ClockThứ Ba, 28/05/2019 14:22
CÂY KEO LƯỠI MÁC Ở THÔN NIÊM BỊ CHẾT:

Xác định nguyên nhân ban đầu do nấm

TTH - Đó là kết luận của Bộ môn Bệnh cây, Viện Bảo vệ thực vật (Hà Nội) sau khi giám định mẫu cây keo lưỡi mác chết tại thôn Niêm (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).

Diện tích rừng trồng của người dân cách khu vực mỏ khoảng 100m bị chết khô

Bộ môn Bệnh cây, Viện Bảo vệ thực vật đã giám định bằng phương pháp gồm: Phân lập tác nhân gây bệnh trên môi trường nhân tạo WA, PDA, PCA có bổ sung kháng sinh, môi trường king B; quan sát sợi nấm và bào tử nấm dưới kính hiển vi quang học; quan sát hình thái khuẩn lạc mọc trên môi trường nuôi cấy. Qua đó, xác định ban đầu tại mẫu giám định ghi nhận sự có mặt của nấm Ceratocystis spp và đây là nguyên nhân khiến cây chết.

Liên quan vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khuyến cáo người dân về biện pháp canh tác cây keo như: Những vùng trồng cây keo lưỡi mác từ luân kỳ 2 trở đi dễ nhiễm bệnh do nguồn bệnh lưu tồn trong đất cao và thiếu hụt nguyên tố vi lượng. Đối với những diện tích này, cần luân canh cây khác hoặc phải bón bổ sung nguyên tố vi lượng Bo và các chế phẩm sinh học vi khuẩn đối kháng như: nấm Trichoderma sp. Ngoài ra, không phát, tỉa cây keo vào mùa mưa hoặc khi thời tiết có độ ẩm cao; tỉa cành nên tỉa bằng kéo tỉa hoặc cưa để vết cắt sắc gọn, bôi thuốc chống nấm vào các vết cắt, hạn chế nấm xâm nhiễm và lây lan nguồn bệnh. Bên cạnh đó, không chăn thả trâu, bò trong rừng keo dưới 3 năm tuổi để hạn chế việc gây ra các vết thương cơ giới trên cây keo, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm, lây lan...

Trước đó, các hộ trồng cây keo gần khu vực mỏ cát của Công ty CP Frit Huế phản ánh, trong kỳ đầu trồng, cây keo lưỡi mác phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi trồng cây keo vụ thứ 2 thì chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Người dân nghi ngờ Công ty CP Frit Huế khai thác cát tại mỏ cát thôn Niêm quá độ sâu, khiến rừng trồng keo của người dân trong khu vực thiếu hụt nước vào mùa khô, dẫn đến cây chết.

Ông Nguyễn Khoa Lai, người dân thôn Niêm (Phong Hòa, Phong Điền) cho biết, năm 2000, theo chủ trương của xã Phong Hòa và huyện Phong Điền về giãn dân ra vùng cát ở thôn Niêm để phát triển kinh tế, ông cùng nhiều hộ dân khác được cấp đất sản xuất, mở trang trại theo mô hình VACR. Riêng gia đình ông được cấp 6ha đất để làm trang trại.

Năm 2009, Dự án 327 và 661 cấp cho ông thêm 1ha để trồng rừng keo. Năm 2014, ông thu hoạch lứa keo đầu tiên được khoảng 40 triệu đồng và tiếp tục trồng lại vụ keo thứ 2. Hai đến ba năm đầu cây phát triển bình thường, nhưng sau đó cây yếu dần và đến hè năm 2018 thì nhiều cây chết khô, thiệt hại.

Theo ông Lai, việc cây chết diễn ra sau khi mỏ cát của Công ty CP Frit Huế hoạt động. Khoảng cách mốc thu hồi giữa đất của mỏ cát và đất của người dân khá sát nhau nên mùa mưa lũ thì đất trồng rừng của các hộ dân bị sạt lở, mùa hè thì thiếu nước.

Về vấn đề người dân phản ánh cây chết xung quanh khu vực mỏ, ngày 18/1, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Phong Điền, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, đại diện xã Phong Hòa, đại diện người dân và trưởng thôn Niêm đã có buổi làm việc với Công ty CP Frit Huế.

Tại buổi làm việc, phía Công ty CP Frit Huế cho rằng đã thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Phía ngành chức năng và người dân cho rằng, cần có cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân cây lâm nghiệp chết để có giải pháp xử lý.

Qua kiểm tra thực tế, UBND huyện Phong Điền đã khẳng định có khoảng 3ha cây keo lưỡi mác mới trồng trên 1 năm tuổi của người dân thôn Niêm ở phía tây khu mỏ của Công ty CP Frit Huế bị chết. Thời điểm cây chết xảy ra vào thời điểm nắng nóng trong mùa hè năm 2018. Thời điểm kiểm tra, cây keo không chết hoàn toàn mà có một số diện tích đâm chồi, phát triển trở lại. Đối với diện tích cây keo đã trồng nhiều năm ở phía đông khu mỏ khoáng sản của Công ty CP Frit Huế vẫn phát triển bình thường.

Để xác định chính xác nguyên nhân cây keo chết, UBND huyện đã có báo cáo các ngành chức năng và UBND tỉnh. Sau đó, Viện Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu, tiến hành giám định và có kết luận như trên.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc 0,1m3 cát, bị phạt 25 triệu đồng

Khai thác trái phép 0,1m3 cát trên sông Ô Lâu đoạn qua xã Phong Bình, huyện Phong Điền, ông V.V.K bị cơ quan chức năng xử phạt 25 triệu đồng.

Xúc 0,1m3 cát, bị phạt 25 triệu đồng
Phong Hòa lấy nguồn lực ý chí, tạo động lực trong phát triển

Ngày 25/2, Đoàn công tác của Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và các phòng, ban của huyện Phong Điền; Đảng ủy, UBND xã Phong Hòa; kiểm tra, phát động phong trào trồng mai vàng trên địa bàn xã.

Phong Hòa lấy nguồn lực ý chí, tạo động lực trong phát triển
Nhiều điểm ngập cục bộ, nước sông Ô Lâu đang lên

Do mưa lớn, đến 10h sáng ngày 17/10, một số điểm tại các xã miền núi ở Phong Điền bị ngập cục bộ. Trong khi đó, nước trên sông Ô Lâu đang lên gây ngập một số đoạn của Quốc lộ 49B qua xã Phong Hòa.

Nhiều điểm ngập cục bộ, nước sông Ô Lâu đang lên

TIN MỚI

Return to top