Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 21/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng Chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đây là dự thảo luật rất được quan tâm bởi liên quan đến những nhóm chính sách lớn, phức tạp, liên quan đến sức khỏe của nhân dân và cộng đồng.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Nội dung dự án Luật được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Báo cáo thẩm tra về các nội dung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật, bên cạnh đó còn một số ý kiến về dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 1 điều và bổ sung 14 điều.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 1 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung 1 chương về Hội nghề nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, bổ sung các nội dung này một cách phù hợp.
Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng và chính sách phát triển hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi.
Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một cách phù hợp, thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đưa ra những phân tích cụ thể đối với những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Đối với quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí như thể hiện tại Điều 106 của dự thảo Luật.
Về các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, một số ý kiến cho rằng, cần quy định nội hàm của 4 yếu tố cấu thành giá, ý kiến khác cho rằng 4 yếu tố cấu thành giá nêu tại dự thảo là chưa đủ và cần nghiên cứu bổ sung các yếu tố khác như lợi nhuận, các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật và giá trị vô hình của thương hiệu.
Về thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp, có ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên, ý kiến khác đề nghị quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở phương pháp tính giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, đồng thời, phải thực hiện niêm yết, công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý quy định cho phù hợp.
Nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cân nhắc việc xem xét dự án Luật này theo quy trình 3 kỳ họp.
Giải quyết những vướng mắc của y tế
Về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Báo cáo thêm tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết nội dung xã hội hóa, tài chính y tế nếu được đưa vào luật thì kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cũng theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, xã hội hóa trong y tế cũng rất cần thiết vì nguồn lực Nhà nước dành cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Và dù tự chủ, xã hội hóa, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.
Như vấn đề về tự chủ bệnh viện, đây là chủ trương đúng và đã được triển khai thời gian qua, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám, chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá, dự án luật đang tiếp thu chỉnh lý, tuy nhiên, đây là dự án luật rất khó, nhiều nội dung cần đánh giá kỹ lưỡng.
Dự án Luật cũng là mong mỏi của người bệnh, người dân, mong chờ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sớm ban hành luật này là yêu cầu cấp bách, là sự mong đợi từng ngày, từng giờ của ngành y tế cũng như người dân, tạo khuôn khổ pháp lý mới để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng, cũng như ngành y tế hoạt động thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, còn những nội dung lớn trong dự thảo chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan, có đề xuất mới chưa được đánh giá tác động và một số vấn đề chưa đảm bảo thống nhất, liên thông trong hệ thống luật.
Ông Nguyễn Khắc Định lưu ý và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra huy động các chuyên gia rà soát, làm việc khẩn trương để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét
Theo Vietnam+