ClockThứ Tư, 01/05/2019 08:07

“Vùng trắng” hôm nay

TTH - Vùng Đông huyện Phú Lộc vốn là những làng quê đầy cát và từng là "vùng trắng" trong chiến tranh. Hôm nay, nhìn lại những chặng đường đã qua, mỗi câu chuyện ở đây như những thước phim được "dựng" lên từ cát.

Dấu chân người lính biên phòngPhú Lộc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế biển và đầm phá

Lối vào Laguna Lăng Cô

Con của cát

Chưa vào hè nhưng các tuyến đường về biển Cảnh Dương, Bình An, Phú Hải... thuộc xã Lộc Vĩnh (người dân quen gọi là vùng Đông Phú Lộc), xe, người vào ra nhộn nhịp.

Ngày mới vào nghề, lần đầu về đây, tôi gặp chị Lê Thị Mùi, 30 tuổi, ở thôn Bình An vây lưới trên biển Cảnh Dương khi trời gần sẩm tối. Nhà chị có 4 người nhưng từ ngày bố mẹ cho ra riêng, vợ chồng chị cứ sấp ngửa với biển. Sáng chưa tỏ mặt con đã cùng chiếc thuyền nan nhấp nhô kéo lưới, tối quay về thì trời đã khuya. Ngày nắng còn đỡ nhưng đông về, mưa gió làm nghề biển cực lắm. Cực làm cho người chị kham khổ, tiều tụy. Chị nói vì chuyện cơm áo mà nhiều lúc muốn ở nhà một ngày xem con học hành thế nào nhưng đâu có được...

Biển Cảnh Dương thu hút khách vào dịp hè

Mới đây, về công tác ở Lộc Vĩnh gặp lại, chị bảo, vợ chồng đã xa nghề biển rồi, giờ chỉ buôn bán ở chợ Lộc Vĩnh và Lăng Cô nhưng sống ổn. Chị còn khoe, hai đứa nhỏ ngày nào giờ cũng không kém ai. Đứa lớn học xong ra trường xin vào làm ở Laguna Lăng Cô, đứa sau chuẩn bị xin vào làm công nhân ở Công ty bánh gạo ở xã Lộc Tiến. Giàu có thì chưa nói, nhưng không còn lo cái ăn cái mặc như trước.

Hôm ấy, ngồi quán nước bên tuyến ra biển Cảnh Dương, một đồng nghiệp có gốc gác ở đây cho rằng, giờ ở vùng Đông Phú Lộc không chỉ người trẻ mà thậm chí U40, U50 xin vào làm ở công ty rất nhiều. Tình cờ gặp Thái, bạn của đồng nghiệp, anh chia sẻ nhiều chuyện vui ở vùng quê này.

Thái năm nay 40 tuổi, đã có nhiều năm bôn ba ở TP. Hồ Chí Minh, rồi về xin vào làm nhân viên quản lý sân golf ở Laguna Lăng Cô. Bây giờ Thái hài lòng với công việc hiện tại vì được sống gần nhà, gần vợ con.

Gặp lại ông Nguyễn Minh Chiến, một cựu chiến binh ở thôn Bình An 2, nguyên là lãnh đạo ở địa phương sau ngày đất nước thống nhất, tôi đón nhận thêm nhiều nụ cười.

Ông Chiến là người có gần ba phần tư cuộc đời chinh chiến, giờ vẫn rắn rỏi. Ông bảo, mấy năm nay, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong, ngoài nước tìm đến, xem vùng Đông Phú Lộc như “trái tim” của chuỗi đô thị du lịch ven biển Chân Mây-Lăng Cô.

Vùng đất "trở mình", những con người vùng cát cũng khát khao và nhạy bén để đón lấy cơ hội. Họ không trồng trọt chăn nuôi thì kinh doanh, làm dịch vụ hỗ trợ để xây dựng cuộc sống ổn định, làm giàu. Còn chuyện hàng trăm người trẻ hay lớn tuổi vào giữ các vị trí, làm công nhân ở công ty, đơn vị ở vùng Đông Phú Lộc là điều không lạ, thậm chí có nhiều trường hợp nửa đời theo đuôi con cá, nay làm việc ở các khu du lịch, nhà hàng, hội nhập với xu hướng phát triển trên vùng quê cát.

