Bìa sách “Hồi ký của một ông già Việt học”
Tên tuổi L. Cadiere (L.C) rất thân thuộc đối với Huế - và không chỉ Huế mà cả với giới nghiên cứu Việt Nam ở nhiều quốc gia – bởi ông là chủ bút Tập san Bulletin des amis du Vieux Hué (B.A.V.H). Tờ báo mỗi năm ra 4 số và có tuổi thọ 30 năm (1914-1944), cho đến nay là nguồn cung cấp nhiều tư liệu gốc về Huế và miền Trung cho giới nghiên cứu. Tuy vậy, “thiên hạ” sử dụng di sản tinh thần L.C để lại nhưng chưa có điều kiện hiểu biết đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chính với mục đích đó, dịch giả Đỗ Trinh Huệ, nguyên Trưởng khoa Pháp văn Đại học Sư phạm Huế, hơn 10 năm qua đã bỏ rất nhiều công sức dịch và biên soạn bộ sách lớn về L. Cadiere. Có thể nói như thế vì cuốn thứ nhất “Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt” (NXB Thuận Hóa in lần 1 năm 2010; đến năm 2015 đã tái bản và năm nay in lần 3 tại NXB Thế giới - có bổ sung, đính chính) đã gồm 3 tập, 900 trang khổ lớn; cuốn thứ hai “Hồi ký của một ông già Việt học” (HKLC) dày trên 300 trang khổ lớn vừa ra mắt bạn đọc mùa xuân này. Bộ sách này không chỉ giúp hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp L. Cadiere, mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn lịch sử, văn hoá của Việt Nam.
Ở đây, xin được giới thiệu kỹ hơn về HKLC. Có thể nói ngay rằng, tên sách có từ “Hồi ký” nhưng những ai quen đọc những hồi ký với nhiều sự tích éo le và chuyện tình duyên ly kỳ sẽ không thỏa mãn khi đọc HKLC. Ngược lại, bạn đọc cần tư liệu và kinh nghiệm sống, học tập, nghiên cứu - nhất là ở vùng đất mới, sẽ rất thích thú.
Bìa sách “Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt”
Cuốn sách gồm 4 phần: 1- Thân thế và sự nghiệp của L. Cadiere; 2- Ấn phẩm của L. Cadiere; 3- Tâm thức tiếp cận của L. Cadiere với văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng và gia đình Việt Nam; 4- Hồi ký của một ông già Việt học.
Như vậy, 2 phần đầu cuốn sách giúp bạn đọc nắm được đầy đủ những điều cốt yếu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của L. Cadiere - một “cuộc đời dài 86 năm nhưng đã để ra hết 63 năm phục vụ ở Việt Nam’’. Tháng 6/1953, khi được đưa từ Vinh trở lại Huế, mặc dù có đề nghị để L. Cadiere trở về Pháp, “L. Cadiere lúc ấy đã 84 tuổi vẫn một mực từ chối; “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở đây!” L. Cadiere đã được toại nguyện…”.
Hơn 250 ấn phẩm của L. Cadiere được Đỗ Trinh Huệ “thống kê”, phân loại trong 9 mục cho thấy di sản ông để lại thật đồ sộ và phong phú: Dân tộc học, phong tục tập quán, triết học, tín ngưỡng, tôn giáo – Văn hoá, văn minh, khảo cổ học, nghệ thuật – Địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, lịch sử, ký sự… - Ngôn ngữ, văn học, giáo dục – Thực vật học, sinh vật, môi trường – Du lịch – Một số nhà văn tên tuổi…
Để giúp bạn đọc dễ tiếp cận và hiểu đúng những giá trị cũng như nguyên tắc, phương pháp mà L. Cadiere tuân theo để làm nên những công trình đó, Đỗ Trinh Huệ dành phần 3 cuốn sách cho tiểu luận công phu dài 60 trang sách: “Tâm thức tiếp cận của L. Cadiere với văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng và gia đình Việt Nam”. Qua tiểu luận này, độc giả – nhất là những ai đang/sẽ làm công việc nghiên cứu, bất cứ thuộc lĩnh vực nào, cũng tiếp nhận được những bài học bổ ích, trong đó, Đỗ Trinh Huệ đưa lên hàng đầu là phải “luôn làm việc trên chứng từ hiện thực của cuộc sống, từ các sự kiện thấy được, quan sát được: hòn đá, cỏ cây, nhưng gì mắt thấy tai nghe…”. Một “bài học” tưởng chẳng có gì lạ, nhưng vẫn rất “thời sự”, nếu chúng ta chưa quên những vụ mua bằng giả, lấy cắp công trình nghiên cứu của người khác đã bị tố cáo gần đây…
Với L. Cadiere, để có 250 công trình để đời, ông đã trả giá bằng cả cuộc đời mình. Trong dịp mừng 50 năm sống ở Việt Nam, L. Cadiere đã tâm tình:
“… Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ. Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ… vì những đức hạnh tinh thần…”.
Cũng chính vì thế, trong công trình lớn vừa in lần thứ 3, khi bàn về tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, ông đã bày tỏ “… một ước nguyện là đừng làm suy yếu gia đình tại xứ Việt Nam này, mà trái lại hãy củng cố bằng mọi cách. Than ôi, liệu có được chăng! Liệu có chống chọi nổi những biến đổi với bao là mãnh lực”.
Trong phần “Hồi ký…” chiếm 2/3 cuốn sách, L. Cadiere chủ yếu ghi lại quá trình học và nghiên cứu tiếng Việt của ông từ lúc lên tàu sang Việt Nam. Ông không có ý định kể lại chi tiết cuộc đời mình, mà cuối đời viết theo yêu cầu của toàn quyền Đông Dương lúc đó “với tư cách một nhà Việt học”. Đỗ Trinh Huệ phải rất công phu mới tiếp cận được hơn 30 số Tạp chí “Đông Dương” (Indochine) từ năm 1942 đến 1945 tại các văn khố nước ngoài có đăng hồi ký nói trên của L. Cadiere. Tuy chú trọng mặt học thuật – thực hành và nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng với quan niệm “quá hiển nhiên rằng là ngôn ngữ không được học qua sách vở” mà “phải là một từ “sống” được phát ngôn qua đến mười, hai mươi người khác nhau…” nên ông đã “dẫn” chúng ta đi khắp hang cùng ngõ hẻm từ Đà Nẵng đến Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, Phong Nha… thời mà Đà Nẵng cũng như Đồng Hới còn toàn cát với cát, từ Đà Nẵng ra Huế chưa có đường quốc lộ. Cũng qua HKLC, chúng ta mới biết ông từng “rất hân hạnh đã được dạy vài bài tiếng Việt cho bác sĩ Yersin” - một “người Tây” cũng yêu Việt Nam đến mức xin được chết trên đất Việt. Vì thế, HKLC rất có ích cho người học ngoại ngữ, đồng thời cung cấp nhiều tư liệu sinh động về đời sống xã hội, tự nhiên hơn một thế kỷ trước - chủ yếu trên dải đất Bình Trị Thiên.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