ClockThứ Hai, 27/05/2024 09:13

Nhập viện phẫu thuật vì vật nuôi tấn công

TTH - Số ca bị chó mèo tấn công để lại vết thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu, điều trị tăng thời gian gần đây. Điều này cho thấy còn tình trạng chủ quan trong phòng, chống bệnh dại ở bộ phận người dân…

“Hàn gắn” nụ cườiTiếp nhận phẫu thuật miễn phí cho 100 bệnh nhân bị khe hở môi - vòm miệngTìm hiểu về phương pháp phẫu thuật Femto Lasik

 Bác sĩ kiểm tra tình hình vết thương của bệnh nhân Trương T.S.

Tuần nào cũng có ca bệnh

Theo Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bàn tay (PTTHTMBT) Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, một tháng trở lại đây, hầu như mỗi tuần khoa đều tiếp nhận các trường hợp nhập viện vì bị súc vật cắn. Riêng 2 tuần gần đây có 5-7 ca vết thương nặng do chó dữ tấn công.

Bệnh nhân (BN) mới nhất là Trương T.S., 54 tuổi ở Quảng Trạch, Quảng Bình hiện đang theo dõi vết thương chờ phẫu thuật tại Khoa PTTHTMBT kể: “Chị gái đau nên tui qua nhà giúp dắt chiếc xe, nhân tiện chị nhờ cầm tô cơm cho chó ăn. Rứa mà con chó lai nớ chồm tui bổ xong ngoặm vô tay, may tui bận áo dài tay chơ không là vết thương còn rộng hơn. Máu chảy quá trời, tui kêu cứu nên người ra giải vây, đưa đi bệnh viện rồi chuyển vô BVTW Huế”.

Do vết thương bị chó cắn sâu, kéo dài gần hết vòng cánh tay phải, các bác sĩ cắt lọc, làm sạch, để hở và chăm sóc hàng ngày cho đến khi vết thương lên mô tốt. Sau đó mới lên lịch phẫu thuật đóng vết thương cho người bệnh. Bà Trương T.S. cũng đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh khám, được chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, tiêm vắc-xin dại theo phác đồ.

Nằm phòng bên cạnh, một bệnh nhi 7 tuổi là bé Nguyễn Thị N.K. nhập viện trước bà S. 3 ngày. Chiều tối, bé cùng bạn đạp xe qua nhà hàng xóm chơi thì bị chó nhà này tấn công, bé tự giải thoát và kêu cứu nên được người lớn can thiệp, chở đi bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm vì mất máu khá nhiều. Tay phải của bé bị nhiều vết thương sâu, phức tạp, vết nặng nhất chạm đến xương cẳng tay, các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi để phẫu thuật. Dù vụ việc đã diễn ra mấy ngày, song khi nhắc lại, chị Nguyễn Mộng T.D. - mẹ bé vẫn rơi nước mắt. “Em đang dọn dẹp bếp núc nghe hàng xóm kêu lên đưa con bé đi cấp cứu liền đi, máu chảy nhiều, tay mất miếng thịt! Ui chao chân tay em bủn rủn hết. Thương con lắm mà không biết làm sao. May con bé can đảm hợp tác với bác sĩ chơ không em cũng rối loạn. Bé nằm viện hai tuần nay, thầy cô gọi đến hỏi thăm và tạo điều kiện cho bé được thi học kỳ II bằng hình thức online”, chị D. nói.

ThS.BS. Nguyễn Đặng Huy Nhật, Khoa PTTHTMBT thông tin: “Đối với trường hợp vết thương mất tổ chức da, thậm chí mất tổ chức cơ chúng tôi cắt lọc, chăm sóc, điều trị kháng sinh… Sau khi đánh giá, nếu mất tổ chức da nhiều sẽ tiến hành ghép da hoặc làm vạt xoay để che phủ phần mềm đó. Tùy tình trạng vết thương, vết thương đơn giản sẽ trải qua hai lần phẫu thuật, thời gian nằm viện khoảng 10-15 ngày, nếu nặng thời gian sẽ dài hơn”.

