ClockThứ Năm, 11/08/2016 14:20

Xây dựng nông thôn mới ở Thủy Vân: “Có đất, có tiền, 3 năm sẽ đạt chuẩn”

TTH - Thủy Vân là xã cuối cùng của thị xã Hương Thủy được thống nhất chủ trương lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, với xuất phát điểm hiện tại, nếu có thêm điều kiện về nguồn vốn và quỹ đất, mục tiêu trên sẽ đạt vào năm 2018.

Đường làng Thủy Vân

Từ năm 2010 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội Thủy Vân có nhiều biến chuyển tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm. Nhiều công trình phục vụ đời sống của Nhân dân Thủy Vân được nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của xã được cải thiện hơn nhiều, từ nghĩa trang liệt sĩ, các nhà văn hóa thôn, các trường mầm non khu vực đến giao thông thôn xóm, ruộng đồng… Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Thủy Vân đều trên 10%; người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

Tuy nhiên, hơn 2/3 diện tích đất tự nhiên hiện nay của Thủy Vân đã được quy hoạch xây dựng khu đô thị An Vân Dương, còn lại gần 1/3 diện tích cũng nằm trong quy hoạch khu dự trữ đô thị của tỉnh, nên các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Bù lại, ngành dịch vụ thương mại, dịch vụ gia công, chế biến và kinh tế tư nhân với nhiều hoạt động dịch vụ mới, như: xây dựng, vận tải, ăn uống, nhà hàng sinh thái… phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động tham gia. Tổng giá trị sản phẩm các ngành dịch vụ, ngành nghề trên địa bàn xã (chỉ tính riêng năm 2015) đạt hơn 150 tỷ đồng, chiếm 67% tổng thu nhập của xã.

Trong bộ 19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia, tại thời điểm này, Thủy Vân đã có 14 tiêu chí đạt. Năm tiêu chí cần  tiếp tục phấn đấu, tập trung xây dựng tiếp, gồm: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội – môi trường và các khu dân cư, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh và tình hình an ninh trật tự xã hội.

Thực tế, Thủy Vân đã có một chợ truyền thống ở thôn Dạ Lê, được xây dựng từ trước năm 1975 nên nay đã xuống cấp, quy mô lại nhỏ, thiếu đường nội bộ, cây xanh, điểm thu gom rác và bãi để xe nên không đáp ứng được tiêu chuẩn. Tương tự, với tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, ngoài 4 nhà văn hóa của 4 thôn đã đạt chuẩn, Thủy Vân còn thiếu nhà văn hóa và khu thể thao của xã. Chưa kể, nhà văn hóa của thôn Vân Dương bị quy hoạch nên phải di dời.

Với xuất phát điểm hiện tại, Đại hội Đảng bộ xã Thủy Vân lần thứ XII nhiệm kỳ 2015-2020 xác định rõ: Cơ cấu kinh tế Thủy Vân là đẩy mạnh phát triển dịch vụ, sản xuất hàng hóa và tiến đến trở thành khu đô thị vệ tinh cho TP. Huế. Theo đó, trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, Thủy Vân định hướng phát triển đô thị đến năm 2030.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Thủy Vân, nếu 2 tiêu chí về hệ thống chính trị vững mạnh và đảm bảo tình hình an ninh trật tự chỉ cần phấn đầu, rèn luyện là đạt, thì các tiêu chí còn lại đều trực tiếp cần đến nguồn tiền và quỹ đất. Đây là cái khó của Thủy Vân, nhất là các việc liên quan đến đất, thời gian theo đó mà lâu hơn. Do quy hoạch khu đô thị An Vân Dương nên việc xác định các khu vực, vị trí đất để thực hiện tiêu chí về các thiết chế theo chuẩn nông thôn mới là khó, bởi các quy hoạch này đều thuộc sự quản lý của các sở, ban ngành cấp tỉnh. Nếu xã muốn làm gì đều phải xin ý kiến của các cấp, không thể chỉ riêng thị xã mà được.

“Khó nhất của Thủy Vân hiện nay là xây dựng khu trung tâm hành chính. Trụ sở thì đã có nhưng còn thiếu khu trung tâm văn hóa thể thao của xã. Vừa qua, xã mới làm việc với các sở xin xác định vị trí quỹ đất để đề xuất với UBND tỉnh. Chúng tôi mong các ngành sớm thống nhất sớm các khu vực, vị trí để Thủy Vân có thể sớm được triển khai kế hoạch đầu tư. Nếu có tiền và có đất, Thủy Vân chỉ cần 3 năm nữa sẽ đạt chuẩn nông thôn mới”, Chủ tịch UBND xã Thủy Vân Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top