ thương da diết.

Ở Huế, cái gì cũng nhuốm màu truyền thống. Nếu ai đó yêu thích những giá trị cổ truyền của dân tộc thì xứ Huế có lẽ là nơi thích hợp để họ tìm về. Huế - thành phố lưu giữ những nét xưa quý phái và dân dã, tất cả đã tạo nên chất trầm mặc, chậm rãi, thơ mộng và hữu tình cho đất Cố đô. Tôi đã đem lòng yêu Huế cũng chính bởi những nét riêng độc đáo ấy, trong đó, nền âm nhạc cổ điển chính là khao khát cháy bỏng để tôi vượt chặng đường dài đến với nơi đây. Để rồi khi xa Huế thương, câu hát “ố tang”, “ố tang tình tang”, “tình tang tình”… cứ vọng lên như thể tôi đang ngồi trên thuyền rồng, trên mặt nước sông Hương u huyền trong một đêm trăng đẹp.

HOÀNG KHÁNH DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Ca Huế trên sông Hương: "Cha chung không ai khóc"

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ca Huế bát nháo như hiện nay là sự phân tán quản lý với quá nhiều cơ quan và đơn vị cùng tham gia, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ca Huế trên sông Hương  Cha chung không ai khóc
Vẫn chuyện ca Huế trên sông Hương

Đã đến lúc cần cân đo đong đếm giữa bài toán kinh tế mà ca Huế trên sông Hương đem lại với việc bảo tồn, gìn giữ một di sản độc nhất, vô nhị như ca Huế.

Vẫn chuyện ca Huế trên sông Hương

TIN MỚI

Return to top