ClockThứ Sáu, 15/12/2023 15:31

Ghép tạng Việt Nam phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới

TTH.VN - Nhận định nói trên được các chuyên gia đầu ngành ghép tạng đồng tình tại Hội nghị khoa học ghép tạng lần thứ VIII-Huế với chủ đề “Hành trình và sự tiến bộ của ghép tạng Việt Nam” diễn ra ngày 15/12.

Bệnh nhân người Pháp gửi thư cảm ơn Bệnh viện Trung ương HuếCho sự sống nối dàiĐào tạo tư vấn viên và vận động hiến tặng mô, tạng Khám bệnh, cấp thuốc cho 500 người dân Quảng ĐiềnTập huấn về an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ bí mật Nhà nước cho cán bộ y tếTruyền thông HIV/AIDS và giới thiệu các kênh xét nghiệm cho sinh viên Đại học Huế

 Ê kíp BV Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim xuyên Việt năm 2023. Ảnh: BVTW Huế

Tham dự có Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Các chuyên gia đầu ngành về ghép tạng cùng 700 khách mời đến từ tất cả các bệnh viện, trường đại học Y, Dược trong cả nước.

Điều kỳ diệu của y học

Hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992), đến nay các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng. Trong số đó nhiều nhất là ghép thận, tiếp đó là ghép gan, ghép tim, ghép phổi; ghép thận - tụy; ghép tim - phổi; ghép ruột…

Nếu trước đây chỉ các bệnh viện lớn như: 103, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là nỗ lực rất lớn của các chuyên gia chuyên ngành ghép tạng trong cả nước. Đạt được những kết quả này, bên cạnh vai trò phối hợp của bệnh viện với chuyên gia từ Hội Ghép tạng Việt Nam, còn có sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam.

Tại BV Trung ương Huế, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đơn vị đã triển khai ghép giác mạc. Đến năm 2001, BV thực hiện ca ghép thận đầu tiên. Trong lĩnh vực ghép tim, BVTW Huế thực hiện ca ghép đầu tiên vào năm 2011, do ê kíp người Việt Nam thực hiện; Năm 2014, tiến hành cấy ghép tim nhân tạo bán phần heartware đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, BVTW Huế cũng triển khai ghép gan, ghép tế bào gốc để hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư.

Những thành tựu về ghép tạng đã giúp BV Trung ương Huế xác lập nhiều kỷ lục và đạt các giải thưởng uy tín. Tính đến thời điểm này, BV thực hiện thành công gần 1.600 ca ghép các loại. GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết: “Trong chiến lược phát triển, ghép tạng là mũi nhọn của đơn vị. Chúng tôi tiếp tục đào tạo nhân lực và nâng cao chuyên môn, thực hiện kỹ thuật này thường quy, chuyên nghiệp và hiện đại”.

Phát biểu chúc mừng hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nói: “BV Trung ương Huế là đơn vị có số lượng ca ghép tim xuyên Việt dẫn đầu cả nước, khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý, cứu sống tính mạng người bệnh. Đây là thành tựu rất lớn của cả một hệ thống, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các bác sĩ, nhân viên y tế chuyên ngành Ghép tạng và sự chỉ đạo kịp thời từ Bộ Y tế, sự đồng hành của Hội Ghép tạng Việt Nam và Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia”.

GS.TS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nhận định: “Ghép tạng được xem là điều kỳ diệu của y học bởi đây là biện pháp duy nhất cứu người bệnh suy tạng. Công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới. Điều đáng mừng là những kỹ thuật này đang được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau tại các cơ sở y tế của Việt Nam, trong đó có BVTW Huế”.

 Dành phút tri ân người hiến tạng. Ảnh: BVTW Huế

Chuyển giao kỹ thuật, vận động hiến tạng

Hội nghị khoa học Hội Ghép tạng Việt Nam lần thứ VIII - Huế nhận được gần 200 bài báo cáo của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực ghép mô tạng, các vấn đề điều trị hỗ trợ trong và sau ghép. Trong đó, có một số báo cáo đến từ nước ngoài như Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Hội nghị cũng tổ chức 4 lớp CME về: Kỹ thuật Ngoại khoa trong ghép thận, Ức chế miễn dịch trong ghép thận, Tập huấn kỹ thuật ghép tim và Cập nhật tiến bộ ghép gan.

Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia cũng triển khai Chương trình Đào tạo tư vấn viên và vận động hiến tặng mô tạng sau chết/chết não trong 3 ngày tiền hội nghị. Gần 20 bài báo có chất lượng cũng được xuất bản trong Tạp chí Y học lâm sàng - BV Trung ương Huế đánh dấu sự kiện này.

Song song với việc chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật giữa một số đơn vị ghép tạng, nhiều đại biểu còn nhấn mạnh việc vận động hiến mô tạng sau chết/ chết não. Công nghệ ghép tạng của Việt Nam không hề thua kém khu vực, thế giới song vấn đề đặt ra là nguồn tạng hiến còn hiếm. Đây là trăn trở của ngành y tế. “Cần điều chỉnh, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp. Vận động hiến tặng mô tạng cần đổi mới hoạt động để nguồn hiến ngày càng nhiều hơn”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thông tin.

Trao đổi bên lề hội nghị, GS.TS.TS. Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ Tịch Hội Ghép Tạng Việt Nam chia sẻ: “Hiện tạng ghép chỉ có thể đáp ứng chưa đến 10% số người bệnh do thiếu tạng hiến, thiếu khả năng tài chính. Để làm được, kinh nghiệm của chúng tôi đã thực hiện thành công (có tính đến việc có đủ tiền điều trị lâu dài sau ghép) cho hơn 10 trường hợp tại bệnh viện Chợ Rẫy trước đây và tại bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vừa qua là vận động nhà hảo tâm giúp đỡ (nên thành lập đơn vị công tác xã hội trong bệnh viện để quản lý tốt việc tài trợ). Thiết nghĩ, Bảo hiểm xã hội nên chi trả hậu hơn cho ghép tạng, nhất là ghép thận. Tại Philippines, người ta lập Quỹ Quốc gia (phi chính phủ) để tài trợ ghép thận”.

“Ở khía cạnh vĩ mô khác, nên phát triển ghép tạng đến các cơ sở đủ điều kiện. Việc mở rộng này là cách để các địa phương chia sẻ bớt gánh nặng kinh phí tại các bệnh viện lớn. Để làm được điều đó, bệnh viện tuyến trước, ngành y tế cần có chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn để phát triển kỹ thuật ghép tạng nói chung, ghép thận nói riêng vì bệnh nhân ghép thận hiện chiếm số lượng lớn”, GS Sinh nêu quan điểm.

Dịp này, Ban chấp hành Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại BV Trung ương Huế ra mắt với 14 thành viên. Việc thành lập chi hội với cán bộ y tế và các hội, tổ chức tôn giáo… được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước chuyển lớn, tăng nguồn đăng ký hiến mô tạng trong cộng đồng.

 

LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
KỶ NIỆM 130 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ:
Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế được tổ chức trang trọng ngày 12/12. Tham dự có các UVTW Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các tỉnh thành, khách quốc tế…

Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Return to top