ClockThứ Bảy, 13/04/2024 07:35

Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ đã trở về cuộc sống bình thường

TTH - Nếu được cấp cứu kịp thời, nhiều bệnh nhân (BN) bị tai biến mạch máu não (đột quỵ) sẽ không phải chết oan uổng hoặc sẽ được hồi phục trở lại bình thường và không phải sống cuộc đời còn lại với nhiều khuyết tật nặng.

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵCa bệnh đột quỵ tăng, bác sĩ lưu ý “thời gian vàng”

Trung tâm Đột quỵ chăm sóc bệnh nhân 

Trong những ngày đầu thành lập Trung tâm Đột quỵ (TTĐQ) – Bệnh viện Trung ương Huế từ giữa năm 2018, chứng kiến nhiều BN qua đời, hoặc được cứu sống nhưng có di chứng nặng nề, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh - Phó Giám đốc TTĐQ luôn bị ám ảnh. Anh đã suy nghĩ, tìm kiếm các giải pháp làm sao tối ưu hóa quy trình cấp cứu đột quỵ nội viện, phối hợp tốt giữa các khoa liên quan để cấp cứu BN kịp “giờ vàng”.

Khi anh đề xuất phương án cần có sự phối hợp tốt hơn, nhanh hơn giữa các đơn vị trình lên, GS.TS. bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV TƯ Huế đã chỉ đạo các khoa liên quan bao gồm TTĐQ, Khoa Cấp cứu, (CC), Khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) và Phòng Can thiệp mạch (CTTM) DSA cùng thực hiện với phương châm ưu tiên cấp cứu người bệnh đột quỵ. Kết quả, nhiều BN nhập viện được xử trí cấp cứu kịp thời, tranh thủ từng phút trong “giờ vàng” và từ đó được cứu sống, giảm thiểu di chứng.

TTĐQ mới đây đạt chứng nhận kim cương của Hội Đột quỵ thế giới. Chứng nhận này là kết quả phấn đấu không ngừng nghỉ của cả tập thể TTĐQ, sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ, nhanh chóng của tất cả các đơn vị liên quan. Chứng nhận thể hiện TTĐQ – BVTW Huế là nơi điều trị chất lượng cao, thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian tái thông mạch máu não, thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.

Ông N.T.H., 72 tuổi, ở phường Thủy Xuân, (TP Huế) ra viện sau một tuần điều trị tại TTĐQ. Ông trở lại cuộc sống bình thường. BN và người nhà rất vui mừng. Bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, điều trị ca này, cho biết: “BN vào viện lúc 5 giờ sáng trong tình trạng liệt nửa người, lơ mơ và nói khó. Kết quả chụp CT trong 10 phút cho thấy, người bệnh bị tắc mạch máu não lớn. Lập tức, BN được can thiệp cấp cứu tái thông mạch máu. Sau 30 phút can thiệp, mạch máu não được tái thông hoàn toàn, BN hồi phục ngay trên bàn thủ thuật. Phát hiện, nhập viện cấp cứu kịp thời là chìa khóa giúp BN hồi phục tốt”.

BN T.Đ.T. từ Đà Nẵng chuyển ra, bị đột quỵ do cục máu đông trôi từ tim lên gây tắc mạch máu não. Rất may, ông T. được can thiệp tái thông trong vòng 45 phút từ khi nhập viện và đã khôi phục gần như hoàn toàn. Trong tuần qua, một trường hợp bị hẹp động mạch máu não giữa gần tắc, được điều trị nội khoa tối ưu vẫn bị đột quỵ tái phát nhiều lần. Lần này vào viện trong bối cảnh bị đột quỵ nặng, được các khoa phối hợp can thiệp kịp thời và đã hồi phục nhanh chóng. Bốn trường hợp liên tiếp vào viện do bị vỡ phình mạch máu não với triệu chứng đau đầu dữ dội, rối loạn ý thức, được can thiệp các túi phình và điều trị hồi sức thần kinh tích cực cũng đã hồi phục tốt.

