ClockChủ Nhật, 26/01/2020 13:30

Xôi khoai làng Nong

TTH - Bữa cơm gia đình cuối năm ấy suốt đời tôi không quên. Bác Cả bưng chén xôi khoai rưng rưng nước mắt “50 năm rồi anh mới ăn lại món ni”. Cô Út nhỏ nhẹ nói với mạ tôi: “Chị làm tụi em nhớ mạ quá”!

Mùi Tết

Hẹn mãi tới khi bác Cả về thăm nhà cho đúng Tết, vào ngày cúng rước ông bà thì bác cũng đã qua tuổi 65. Gia đình chú Năm và cô Út cũng cùng về theo, nên năm ấy Tết chưa đến mà cả nhà rộn ràng.

Không chỉ ba mạ tôi, chúng tôi mỗi đứa đều được giao làm một món mà ai cũng muốn món của mình là ngon nhất, đẹp nhất bởi từ lâu trong gia đình, bác là hình ảnh của sự hoàn hảo về tài năng, của tiếng tăm thành đạt và hơn thế nữa, của sự khôn ngoan chèo lái vượt qua mọi gian khó của cuộc sống tha phương.

Các chị em họ tôi mang về đầy va li bánh kẹo đẹp rực rỡ, những đứa ở Huế thì lăng xăng các món bánh mứt mà chúng tôi đã học từ các bà cô, từ bà nội những năm về trước. Mạ bắt Út Quân về làng Nong mua khoai khô, về Truồi mua nếp nấu nồi xôi khoai bất chấp chị em chúng tôi phản đối kịch liệt vì ngó nồi xôi không đẹp chút nào.

Mạ chỉ cười hiền từ: “Thì bà nội hồi xưa hay nấu, bác Cả ưa ăn mà”. Nồi xôi khoai mạ tôi nấu công kỹ lắm, ngâm khoai, ngâm nếp, nấu khoai riêng rồi hấp nếp riêng. Khoai phải chín tới đúng độ thì mới cho nếp vô, nêm đường và gừng rồi đảo lên và ủ mới ra nồi xôi đúng chuẩn của bà nội.

Bữa cơm gia đình cuối năm ấy suốt đời tôi không quên. Bác Cả bưng chén xôi khoai rưng rưng nước mắt “50 năm rồi anh mới ăn lại món ni”. Cô Út nhỏ nhẻ nói với mạ tôi: “Chị làm tụi em nhớ mạ quá”! Chúng tôi lặng người nghe kể chuyện thời niên thiếu của các bác, chú, cô những người tưởng như đã quên sự gian khổ tự bao giờ. 

Thời ấy, nhà nội rất nghèo. Bà nội là con gái dòng Võ Đại làng Nong về làm dâu nhà công tử hoàng tộc xứ Truồi, mang theo nề nếp bếp núc của làng Nong, cáng đáng nhà chồng thời loạn lạc. Khoai lang làng Nong không như khoai làng khác, vỏ mỏng, khoai bở mà ngọt, ăn khoai làng Nong phải ăn luôn cả vỏ. Mùa khoai xong, nhà nào cũng trữ khoai cùng với lúa dành cho mùa mưa. Xứ Huế thuở ấy mưa dầm hết suốt mùa đông, thêm cả lũ lụt.

Trong cái rét mướt lê thê ấy, con gái làng Nong được dạy nấu đủ món từ khoai lang khô và từ các cây trái trong vườn nhà. Người làng Nong xa xứ nhớ nhất hai món xôi khoai và cá kho xơ mít! Bữa cơm cúng ông bà ngày Tết của bà nội tôi không thể thiếu món xôi khoai, mà phải là khoai làng Nong! Xôi khoai làng Nong ngọt dịu, nhẹ nhàng thoảng chút hương gừng, hương khoai nồng nàn ấp ủ bao ngày nắng cháy mùa hè. Xôi và khoai quyện vào nhau, dẻo và thơm mùi của mùa đông xứ Huế, của cái rét nhưng ấm cúng của ngày cuối năm con cháu họp mặt cúng rước ông bà về ăn Tết. 

