ClockThứ Bảy, 23/03/2024 16:49

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ

Những người bị đột quỵ nhập viện đang ngày càng trẻ hóa, trong đó có những trường hợp mới 20-30 tuổi. Do vậy, khi có những dấu hiệu, dù chỉ là thoáng qua, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế trong giai đoạn "giờ vàng" để được xử lý kịp thời.

Kiểm soát huyết áp phòng đột quỵ

Bác sĩ đang thăm khám, đánh giá khả năng phục hồi cho người bệnh Nguyễn Minh Th. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, riêng ngày 21/3 vừa qua, Trung tâm tiếp nhận cấp cứu cho 6 người trẻ (dưới 45 tuổi) bị đột quỵ. Rất may, 5 trường hợp đến sớm, được can thiệp kịp thời nên đang phục hồi tốt, chỉ 1 trường hợp được người đưa đến bệnh viện muộn nên khả năng phục hồi sẽ thấp.

Các thống kê cho thấy, với đột quỵ nói chung, tỷ lệ gây ra tàn phế và ảnh hưởng sức lao động có tỷ lệ khoảng 70%.

Nằm trên giường bệnh, anh Nguyễn Minh Th. 32 tuổi ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ cảm thấy rất may mắn là 1 trong 5 trường hợp có khả năng hồi phục tốt mà bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đề cập nêu trên.

Anh Th. có tiền sự bệnh tim mạch, phải dùng thuốc chống đông máu, nhưng đã tự ý dừng thuốc do cảm thấy bệnh ổn định. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tự ý bỏ thuốc, người bệnh xuất hiện đau nửa đầu, choáng, mệt mỏi... được người nhà đưa ngay vào viện cấp cứu.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, cho biết, trường hợp anh Th., được đưa vào viện triệu khi có các chứng: ý thức rối loạn, liệt một phần hai người bên trái; kết quả chụp mạch cho thấy mạch máu lớn (mạch máu nuôi dưỡng một phần hai bán cầu não) đã bị tắc… Nếu không được can thiệp kịp thời, khả năng người bệnh tử vong là rất lớn.

Rất may bệnh nhân này này được đưa đến bệnh viện trong thời gian "giờ vàng" (trong vòng 6 giờ đồng hồ) và được điều trị tái tưới máu sớm. Chỉ 60 phút khi được đưa đến cấp cứu, người bệnh đã nằm trên bàn can thiệp để các bác sĩ thực hiện lấy, đưa huyết khối ra khỏi vị trí tắc, thông mạch máu não, giúp người qua “cửa tử”.

Và 3 ngày sau khi được thực hiện can thiệp lấy huyết khối, thông được mạch máu lớn, tái tưới máu cho bán cầu não, người bệnh hồi phục rất tốt.

“Sau đợt điều trị này, người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ để chống tái đột quỵ”, bác sĩ Dũng lưu ý.

Sau hơn 3 năm chính thức đi vào hoạt động, thống kê của Trung tâm Đột quỵ cho thấy, người trẻ (dưới 45 tuổi) bị đột quỵ ngày càng nhiều, nhiều trường hợp mới ở độ tuổi 20- 30, thậm chí có trường hợp dưới 20 tuổi. Trong khi đó hiện nay nhiều ý kiến cho rằng đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi và người trẻ thường chủ quan.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đột quỵ có 2 thể chính là đột quỵ thiếu máu não (mạch máu bị tắc) và đột quỵ chảy máu não (mạch máu trong não bị vỡ gây chảy máu trong não). Tỷ lệ nhiều nhất là đột quỵ thiếu máu não.

Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ. Như trường hợp nam bệnh nhân Nguyễn Minh Th. nêu trên, yếu tố nguy cơ là khá rõ ràng, đó là người bệnh bị loạn nhịp tim (rung nhĩ), một yếu tố nguy cơ rất hay gặp trong các bệnh nhân đột quỵ. Trong nhóm bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não, nguyên nhân tim mạch, tăng huyết áp chiếm tỷ lệ khá cao.

Với những bệnh nhân này, các bác sĩ sẽ cho chụp, chiếu đánh giá nguyên nhân và ra phương án phục hồi chức năng và nhất là đưa ra chiến lược dự phòng tái phát phù hợp nhất. Vấn đề điều trị chống tái phát là rất quan trọng vì thực tế hiện nay nhiều người điều trị một thời gian cảm thấy ổn thì chủ động bỏ thuốc, dẫn đến tái phát đột quỵ. Đó là điều rất đáng tiếc.

