ClockChủ Nhật, 30/04/2023 15:53

Gieo mầm hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn

TTH - 2.076 em bé thụ tinh ống nghiệm (TTON) ra đời là thành quả sau 16 năm hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Trung ương Huế. Đằng sau niềm vui đó là hành trình gian nan của các gia đình và nỗ lực của đội ngũ điều trị, nhằm mang lại tin vui cho các cặp vợ chồng sau thời gian dài mong chờ…

Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi 3D trong điều trị ung thư đại trực tràngTư vấn điều trị, tặng quà cho bệnh nhân rối loạn đông máu nhân Ngày Hemophilia thế giới Khám, cấp thuốc miễn phí cho 200 người dân vùng khó khăn

leftcenterrightdel
Phẫu thuật cho bệnh nhân có vấn đề về buồng tử cung

“Cuối con đường sẽ có ánh sáng”

Chị N.T.P.T ngoài 30 tuổi ở Quảng Bình đã ba năm chờ đợi vẫn chưa có con. Sau khi khám và điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (HTSS), Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ (BS) phát hiện chị bị polype buồng tử cung, một trong các nguyên nhân gây ra hiếm muộn. ThS.BS. Lê Viết Nguyên Sa, Phó Giám đốc Trung tâm HTSS nội soi buồng tử cung cắt polype, giải phẫu bệnh cho chị T. và tiến hành tư vấn các bước tiếp theo.

Đây là một trong nhiều ca được BS. Sa thực hiện phẫu thuật can thiệp, điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Với nữ BS có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa và HTSS, điều trị ở lĩnh vực này có những áp lực riêng. Ví như thao tác phải luôn “nhẹ nhàng”, “tinh tế” nhằm chú trọng bảo tồn các bộ phận thuộc cơ quan sinh sản người phụ nữ.

Trong số hàng ngàn trường hợp thực hiện TTON thành công, có hai vợ chồng anh N.B.L ở vùng cao Quảng Trị. Mong mỏi con nhiều năm, sau khi TTON đậu thai, vợ chồng anh L. quyết định ở lại bệnh viện ăn tết để theo dõi. Bốn năm sau, cặp đôi này trở lại thụ tinh tiếp và chào đón đứa con thứ hai cũng vào dịp tết. Chia sẻ với mọi người, anh L. chỉ nói: “Bây giờ tôi có đủ nếp đủ tẻ. Có niềm tin, mọi thứ sẽ đến”!

leftcenterrightdel
 Khám, tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Trong số 20 ca mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, câu chuyện của chị A. một phụ nữ từ Đà Nẵng mang lại nhiều động lực, cảm xúc cho các bệnh nhân cùng cảnh. Hồi tưởng lại hành trình gian nan “tìm con”, chị A. vẫn bồi hồi xúc động. Sau khi mổ nội soi cắt hoàn toàn tử cung, chị nhờ chị gái mang thai hộ. “Khát khao có 1 đứa con quá lớn, chúng tôi đã vượt qua quá trình làm 12 thủ tục pháp lý cần thiết và những chuyến đi về giữa hai tỉnh, thành trong suốt 4 tháng trời. Vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng, bởi nếu buông xuôi thì không ai giúp mình được”, chị A kể.

Chị A. còn vượt qua rất nhiều thử thách, như gia đình người mang thai hộ xảy ra biến cố lớn. Đến lúc vượt qua được thực hiện chuyển phôi thì tuần thứ 7 của thai kỳ phát hiện đậu 3 thai, được bác sĩ tư vấn nên giảm một thai, chỉ để lại hai thai do nguy cơ cao cho người mang thai hộ, nguy cơ sẩy thai và đẻ non nếu giữ cả 3 bé.  “Tôi như chết lặng, đấu trí kinh khủng khi lựa chọn giữa tính mạng chị gái và sự sống của con mình. Một lựa chọn quá khắc nghiệt và đau đớn tột cùng với một phụ nữ khao khát mong con. Tôi khóc nức nở, cuối cùng phải đồng ý giảm 1 thai để đảm bảo sức khỏe cho chị gái và các bé còn lại”, chị A rơi nước mắt nhớ lại thời khắc đã qua.

Sau 37 tuần, vợ chồng chị A vỡ òa vui sướng đón cặp song sinh trong niềm hạnh phúc vô biên. “Tôi muốn lan tỏa đến những chị em phụ nữ không may rằng, hãy mạnh mẽ lên, tuyệt đối không được bỏ cuộc vì “cuối con đường sẽ luôn có ánh sáng”. Phản ứng tích cực hay tiêu cực là do chính chúng ta lựa chọn. Khóc một ngày, buồn một ngày thôi, rồi mai chúng ta phải đứng lên và “chiến đấu” tiếp”.

