ClockChủ Nhật, 22/08/2021 06:17

Vấn vương hương bò bò

TTH - Quê cô không gọi là cây dú dẻ hay dủ dẻ mà vẫn thường gọi với cái tên thân mật: cây bò bò. Tuổi thơ cô gắn liền với làng quê yên ả, với những rẫy nương và những ngọn đồi thoai thoải, với vô số loài cây mọc hoang cho hoa thơm trái ngọt bốn mùa.

Mùi phố thị

Những bụi cây không cần ai tưới tắm, chăm sóc nhưng vẫn bén rễ, bám lấy đất làng để mầm sống mạnh mẽ vươn lên.

Bò bò là một trong những vị thuốc nam dùng để trị bệnh đau dạ dày, đau bụng, trướng bụng... Bò bò thường nở hoa vào chừng tháng ba và cho quả vào tháng 5 -6, rất tốt cho sức khoẻ, vậy nên trong phong tục hái lá mồng 5 tháng 5, mấy chị em cô vẫn ra những ngọn đồi gần đó tìm chặt những ngọn bò bò mang về phơi khô để dành nấu nước uống quanh năm. Sau này, bà ngoại đem về một cây trồng trước cửa ngõ, qua vài chục năm từ một cây nhỏ nay đã trở thành một bụi cây to lớn xum xuê.

Bà con xóm giềng, nhất là những nhà có sản phụ sắp sinh, vẫn thường đến xin bà cho ít nhánh bò bò về phơi khô uống cùng những lá bốm bạc, hà thủ ô... Hoa bò bò có hương thơm thật đặc biệt, ngọt ngào và đầy quyến rũ. Hoa còn một sự đặc biệt nữa là hương thơm chỉ toả hương vào lúc từ trời chạng vạng đến ban đêm một cách đầy mê hoặc. Do vậy, hễ đi ngang qua, người ta rất dễ dàng phát hiện có cây bò bò chung quanh đây bởi nghe mùi thơm ngây ngất của nó.

Vậy nên, sau này trên thế giới người ta dùng hoa bò bò để chiết xuất thành nước hoa. Riêng cô vẫn có sở thích hái những bông hoa bò bò để vào một lọ thủy tinh nhỏ rồi đậy nút chai lại, thỉnh thoảng lại mở ra và kê mũi vào hít lấy hít để cái mùi hương quyến rũ ấy. Hoặc nữa, cô sẽ bỏ chúng vào trong cặp sách, hương thơm của nó sẽ lan vào những trang vở để khi giở ra những trang vở sẽ có một mùi hương thật đặc biệt.

Bình dị và đằm thắm những quả bò bò vàng ươm trông như những nải chuối nhỏ xinh nửa thẹn thùng, nửa tinh nghịch lẫn khuất sau những ngọn lá. Nàng nhớ những lần ba nàng đi đâu về thường có quà cho chị em nàng là những chùm quả bò bò chín mọng. Chị em nàng thích lắm và thường không ăn vội, cứ muốn để trước mặt rồi ngồi ngắm nghía cho no con mắt. Chỉ có đứa em trai thì lại mừng theo cách khác: nó sẽ bỏ chùm bò bò vào chiếc lồng chim, vừa để trang trí chiếc lồng thêm đẹp vừa làm thức ăn lý tưởng cho chim.

Trái bò bò chín vàng có vị ngọt lẫn trong những hạt đen mà khi ăn dễ khiến người ta liên tưởng đến trái chuối sứ, có lẽ chúng có họ hàng gần nhau cũng nên, chị em cô nghĩ vậy. Cứ thế, mùi thơm hoa bò bò và những nải bò bò chín vàng theo cô suốt cả quãng đời thơ ấu đến lúc trở thành thiếu nữ đôi mươi, hương và vị của trái bò bò vẫn là những gì khơi gợi trong cô một khung trời kỷ niệm.

Bà đã thanh thản ngủ giấc ngàn thu bên kia ngọn đồi sau nhà và cây bò bò trước ngõ được mạ cô quấn một vành khăn tang trắng xoá. Một điều không ai ngờ là cây đã héo úa đúng một năm, những cành lá cứ trở nên khô héo dần. Mạ nói trong bùi ngùi: có lẽ nó buồn vì mệ đã đi xa! Thế rồi đúng một năm sau đó cây bò bò lại vươn mình trở lại, những tán lá lại mạnh khỏe xanh um, mùi hương bò bò lại gọi mời và từng chùm trái chín vàng lại tinh nghịch ẩn hiện trong từng kẽ lá. Bà con xóm giềng lại đến xin mỗi lần nhà có con gái, con dâu đến ngày ở cữ.

Chiều nay lên thăm nhà, các con cô thích thú được ông ngoại cho mỗi đứa mỗi nải bò bò cầm chơi lủng lẳng. Chúng cứ luôn miệng xuýt xoa hỏi ông ngoại: Quả gì mà dễ thương thế? Còn cô, lặng lẽ đứng bên cây bò bò nghe những tháng ngày êm đềm trở về như một thước phim quay chậm. Ở đó có cô bé dáng cao gầy đang ve vuốt từng cánh hoa bò bò.

TRANG THÙY

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới

Cơ sở vật chất cũ xuống cấp trầm trọng, Trường mầm non Bắc Sơn (xã Trung Sơn, A Lưới) được trang bị cơ sở mới tọa lạc tại thôn A Đeng Pleng 2. Chỉ trong thời gian ngắn, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đoàn kết, nỗ lực 200%, đã xây dựng được cảnh quan môi trường đảm bảo, xanh tươi, thực sự là “khu vườn cổ tích” cho tuổi thơ nơi xã biên giới.

“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới
Chạy còng

Trang bị gọn ghẽ với đèn pin, chiếc xẻng, một cái que dài tầm 1m, bao đựng, bấy nhiêu đó là đủ để có những cuộc rượt đuổi còng thú vị vào ban đêm.

Chạy còng
Sân bóng “ruộng” tuổi thơ

Chiều nay, đưa lũ trẻ về quê thăm ông bà. Đi ngang qua con đường làng thân thuộc, vô tình bắt gặp một trận bóng đá sôi động với bầu không khí vô cùng nhộn nhịp ở trên một cánh đồng lúa vừa gặt còn nguyên đó những gốc rạ. Nhìn các cháu say sưa theo nhau tranh trái bóng, trong tôi lại mường tượng ra những người bạn cùng trang lứa, cũng đã từng có những trận cầu nảy lửa trên sân "ruộng" ngày nào.

Sân bóng “ruộng” tuổi thơ
Return to top