Một tuần gần đây, Trung tâm Đột quỵ liên tục tiếp nhận các trường hợp tái phát lại đột quỵ. Mà các trường hợp tái phát thường rất nặng.

Những năm gần đây, các bác sĩ chuyên ngành đột quỵ đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, nhất là những kiến thức nhận diện đột quỵ tại cộng đồng. Các dấu hiệu đã được hội đột quỵ thế giới đưa ra là: Méo miệng (đột ngột méo miệng một bên); tay chân đột nhiên yếu liệt, không dơ tay dơ chân lên được; người bệnh nói không tròn tiếng, nói khó, nói ngọng.

Khi đột ngột xuất hiện các triệu chứng đó người bệnh cần được người nhà đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất và trong giai đoạn “giờ vàng” để các sĩ can thiệp kịp thời, đem lại cơ hội hồi phục tốt nhất có thể.

Với những trường hợp bị đột quỵ do thiếu máu não, sau khi điều trị tái tưới máu, bệnh nhân sẽ được đánh giá, xét nghiệm xác định cơ chế bệnh sinh và đưa ra chiến lược điều trị dự phòng tái phát. Bác sĩ sẽ lập đơn thuốc phù hợp, hiệu quả đối với từng bệnh nhân theo phương thức “cá thể hóa” vì mỗi bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác nhau. Không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào và việc tuân thủ điều trị phải duy trì lâu dài, không được tự ý bỏ thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Các nghiên cứu cho thấy có 95% số người bệnh đột quỵ trên thế giới gặp 3 hoặc 1, 2 dấu hiệu điển hình nêu trên (méo miệng; nói khó; yếu liệt tay, chân một bên). Chỉ có 5% số bệnh nhân không gặp triệu chứng điển hình đó, nhưng cũng có một số biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn kèm theo có thể là thoáng qua 3 triệu chứng trên.

Khi đó, người bệnh, người nhà cần nghĩ đến đột quỵ và đưa ngay đến cơ sở y tế. Với những trường hợp nghĩ đến đột quỵ thì bác sĩ tại các cơ sở cấp cứu phải có các sàng lọc sớm để đem lại chất lượng điều trị và hiệu quả điều trị tốt nhất. Vì với người bệnh đột quỵ, mỗi giây, mỗi phút trôi qua, hàng triệu neuron thần kinh mất đi không thể hồi phục.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200 nghìn người mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật cũng ở mức cao.

Những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông nên số người dân bị đột quỵ đến viện sớm đạt khoảng 20%, nhưng con số này vẫn là rất thấp so với thế giới. Với thực trạng như vậy, việc nâng cao nhận thức để người dân đến viện sớm trong “giờ vàng” là vô cùng quan trọng.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Tối ưu hóa điều trị bệnh lý nội khoa

Đó là chủ đề hội nghị khoa học nội khoa toàn quốc do Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với Hội Nội khoa Việt Nam tổ chức ngày 5/10. Tham dự có UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình. Hội nghị thu hút hơn 700 đại biểu cùng các chuyên gia trong, ngoài nước.

Tối ưu hóa điều trị bệnh lý nội khoa
Xử lý kịp thời ca bệnh sốt xuất huyết, ngăn muỗi sinh sôi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 900 ca bệnh sốt xuất huyết, có tuần ghi nhận đạt đỉnh 70 trường hợp dương tính với sốt xuất huyết Dengue. Ngành y tế tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, tổ chức vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân…

Xử lý kịp thời ca bệnh sốt xuất huyết, ngăn muỗi sinh sôi
Nhập viện phẫu thuật vì vật nuôi tấn công

Số ca bị chó mèo tấn công để lại vết thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu, điều trị tăng thời gian gần đây. Điều này cho thấy còn tình trạng chủ quan trong phòng, chống bệnh dại ở bộ phận người dân…

Nhập viện phẫu thuật vì vật nuôi tấn công
Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

Đó là lời khuyên từ các chuyên gia trước thông tin tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông (TTS). Người dân cần tìm hiểu, lắng nghe cẩn trọng, khuyến cáo tránh tình trạng đổ xô đi làm các xét nghiệm không cần thiết.

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

TIN MỚI

Return to top