Còn chủ quan trong phòng tránh và điều trị

Thời gian gần đây, CDC tỉnh tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến tiêm vắc-xin và huyết thanh có vết thương nặng vì bị chó tấn công, trong số này có trẻ em 5-7 tuổi. BSCKI. Phan Thị Hồng Nhạn, Phòng khám Đa khoa CDC tỉnh xót xa: “Có những ca nhìn vết thương mà rùng mình. Thương nhất là cháu bé nhỏ tuổi bị các vết thương ở tay khá sâu và phức tạp, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng mới đây”.

3 tháng trở lại đây, có gần 2.300 lượt tiêm vắc-xin, 205 trường hợp chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại tại CDC tỉnh. Con số này tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong sáng thứ 2 trung tuần tháng 5, phòng tiêm vắc-xin tiếp nhận gần 30 trường hợp bị chó, mèo cào, cắn. Anh Lương Q.P., một thanh niên ở TX. Hương Thủy bị mèo hoang cắn ở tay tiêm cả vắc-xin lẫn huyết thanh nói: “Thấy mèo đi lang thang tội nên em cho nó ăn, ai ngờ bị nó cào và cắn. Mấy ngày nay, nó mất tích không theo dõi được. Em đi tiêm phòng cho yên tâm chơ đọc báo thấy nhiều trường hợp bệnh dại dễ sợ quá”!

Các chuyên gia lý giải nguyên nhân tình trạng người tiêm phòng dại tăng và số ca bị súc vật tấn công tăng là do nắng nóng ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của chó, mèo… Cộng thêm với đó là do súc vật nuôi không được quản lý, dễ dàng tấn công người xung quanh. Bên cạnh đó còn có tình trạng một bộ phận người dân chủ quan không biết cách phòng tránh chó/mèo cắn người; sử dụng các biện pháp dân gian khiến thời gian tiêm vắc-xin bị trễ…

Trả lời về việc nếu chó/mèo nhà nuôi đã tiêm vắc-xin phòng dại thì người bị cào, cắn có nên tiêm phòng hay không, ThS.BS Ngô Kim Nhã, Phó Phòng khám Đa khoa, CDC tỉnh khẳng định: “Mặc dù súc vật được tiêm phòng song không đảm bảo an toàn về phòng dại, do đó, 100% trường hợp bị vật nuôi ở nhà tấn công thì nên tiêm phòng. Trên cơ sở tình trạng vết thương, các bác sĩ sẽ chỉ định liều tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại hợp lý. Bệnh dại không có thuốc điều trị, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả phòng, chống bệnh này”.

Tuy tỷ lệ tiêm phòng dại đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh cao, song tình trạng vật nuôi thả rong, không rọ mõm khá phổ biến. Theo Chi cục Thú ý tỉnh, hiện toàn tỉnh có tổng đàn chó, mèo khoảng 70.000 con. Ngành chức năng triển khai tiêm vắc-xin dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ cao và đang tiếp tục triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung. Hiện, hầu hết người dân nuôi chó mèo chưa kê khai cho chính quyền địa phương, việc thống kê cũng như quản lý tổng đàn chó mèo chưa đầy đủ so với thực tế. Toàn tỉnh mới chỉ có xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) thành lập tổ xử lý chó, mèo nuôi không chấp hành tiêm phòng bệnh dại, thả rông nơi công cộng.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiểu về hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến sự tắc nghẽn đường hô hấp. Nó có thể gây ra nhiều biến chứng và thậm chí tử vong ở cả người lớn và trẻ em. Hội chứng ngưng thở là một rối loạn ngày càng phổ biến, có mối quan hệ đặc biệt mật thiết với bệnh béo phì. Bệnh gây suy giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, làm suy giảm hiệu suất công việc.

Hiểu về hội chứng ngưng thở khi ngủ
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn

TIN MỚI

Return to top