Chị Hoa ở đường Trần Quốc Toản đang chăm sóc chồng bị tai biến mạch máu não nói: “Bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý đều có tâm. Bệnh nhân ở đây trong tình trạng thập tử nhất sinh, vì bảo đảm vô trùng của phòng bệnh nên mọi việc chăm sóc bệnh nhân đều do điều dưỡng và hộ lý thực hiện. Trong giờ làm việc, người nhà không được vào thăm và chăm sóc bệnh nhân. Chồng tôi điều trị ở đây tôi rất yên tâm”.
Bác sĩ Lê Văn Toàn, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, khoa có 5 bác sĩ (riêng bác sĩ Trưởng khoa phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế chỉ thăm khám những ca bệnh rất nặng, một bác sĩ do kiêm nhiệm công việc của khoa khác nên không thường xuyên làm việc ở khoa) và 15 điều dưỡng, nhưng chỉ có 9 điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh, còn lại các điều dưỡng khác làm công việc hành chính và 4 hộ lý. Trung bình, mỗi ngày phải điều trị gần 20 bệnh nhân. Các bệnh nhân bị ốm rất nặng, đa số đều không thể tự chủ, hợp tác để điều trị nên bác sĩ mất nhiều tâm sức, tìm phương án điều trị hợp lý để mang lại hiệu quả cao nhất.
Chị B. con gái bệnh nhân N., chia sẻ: Cha của chị là bệnh nhân cao tuổi nhất ở đây, 95 tuổi, bệnh của ông rất nặng. Ông bị xuất huyết, chảy máu toàn não và viêm phổi. Cả khoa đã dốc sức cho ca bệnh này. Vì tuổi cao, sức khỏe yếu không đáp ứng được các loại kháng sinh nặng, có lần gia đình chị không còn hy vọng, chuẩn bị các thủ tục đưa về, nhưng nhờ sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ, sự chăm sóc đặc biệt của điều dưỡng, hộ lý, não của bệnh nhân đã ổn định, không còn xuất huyết, các bác sĩ đang tập trung điều trị tiếp bệnh phổi. Tinh thần, thái độ làm việc của tất cả cán bộ khoa luôn đem đến cho gia đình nhiều xúc động về y đức.
Từ Phó Trưởng khoa như bác sĩ Toàn, đến bác sĩ Hưng, giỏi chuyên môn, giàu y đức và bác sĩ Bình tuổi đời còn rất trẻ đều tận tình cứu chữa bệnh nhân. Họ thường xuyên đi thăm khám từng người bệnh, biết được diễn biến bệnh để có phương án thay đổi điều trị kịp thời. Luôn khiêm tốn, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người nhà bệnh nhân.
“Trước đây, tôi cũng như nhiều người nghĩ rằng, vì đóng tiền cao hơn nơi khác nên bệnh nhân được phục vụ tốt, nhưng khi ba tôi điều trị ở đây, tôi hiểu rằng, không có đồng tiền nào thay thế được y đức của người cán bộ, bác sĩ của Khoa Hồi sức cấp cứu. Nếu không may, ba tôi không thể khỏi bệnh, gia đình tôi vẫn luôn ghi nhớ công ơn của cán bộ khoa”! Chị B. xúc động.
Trăm nghe không bằng một thấy. Khi đến giờ người nhà vào thăm bệnh nhân, tôi tiếp xúc với không khí làm việc của khoa mới thấy được ý nghĩa của những lời khen từ người nhà bệnh nhân. Cả 3 bác sĩ của khoa đều cùng thăm khám cho bệnh nhân D., còn khá trẻ bị tai nạn, chấn thương sọ não. Họ đang đưa ra những phương án chữa bệnh hiệu quả.
Phòng bệnh yên vắng, chỉ có tiếng động từ thao tác của điều dưỡng. Tôi nghe từng tiếng dỗ bệnh nhân của các điều dưỡng: “Mệ ơi! Con tiêm thuốc cho mệ nghe!”. “Ông ơi! Chuẩn bị ăn hí”... Lúc sáng, ở phòng chờ, thấy mọi người cầm theo chai nước chè xanh, tôi hỏi để làm gì? Họ nói, khoảng 3h sáng là họ đã cùng hộ lý thay ga trải giường và dùng nước chè để lau, rửa toàn thân cho bệnh nhân. Chỉ có một hộ lý nên phải làm việc từ 3 giờ đến 6 giờ 30 mới xong công việc!
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, vừa kiểm tra xong hồ sơ bệnh án, chỉ đạo các bác sĩ điều trị bệnh nhân nói: “Khi mới hoạt động, người nhà bệnh nhân chưa hiểu, thấy đóng tiền cao nên ngại, không đưa bệnh nhân đến điều trị. Khi hiểu được sự chăm sóc bệnh nhân tận tụy, hết lòng của cán bộ khoa nên bây giờ bệnh nhân khá đông. Bệnh nhân nhiều thì cán bộ khoa càng vất vả, nhưng anh chị em vẫn luôn nêu cao y đức, phục vụ tốt bệnh nhân”.
ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG