ClockThứ Ba, 06/10/2020 06:45

Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước

TTH - Bước tiến trong thành tựu 5 năm qua là lực đẩy giúp Đại học (ĐH) Huế xây dựng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước trên cơ sở phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54.

Khảo sát chính thức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo tại Trường ĐH Y dượcDu học tại Huế

Sinh viên Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học thực hành

Bước tiến lớn

Chưa đầy 1 tháng sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Văn Thái, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế được nhận vào làm việc tại một doanh nghiệp trong nước. Thái phấn khởi: “Mức lương khởi điểm gần 10 triệu đồng. Vui hơn là công ty tạo điều kiện để em có thể học tập nâng cao trình độ chuyên môn”.

Sản phẩm đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là câu chuyện “nóng” với các cơ sở đào tạo ĐH, nhưng đáng mừng là ở ĐH Huế, những trường hợp có việc làm sớm như Nguyễn Văn Thái ngày càng nhiều. Năm năm qua, ĐH Huế có 76.903 SV tốt nghiệp ĐH, trong đó có 47.422 SV chính quy và 29.481 SV và học viên vừa làm vừa học. Tỷ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng đạt trên 80% và sau 1 năm là 85%, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. “Ngay trong lễ tốt nghiệp 1/10/2020, chúng tôi khảo sát 253 SV thì đã có 101 SV có việc làm ngay”, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch – ĐH Huế thông tin.

Cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương chỉ là một trong những điểm nổi bật của ĐH Huế. Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐH Huế, thời gian qua, Đảng bộ ĐH Huế tập trung lãnh đạo để ổn định quy mô đào tạo, ưu tiên phát triển các ngành nghề mới, đón đầu nhu cầu xã hội và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4. Đến tháng 7/2020, ĐH Huế có 139 ngành đào tạo ĐH, tăng 33 ngành so với năm 2015 (vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ ĐH Huế nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra là 115 ngành), đồng thời đã triển khai thành công 19 chương trình đào tạo liên kết quốc tế và song ngữ; tổng số SV cũng đã tăng 1.152 SV so với năm 2015.

Đào tạo sau ĐH ngày càng trở thành thế mạnh của ĐH Huế. Giai đoạn 2015 – 2020, quy mô đào tạo sau ĐH luôn ổn định và tăng 10% hằng năm. ĐH Huế cũng mở rộng và đa dạng hóa, tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ĐH Huế còn đào tạo học viên cho nước bạn Lào và tiến đến cho Campuchia và Myanmar theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, cùng với những thành công trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, nhất là tham gia vào mạng lưới giáo dục thế giới trở thành thành viên chính thức và liên kết của 12 tổ chức quốc tế, ký kết hợp tác với 196 trường ĐH và tổ chức quốc tế về trao đổi giảng viên, SV, hợp tác nghiên cứu, đào tạo… thì ĐH Huế cũng gặt hái nhiều thành tựu về nghiên cứu khoa học. “Các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ (KHCN) đã thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 tăng nhiều so với 5 năm trước, trong đó có 5 nhiệm vụ khoa học KHCN cấp quốc gia, 2 chương trình KHCN cấp bộ, 98 đề tài KHCN cấp bộ, 13 nhiệm vụ KHCN cấp bộ và hàng nghìn đề tài nghiên cứu các cấp khác.

Nỗ lực đó đã giúp ĐH Huế được các tổ chức uy tín của thế giới xếp hạng khá cao trong 5 năm qua. Điển hình như xếp hạng của Webometrics năm 2020, ĐH Huế xếp thứ 7/10 trường tốp đầu Việt Nam. Trước đó, năm 2019, ĐH Huế được THE (tổ chức xếp hạng uy tín thế giới) xếp vào danh mục các ĐH sinh viên nước ngoài nên theo học…

“Nâng cấp” ĐH Huế

ĐH Huế đang là ĐH vùng với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TƯ ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có mục tiêu sẽ phát triển ĐH Huế là một trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, tích cực bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì ĐH Huế sẽ đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện hiệu quả.

Trong công tác đào tạo, ĐH Huế sẽ xây dựng chiến lược phát triển đào tạo, cơ cấu lại hệ thống ngành nghề hiện có, đồng thời ưu tiên phát triển sau ĐH, đào tạo ĐH chính quy, các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài, tiên tiến, liên kết. Đặc biệt, sẽ tập trung đầu tư cho một số ngành mũi nhọn, trọng điểm và có tính đặc thù…

Theo lãnh đạo ĐH Huế, không chỉ tăng cường công tác hợp tác quốc tế, ĐH Huế sẽ có nhiều giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng giải quyết những nhiệm vụ lớn, trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, để khẳng định vị thế, ĐH Huế sẽ triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, kiểm định chương trình đào tạo cấp quốc gia, quốc tế…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục tài chính trong trường học

Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.

Giáo dục tài chính trong trường học
Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Nền an ninh nhân dân “là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

TIN MỚI

Return to top