ClockThứ Năm, 01/07/2021 13:15

Người bệnh chờ máu giữa đại dịch COVID-19

TTH - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhu cầu máu và các chế phẩm máu để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân nặng không giảm mà thậm chí còn tăng lên. Trong khi, nhiều đơn vị đã hoãn tổ chức hiến máu, lượng máu tiếp nhận giảm gần 75% so với lượng máu tiếp nhận trung bình hàng tháng, số người hiến tiểu cầu cũng giảm đến 2/3 khiến nguồn máu đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị bị giảm sút nghiêm trọng.

Nguồn máu điều trị chỉ còn tính bằng ngàyHiến máu giữa mùa dịch

Tình nguyện viên của thị xã Hương Thủy hiến tiểu cầu

Nguồn máu gần cạn kiệt

“Sáng nay, có 4 bạn tình nguyện viên đến Trung tâm Huyết học – Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) hiến tiểu cầu để các bác sĩ có máu điều trị cho bệnh nhân trong đại dịch COVID-19. Nguồn máu dự trữ gần cạn kiệt... Cảm ơn những giọt máu quý nhất của các bạn tình nguyện viên rất nhiều”, chị Huỳnh Ngọc Trang (Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Thủy) gửi lời nhắn ấm áp trên mạng xã hội trong một ngày gần cuối tháng 6. Đó chỉ là một ngày trong nhiều ngày chị Trang đồng hành cùng các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Tiểu cầu thị xã Hương Thủy có mặt tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu khi có trường hợp bệnh cần máu cấp cứu.

Hơn một tháng nay, kể từ khi CLB Tiểu cầu Hương Thủy thành lập và đi vào hoạt động, CLB đã hoạt động gần như hết công suất có thể. Trong số đó, các thành viên đã có 6 lượt hiến máu toàn phần và 39 lượt hiến tiểu cầu để cấp cứu bệnh nhân. Nhiều người đã hiến tiểu cầu lần thứ 2. Có những lúc khẩn cấp, Trung tâm Huyết học – Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế chủ động điều tiết lượng máu cần từ nguồn dự trữ và các kênh khác rồi các thành viên của CLB Tiểu cầu Hương Thủy đến hiến sau để bù vào lượng thiếu hụt đó...

Chủ động tìm nguồn

Trung tâm Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) là cơ sở xét nghiệm, điều trị các bệnh về huyết học và truyền máu cao nhất khu vực miền Trung. Hằng tháng, Trung tâm cần có tối thiểu 4.500 đơn vị máu để đáp ứng cho nhu cầu điều trị của Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện trong khu vực, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số bệnh viện tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Tuy nhiên, tính đến ngày 23/6, lượng máu và chế phẩm máu dự trữ tại Trung tâm chỉ còn hơn 1.000 đơn vị, có thể cung cấp trong 5 - 7 ngày tới. Đặc biệt, khối tiểu cầu máy gạn tách từ một người hiến phải vận động hằng ngày theo nhu cầu của bệnh nhân.

Khi dịch COVID-19 đợt 4 xuất hiện vào cuối tháng 4 năm 2021, tình hình tiếp nhận máu của Trung tâm Huyết học - Truyền máu bắt đầu gặp nhiều khó khăn do các đơn vị đã hoãn tổ chức hiến máu để tập trung phòng chống dịch. Đối với khối tiểu cầu thì càng khó khăn hơn vì nguồn người hiến rất hạn chế, mặc dù Ban chỉ đạo các địa phương đang cố gắng vận động và đưa người đến hiến bổ sung. Trong tháng 5/2021, trung tâm chỉ tiếp nhận được gần 950 đơn vị máu và 243 đơn vị khối tiểu cầu máy từ các đơn vị tổ chức hiến máu tình nguyện của Thừa Thiên Huế và những người đến hiến tình nguyện tại trung tâm. Trong khi đó, trung tâm đã cung cấp cho Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện trong khu vực 2.320 đơn vị khối hồng cầu và 240 đơn vị khối tiểu cầu máy.

Để chủ động nguồn máu trong các tình huống cấp cứu, CLB “Ngân hàng máu sống” là lực lượng dự bị sẵn sàng trong trường hợp cấp cứu và đột xuất. Bù cho số lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh không thể về Huế học tập trung, cán bộ, viên chức và đoàn viên thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế đã một trong những lực lượng tích cực hiến máu tình nguyện. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2021, lực lượng này đã hiến gần 300 đơn vị máu và tham gia ngân hàng máu sống cung cấp kịp thời máu và khối tiểu cầu trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Trong thời gian này, Trung tâm Huyết học - Truyền máu cũng đã chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, TP. Huế và các đơn vị Bộ đội, Điện lực, Viện kiểm sát… tổ chức hiến máu. Nhờ đó, đã tiếp nhận hơn 1.000 đơn vị máu và tiểu cầu.

“Trong tình hình hiện nay, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ đạo trung tâm trong trường hợp cấp cứu cố gắng đáp ứng và ưu tiên nguồn máu và các chế phẩm máu cho cấp cứu và bệnh nhân nặng. Nếu thiếu máu kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị đối với những bệnh nhân cần truyền máu và các chế phẩm máu. Tình trạng này cũng không chỉ nguy hiểm đối với các bệnh nhân nặng nói chung, mà cả đối với bệnh nhân bị bệnh máu nói riêng”, TS. BS. Đồng Sĩ Sằng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Huyết học – Truyền máu cho biết.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ghép tế bào gốc đồng loại: Mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhi

Từ cảnh phải truyền máu mỗi tháng, hai bệnh nhi ở TP. Đà Nẵng có cơ hội hòa nhập cuộc sống bình thường nhờ ghép tế bào gốc đồng loại. Lần đầu tiên ở miền Trung-Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba trên toàn quốc triển khai kỹ thuật phức tạp này, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế mở ra hướng điều trị cho trẻ bị suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát…

Ghép tế bào gốc đồng loại Mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhi
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh
Return to top