Dáng dấp đô thị

Từ trung tâm xã Lộc Vĩnh theo những con đường nhựa nối ra cảng biển Chân Mây, hoặc xuôi về Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô, ngược lên khu du lịch Laguna Lăng Cô mang thương hiệu quốc tế... tôi cảm nhận vùng Đông Phú Lộc đầy cát trắng năm xưa, nay đã khoác lên một hình dáng mới. "Chiếc áo” mang hình hài đô thị được nới rộng từ quy hoạch chiến lược cho tiểu vùng phía nam tỉnh và những kế hoạch lâu dài cho "trái tim" miền Trung đã hiện hữu nhiều công trình, dự án đầy tiềm năng, như khu du lịch Địa Trung Hải, Minh Viễn-Lăng Cô; khu liên hợp sản xuất lắp rắp Kim Long Motors, khu phi thuế quan, khu Công nghiệp Sài Gòn-Huế...

Nghỉ dưỡng tại Laguna Lăng Cô

Những dự án, công trình lớn lần lượt ra đời, làm nhịp sống hôm nay ở các làng Cảnh Dương, Bình An, Phú Hải... trở nên rộn ràng, nhộn nhịp. Nhiều khu dân cư vốn đìu hiu đầy nắng cát, bây giờ nhà cửa mọc lên kiên cố, xen lẫn với hàng quán, dịch vụ hàng hóa. Ngay ngã tư ngang qua trụ sở xã Lộc Vĩnh về bãi biển Bình An cách đây không lâu vắng người, cát nóng bỏng chân, nay hai bên có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, những tiệm ăn, quán cà phê đẹp đông người. Nơi đây, mỗi ngày đã có những chuyến xe nội, ngoại tỉnh vào ra trao đổi hàng hóa và vận chuyển khách đi, đến mọi nơi.

Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh Lê Công Minh thông tin, vùng Đông Phú Lộc chuyển mình khi Thủ tướng Chính phủ quyết định quy hoạch thành lập Khu Kinh tế  Chân Mây-Lăng Cô (CM-LC) vào năm 2006. Thế nhưng, lúc ấy Lộc Vĩnh vẫn chưa nên vóc nên hình. Khoảng 6-7 năm gần đây, vùng Đông đầy cát được xem "trái tim" của CM-LC trở thành một "quần thể" du lịch biển, dịch vụ, công nghiệp đầy tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Mà làm nên điều đó, đã có sự góp sức, đồng thuận của Nhân dân. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, khi có chủ trương giải tỏa dành đất cho dự án du lịch, khu công nghiệp, lãnh đạo địa phương vận động giải phóng được 800ha mặt bằng sạch, không có những lùm xùm như ở nhiều nơi khác.

Đổi thay từng ngày, ngay trong từng bữa cơm, trong sinh hoạt của từng gia đình. Có thể nhìn thấy rõ nhất khi cơ cấu kinh tế ở địa phương dịch chuyển theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp; trong đó tỷ trọng nông nghiệp còn 30%; phần còn lại dành cho dịch vụ, công nghiệp. Vùng Đông Phú Lộc không riêng ở Lộc Vĩnh mà cả Lộc Tiến, thị trấn Lăng Cô nằm cạnh đang có chiến lược tập trung đào tạo nghề, phát triển lao động trẻ, khôi phục ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... để trở thành một loại hình sản phẩm dịch vụ, du lịch cho khu kinh tế CM-LC…

Hình hài đô thị dần mở ra hòa nhịp với "quần thể" du lịch ven biển và công nghiệp đang hiện thực hóa giấc mơ một thời của vùng Đông Phú Lộc- vùng quê cách mạng. Có lẽ, cát ở "vùng trắng" một thời, nay đã bớt nóng dưới chân người.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cư dân làng Phú Hải ngóng ngày an cư

Đã lâu lắm rồi, bên cạnh chuyện dãi dầu mưa nắng mưu sinh, hai chữ “an cư” luôn thường trực trong tâm thức cư dân ở làng Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) nằm bên cảng biển Chân Mây...

Cư dân làng Phú Hải ngóng ngày an cư
Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân

Chiều 28/2, UBND xã Lộc Vĩnh ( Phú Lộc) phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng (BPCK) Chân Mây tổ chức điểm tại tuyến biên giới biển "Ngày hội Biên phòng toàn dân" năm 2024. Đây là hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2024); 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024).

Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân
Return to top