ClockThứ Sáu, 28/04/2017 14:01

Vui khi có bảo hiểm y tế

TTH - Hơn nửa đời người, lần đầu tiên nhiều người ở các xã bãi ngang ven biển mới đi khám bệnh...

Ngư dân yên tâm bám biển khi được chăm sóc sức khỏe

Ngư dân ở các xã bãi ngang, ven biển thường quen với những chuyến đi dài lênh đênh trên biển. Ăn uống thất thường, làm việc quá sức, lại phải thức đêm, thức hôm nên sức khỏe giảm sút. Ở các xã bãi ngang và ven biển, nhà nào cũng đông con, ít nhất cũng 5 - 6 người nên việc bỏ ra 2- 3 triệu đồng để mua thẻ BHYT không dễ. Hơn nữa, trình độ dân trí thấp, có người không biết chữ nên hễ nói đến các thủ tục khám - chữa bệnh là lại ngại. Thế nên, mỗi khi trong gia đình có người bị bệnh phải điều trị dài ngày nguy cơ rơi vào hộ nghèo lại càng cao.

Ông Trần Chua, Trưởng thôn Hiền Hòa, xã Vinh Hiền (Phú Lộc) nhớ lại: "Ngư dân thường xuyên tiếp xúc với nước biển, hơi muối suốt đêm nên hay đau nhức. Họ thường mắc các bệnh, như viêm khớp, suy nhược cơ thể. Nhiều người không hề biết đến quy trình điều trị, hễ đau là chữa bệnh theo kiểu dân gian, kiếm các loại lá về nấu nước để uống nên bệnh tình kéo dài. Có người ở nhà cả tháng không đi làm được, lại ngại đến bệnh viện, chung quy do không có thẻ BHYT nên sợ tốn kém.

Ngư dân ở các xã bãi ngang huyện Phú Vang đã được cấp thẻ BHYT

Giữa năm 2015, hàng chục ngàn người dân thuộc 27 xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn được Nhà nước trích ngân sách mua thẻ BHYT. Từ đó, họ mới hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe bản thân. Số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và điều trị tại các trung tâm y tế ở các xã ngày càng tăng. Họ được tư vấn, cấp thuốc và làm các thủ tục chuyển viện cần thiết để lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Ông Trần Lẹ, ở xã Quảng An (Quảng Điền), kể: “Ngư dân cứ như con rái cá chỉ biết lặn ngụp, ngày nối ngày ra khơi đánh bắt. Thỉnh thoảng, có ốm đau thì tạt qua đâu đó mua thuốc uống cho qua. Giờ được Nhà nước quan tâm, có thẻ BHYT, chúng tôi rất phấn khởi, tiếp tục bám biển, yên tâm sản xuất”.

Tại Bệnh viện T.Ư Huế, bà Nguyễn Thị Mận, người dân ở xã Vinh Hiền (Phú Lộc) đang làm thủ tục cho chồng xuất viện. Chồng bà là ông Hoàng Văn Thái nằm viện gần cả tháng nay để mổ thông mạch vành tim. Bà Mận nói, biết chồng tức ngực, khó thở mấy năm nay nhưng không có thẻ BHYT nên cứ để liều. Khi được cấp thẻ BHYT, bà làm thủ tục chuyển viện để chồng lên Bệnh viện T.W Huế điều trị.

Tôi hiểu được sự chậm trễ ấy khi bà chia sẻ rằng, cả gia đình 6 người đều trông chờ vào nguồn thu nhập chính từ mảnh vườn trồng hoa màu nên bao lần khiến bà chùn bước. Ca mổ của ông Thái tiêu tốn hết 60 triệu đồng, nhưng ông được BHYT chi trả 100% viện phí. “Khi nằm viện, chồng tôi được các bác sĩ quan tâm, không phân biệt đối xử là bệnh nhân có thẻ BHYT hay bệnh nhân dịch vụ”- bà Mận nói. Cùng chung tâm trạng với bà Mận, anh Phạm Minh - ngư dân tàu cá ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) phấn khởi: "Tôi đi nhiều nên có thẻ BHYT là có thể khám chữa bệnh ở những nơi khác và vẫn được hưởng nguyên chế độ nên rất yên tâm. Năm ngoái, đánh bắt ở ngư trường Đà Nẵng, chẳng may bị gãy chân, tôi không phải tốn chi phí khi điều trị”.

Mỗi khi người dân yên tâm về sức khỏe, họ sẽ an lòng mà dong buồm ra khơi. Không chỉ cấp thẻ BHYT, người dân ở các xã bãi ngang còn được tuyên truyền, giải thích về mã quyền lợi, thông tuyến, về BHXH chi trả các chế độ ra sao để người dân biết về quyền lợi của mình.

Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho hay: "Nếu người dân ở các xã bãi ngang có thẻ BHYT nhưng chỉ đợi khi đau nặng mới đi khám thì chưa phát huy giá trị của tấm thẻ. Người dân phải "nghe" được cơ thể của mình, phát hiện bệnh để điều trị kịp thời mới là điều quan trọng. Hệ thống khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tỉnh được nâng cao chất lượng. Tại trạm y tế ở các xã bãi ngang, 100% bác sĩ phục vụ công tác khám chữa bệnh. Các trang thiết bị hiện đại được đầu tư nên giải quyết gần 50% tổng số bệnh nhân điều trị ngoại trú. Chính thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ cơ sở giúp người dân tự tin khi tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Người dân ở các bãi ngang không giấu được niềm vui khi cuộc sống ngày một khá lên nhờ sự tiếp sức của toàn xã hội. Ngư dân thuận lợi hơn khi tiêu thụ sản phẩm bởi đã có những con đường dài thẳng tắp. Lao động trẻ không phải bươn chải, ly hương kiếm sống khi có những chính sách hợp lý để người trẻ làm giàu tại quê hương. Điều mà lâu nay ngư dân nơm nớp lo khi không biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân đã được đáp ứng. Các xã bãi ngang từng bước chuyển mình, sang trang mới…

Bài, ảnh: AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

TIN MỚI

Return to top