|
37 bác sĩ (áo xanh) đến từ 7 tỉnh tham gia lớp đào tạo |
Đây là lớp thứ 5 được tổ chức tại Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế với mục tiêu thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo trên cả nước).
37 bác sĩ đến từ 7 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Thuận được đào tạo chuyên khoa cấp I, thuộc 9 chuyên ngành: Hồi sức cấp cứu, Ngoại khoa, Nhi khoa, Nội khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm, Sản khoa và Y học cổ truyền tại Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế trong 24 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ tham gia công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, “Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” (dự án 585) đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn. Giúp hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.
Việc triển khai tốt dự án còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Được biết, trong giai đoạn tới, ngoài việc hỗ trợ kinh phí đào tạo cho bác sĩ trẻ, Quỹ Thiện tâm cũng sẽ tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn.