ClockThứ Ba, 14/05/2019 06:50

Tái hiện huyền thoại một con đường

TTH.VN - Những lời ca, điệu múa về con đường huyền thoại mang tên Bác làm sống dậy trong tâm thức mọi người một thời oanh liệt: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Người mở đường Trường Sơn hôm nayVì em là bộ đội Trường Sơn“Cầu nối” giữa đại ngàn Trường sơnSống dậy ký ức một thời oanh liệt

Một thời “Tiếng hát át tiếng bom”

Tối qua (13/5), Liên hoan tuyên truyền lưu động với chủ đề “Trường Sơn - Con đường huyền thoại” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019) đã đến biểu diễn ở Thừa Thiên Huế. 32 đội tuyên truyền lưu động (TTLĐ) tham gia liên hoan mang đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật sôi động ở 5 điểm diễn: Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế và TX. Hương Thủy, Quảng trường trung tâm và ngã ba Bốt Đỏ huyện A Lưới.

Những hình ảnh quen thuộc của người lính cụ Hồ

Đã qua mấy mươi năm nhưng tiết tấu sôi động của ca khúc “Cô gái mở đường” như chưa bao giờ cũ, vẫn khiến lòng người rưng rưng tự hào, xúc động mỗi khi nghe lại. Qua phần trình diễn của đội TTLĐ Hà Tĩnh tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế.

Đọng trong tâm trí mọi người là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ với đôi dép cao su, chiếc gậy Trường Sơn quen thuộc. Hầu như đội TTLĐ nào cũng tái hiện hình ảnh đẹp ấy qua những khúc hát về Trường Sơn: Chiếc gậy Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Đường Trường Sơn xe anh qua… Cứ thế, không khí hào hùng của một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, sự hy sinh anh dũng, kiên cường của những chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn được tái hiện, khắc họa đầy sinh động.

Liên hoan còn mang đến cho khán giả những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc thể hiện đặc trưng văn hóa của các vùng miền. Đến từ Bắc Giang, những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the, những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội nón quai thao mang đến cho khán giả những câu ca mộc mạc, đằm thắm của miền Quan họ.

Khúc hát từ đại ngàn Tây nguyên

Những người con của Tây nguyên đại ngàn ở Kon Tum, Gia Lai gửi đến người xem “Khúc hát đại ngàn”. Những bản làng với nhà rông đỏ lửa, với cồng chiêng âm vang, với xôi nếp nương, rượu cần men say qua khúc hát như mời gọi mọi người đến với rừng núi đại ngàn…

Gợi ký ức về con đường huyền thoại

Diễn ra từ ngày 10 đến 15/5 tại tám tỉnh, nơi có tuyến đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh đi qua: Bình Phước, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Liên hoan tuyên truyền lưu động “Trường Sơn - Con đường huyền thoại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức có sự tham gia của 32 đội TTLĐ với gần 1.000 tuyên truyền viên, diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công. Chương trình được chia làm 2 tuyến. Ở tuyến 1, các đội TTLĐ biểu diễn tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tuyến 2, các đội biểu diễn tại Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum và Quảng Nam, rồi tất cả tập trung về Thừa Thiên Huế biểu diễn, chuẩn bị cho đêm tổng kết, bế mạc vào tối 15/5 tại A Lưới.

Đến Huế tham dự liên hoan, Hoàng Thanh Phong, diễn viên Đội TTLĐ Long An chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự, háo hức khi được tham gia tuyên truyền một chương trình mang ý nghĩa sâu sắc như vậy. Những ngày tập luyện chương trình cũng gợi lại trong lòng chúng tôi những ký ức không thể nào quên về đường Trường Sơn huyền thoại”.

Tái hiện đời sống của đồng bào Tây nguyên qua tiết mục múa "Ngọc Linh hoa" của Đội TTLĐ Kon Tum

Với các loại hình âm nhạc: nhạc cách mạng, dân ca, nhạc cổ truyền, văn nghệ dân gian và kịch thông tin, chương trình tái hiện những mốc son chói lọi, hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là tinh thần 16 năm đương đầu với cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, với biết bao hy sinh, gian khổ của các lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo chia sẻ của bà Vũ Phạm Thanh Hương, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục Văn hóa cơ sở, liên hoan nhằm tuyên truyền giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tôn vinh, tri ân công lao và những đóng góp to lớn của quân và dân ta, đặc biệt là của bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Xuất phát từ yêu cầu tăng viện, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chi Minh. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đuờng Trường Sơn đã đi vào lịch sử, trở thành con đường huyền thoại, một biểu tượng của dân tộc anh hùng. Những chiến công, kỳ tích ấy không chỉ thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non, lấp biển của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bài, ảnhMinh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”

Sáng 9/12, đoàn xe tuyên truyền của các huyện Phú Lộc, Nam Đông, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức diễu hành chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế (15/12/1964 - 15/12/2024).

Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”
Liên hoan "Vũ điệu sống khỏe"

Ngày 26/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam huyện Phú Vang phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Liên hoan "Vũ điệu sống khỏe" năm 2024.

Liên hoan Vũ điệu sống khỏe

TIN MỚI

Return to top