Bác sĩ Lê Vũ Huỳnh cho biết, để cứu sống và giảm thiểu di chứng cho từng BN, những khoa liên quan đã có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ. Nếu BN vào TTĐQ, khi nghi ngờ BN đột quỵ thể tắc mạch, bác sĩ nhanh chóng chuyển BN chụp CTA (chụp mạch cắt lớp vi tính) mạch máu não. Trong vòng từ 10-15 phút, Khoa CĐHA đã có kết quả để TTĐQ nhanh chóng điều trị cho BN. Một số BN chẩn đoán không rõ ràng, bác sĩ chỉ định chụp MRI (cộng hưởng từ) sẽ xác định rõ bản chất tổn thương não nếu có, đem lại kết quả chẩn đoán và điều trị tốt. Một số trường hợp cũng được bác sĩ chỉ định chụp MRI ngay từ đầu để nhanh chóng xác định vùng tổn thương chuẩn xác hơn.

Bác sĩ Phan Lê Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu đa khoa, người rất tâm huyết với việc cấp cứu nhanh chóng BN để đạt kết quả tốt. Anh đã phối hợp đồng bộ với TTĐQ, chỉ đạo khoa thay đổi phong cách làm việc ngày càng nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nghi ngờ BN đột quỵ, bác sĩ chỉ định, điều dưỡng chuyển ngay BN chụp CT hoặc MRI và đồng thời báo TTĐQ để bác sĩ xem phim trên mạng PACS (trang mạng bệnh viện để đăng nhập và xem các kết quả chụp CT, MRI…), rồi phối hợp tiến hành tiêu sợi huyết ngay khi có chỉ định hoặc chuyển thẳng đến phòng can thiệp mạch trong trường hợp BN tắc mạch máu não lớn. Khoa quy định, trong vòng 10 đến 15 phút phải giải quyết xong các chỉ định cấp cứu cho BN. Có nhiều BN chưa làm xong thủ tục hành chính, đã được khám và chụp CT chẩn đoán rõ bệnh. Quy định của khoa là cán bộ nào làm chậm, ảnh hưởng đến quy trình điều trị BN đột quỵ thì bắt buộc phải khắc phục.

Một yếu tố quan trọng để chẩn đoán bệnh là các chỉ định chẩn đoán hình ảnh. “Bất cứ thời gian nào, BN nghi đột quỵ có chỉ định CT, MRI đều được khoa ưu tiên thực hiện trước”. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh nói. Các khoa trên tinh thần tự giác phối hợp ăn ý, tuy nhiên có được kết quả cấp cứu, điều trị ngày càng tốt là nhờ sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao, liên tục của GS.TS. bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện. Giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp cứu đột quỵ tại bệnh viện, các cuộc họp do đích thân ông chủ trì diễn ra thường xuyên.

Cuộc họp gần nhất với đại diện của 11 khoa, phòng liên quan đã đưa ra văn bản quy định chặt chẽ, cụ thể: các khoa phối hợp giải quyết nhanh khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định đột quỵ. Nếu tắc mạch máu não lớn, chuyển gấp phòng can thiệp mạch DSA khi có chỉ định, đảm bảo thời gian trung bình dưới 45 phút từ khi nhập viện. Các ca bệnh chụp và can thiệp mạch não thường quy, TTĐQ phân bố theo ngày, nhưng cấp cứu sẽ làm bất cứ lúc nào. TTĐQ ưu tiên cứu BN trước, thủ tuc hành chính hoàn thiện sau, kiên quyết phải rút ngắn thời gian từ khi nhận bệnh đến lúc thực hiện liệu pháp tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch dưới 45 phút.

Để kết quả cấp cứu đột quỵ thành công và hiệu quả, bác sĩ Huỳnh vẫn không quên nhắc: Khi nghi ngờ đột quỵ dù nặng hay nhẹ, người nhà phải đưa BN nhập viện càng sớm càng tốt. Trì hoãn từng phút đều tăng nguy cơ tử vong và khuyết tật. Đột quỵ thể tắc mạch nhập viện trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát thì tỷ lệ được cấp cứu thành công lên đến 60 - 70% bằng các liệu pháp tái thông, bao gồm tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp lấy huyết khối hoặc cả hai.

BN đột quỵ nặng được điều trị trở về cuộc sống bình thường là niềm mơ ước. Mong BVTW Huế luôn biến giấc mơ của nhiều BN thành sự thật.

Bài, ảnh: ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

Một nghiên cứu của Mỹ vừa được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, những người nhiễm HIV có thể an toàn nhận thận hiến tặng từ những người hiến tạng nhiễm HIV đã chết. Điều này có thể giúp rút ngắn thời gian chờ đợi để được ghép tạng trên diện rộng, bất kể tình trạng HIV của bệnh nhân.

Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

TIN MỚI

Return to top