Cuộc sống khó khăn, mười lăm tuổi bác Cả phải bỏ xứ Truồi đi Sài Gòn tìm việc kiếm sống. Lúc ấy nhà chỉ còn 5 lon gạo, bà nội đong cho 2 lon rưỡi, một bịch khoai khô và 2 đồng lận lưng. Tôi cứ thắc mắc làm sao mà thời năm 45 Bác đi tới được Sài Gòn xa xôi cách trở. Bác tôi cười hiền hậu: “Thì vừa đi vừa đón xe dọc đường, xin họ cho quá giang”. Đoạn mô không xin xe được thì đi bộ. Đến các làng quê thì ghé nhà dân xin cho nấu nhờ, ăn hết gạo tới khoai. Có khi họ thương cho ăn ké, khi hết cả gạo khoai tiền thì tới Sài Gòn, tóc dài như con gái, dép mòn không còn đế. Vậy mà tìm ra được người chú làm tiệm ảnh ở đường Lê Lợi. Bát cơm đầu tiên ở đất mới chan đầy nước mắt.

Rồi cả gia đình nội rời Truồi lên Huế, ở nhờ trong sân nhà của bà cô trên dốc Nam Giao. 14 tuổi, ba tôi sáng đi học chiều về cắp rổ lên ga Huế bán hàng xén cho tàu qua lại, ai thuê gì làm đó kiếm tiền giúp ông bà nội và các cô chú đi học. Ông nội nghỉ hưu về mở lớp dạy ở nhà kiếm tiền và dạy luôn con cháu. Ông nội nghiêm khắc từng nét chữ, từng vần thơ, phép toán nên các cô và các chú ai cũng học rất giỏi.

Mạ tôi kể, mạ về làm dâu khi bà nội bị lao nằm nhà thương. Cả nhà ăn cơm với nước mắm kho muối cho lợi cơm, để dành tiền cho bà nội uống thuốc, nhưng không ai được phép bỏ học và không được phép học kém. Mỗi cuối tuần hay dịp khen thưởng các con học giỏi, nội thường hay nấu cho nồi xôi khoai, là món cao lương mỹ vị nhất của cả nhà thời ấy. Khoai từ làng Nong của bà nội, nếp từ làng Truồi của ông nội. Cô út kể, suốt tuần chỉ mong tới ngày chủ nhật, để được ăn xôi khoai. Nồi xôi của nội thơm nức từ nhà dưới tới nhà trên.

Vậy là cô, chú và ba chúng tôi đã lớn lên, lặng lẽ thản nhiên đi qua các khúc rẽ của số phận, nhờ sự nghiêm khắc dạy dỗ của ông nội, nhờ sự vun vén mâm cơm gia đình của bà nội, để mỗi người vững vàng xây dựng sự nghiệp và thành đạt theo cách riêng của mình. Bác cả học nghề với ông chú một thời gian, khi dành dụm được tiền thì cũng vừa đi học đi làm. Tôi chưa có cơ hội để hỏi bác mười lăm tuổi tự kiếm sống ở đất Sài Gòn thuở ấy, bác đã làm những gì để có thể vươn lên được, rồi bay tuốt tới một nơi không có ai là họ hàng, học hành, đỗ đạt và thành công như thế.

Tuần trước đi tìm quanh chợ Đông Ba, chỉ có mỗi một hàng bán đúng loại khoai khô thuở ấy. Cúng rước ông bà năm nay tới rồi, tôi nấu lại nồi xôi khoai mạ dạy, trang trí những đóa hoa đủ màu sắc với lòng tràn ngập yêu thương. Món xôi dung dị chứa đựng cả một thời thơ ấu nhọc nhằn và kiên cường vượt qua số phận của cả nhà nội tôi. Phải chăng từ những tháng ngày vất vả ấy đã hun đúc truyền thống của gia đình, không gì cản trở được sự quyết tâm vươn lên, để ngày mai luôn là ngày tươi sáng hơn, mỹ mãn hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Phước Túy Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực phẩm lên men của người Huế

Cuối năm 2019, Viện Quảng bá thực phẩm Hàn Quốc (KFPI) tổ chức hội thảo “Thực phẩm lên men trong văn hóa ẩm thực các nước ASEAN và Hàn Quốc” nhân Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc - ASEAN. Ban tổ chức hội thảo đã mời đại diện của bốn nước Đông Nam Á là Việt Nam, Thailand, Indonesia và Malaysia “mang” thực phẩm lên men của nước mình sang Seoul giới thiệu với người Hàn Quốc.

Thực phẩm lên men của người Huế
Giữ phong vị tết qua thư pháp

Không quá sôi động như chợ hoa, nhưng những bức thư pháp vẫn làm say lòng nhiều người vào dịp tết. Thư pháp tết có nhiều điểm đặc biệt và bên cạnh mục đích trang trí trong nhà thì với người chơi, đó còn là cách để tìm lại những giá trị văn hóa.

Giữ phong vị tết qua thư pháp
Return to top