Sau bao biến cố, nếu ngày đó chị nản chí thì hôm nay, gia đình chị không thể có hai thiên thần đáng yêu như vậy!

Buồn, vui mang theo

CN. Nguyễn Phạm Quỳnh Phương, Hộ sinh trưởng Trung tâm HTSS, người tiếp xúc đầu tiên với các ca bệnh đến trung tâm, chị luôn tạo sự gần gũi, lắng nghe nhằm chia sẻ áp lực. “Một số người vợ òa khóc ngay khi mở lời kể đầu tiên với tâm trạng bị dồn nén. Chúng tôi phải làm công tác tâm lý, tạo niềm tin, động lực, tư vấn kỹ càng để vực dậy tinh thần cho họ”, chị Phương chia sẻ. Sự gắn bó, thân thiện này tạo nên mối dây gắn bó. Thi thoảng vào những dịp lễ tết, điện thoại của chị Phương vẫn nhận được hình ảnh, lời chúc của các gia đình gửi đến sau khi sinh con thành công.

leftcenterrightdel
 Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản

Ấy vậy, song vẫn có những lúc “dở khóc, dở cười” khi phải nhận cuộc gọi lúc nửa đêm để giải đáp, tư vấn tình huống. Nhìn nữ hộ sinh trưởng lần giở những trang hồ sơ lưu với nhiều cung bậc cảm xúc, mới hiểu vì sao chị nói thời gian đầu tâm trạng không thoát ra được áp lực công việc. Mỗi trang ghi chú màu mực đỏ càng nhiều dấu + (thử thai dương tính) thì người làm hộ sinh như chị cũng vỡ òa theo. Ngược lại, phải làm sao để báo tin không vui trong khi các gia đình đang kỳ vọng.

Tháng 7/2008, 6 em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp TTON tại Bệnh viện Trung ương Huế. Năm 2016, đứa trẻ đầu tiên ra đời từ TTON - mang thai hộ.

Bình quân mỗi năm, Trung tâm HTSS thực hiện TTON cho trên dưới 500 trường hợp; tỷ lệ thành công từ 40%-50%, giảm thiểu tối đa các biến chứng trong điều trị hỗ trợ sinh sản.

Việc giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có con là niềm hạnh phúc lớn lao cho đội ngũ Trung tâm HTSS. Do đặc thù công việc, một chu kỳ làm thụ tinh trong ống nghiệm diễn ra liên tục trong 2 tuần; các cặp vợ chồng sẽ được làm tiếp nối nhau nên hầu như BS ngành này phải làm việc liên tục trong các ngày nghỉ cuối tuần.

Đặc điểm của điều trị HTSS tỷ lệ thành công đạt khoảng 40-50%. Có cặp vợ chồng đón nhận niềm vui ngay sau chu kỳ điều trị đầu tiên, song cũng có những trường hợp thành công sau một vài chu kỳ điều trị. ThS.BSCKII. Lê Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Giám đốc Trung tâm HTSS Bệnh viện Trung ương Huế cho hay: “Thất bại sau một chu kỳ điều trị là một nỗi buồn và thất vọng rất lớn, dù bệnh nhân được tư vấn rõ quy trình, tỷ lệ thành công. Sau mỗi chu kỳ điều trị, với những trường hợp chưa thành công, đội ngũ trung tâm rất cảm thông, trăn trở, nhất là đối với các cặp vợ chồng có khó khăn về kinh tế”.

Có trang, thiết bị hiện đại và kinh nghiệm tích lũy 16 năm qua, hiện Trung tâm HTSS triển khai được hầu hết các kỹ thuật điều trị HTSS mang lại hiệu quả cao và an toàn cho các chu kỳ điều trị.

Với lợi thế là bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, Trung tâm HTSS phối hợp đồng bộ với các chuyên khoa khác như Nam học, đặc biệt là Trung tâm Ung bướu để tư vấn bảo tồn sinh sản thường quy cho các bệnh nhân ung thư và thực hiện bảo tồn sinh sản cho các bệnh nhân ung thư trong độ tuổi sinh sản có nguyện vọng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những cơ sở được Bộ Y Tế cho phép thực hiện kỹ thuật TTON - Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tất cả những lợi thế nói trên tạo nên một địa chỉ tin cậy để nơi đây đón bệnh nhân khắp nơi trong cả nước. “Điều này cũng là động lực để chúng tôi bền bỉ với hành trình gieo mầm hạnh phúc cho các gia đình hiếm muộn”, ThS.BSCKII. Lê Việt Hùng nói.

Bài: Linh Tuệ - Ảnh: Thượng Hiển
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà, tiếp nhận 319 đơn vị máu đợt 3

Ngày 4/4, Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Trà phối hợp với Trung tâm Huyết học truyền máu – Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 3 năm 2024.

Hương Trà, tiếp nhận 319 đơn vị máu đợt 3

TIN MỚI

Return to top