Kiểm tra, sàng lọc dịch sởi cho trẻ tại BV TX. Hương Thủy
Thời gian qua, tại Bệnh viện (BV) thị xã Hương Trà chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhi nhập viện do sởi. Tuy vậy, lãnh đạo đơn vị đã cảnh báo tình hình mắc bệnh sởi ở các địa phương khác cho cán bộ, nhân viên y tế để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp phát sinh ca bệnh. Theo bác sĩ Dương Vĩnh Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV thị xã Hương Trà, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông xuân, dễ lây nhiễm từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ gây biến chứng. Bác sĩ Dương Vĩnh Hồng khuyến cáo: “Khi phát hiện trẻ sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám”.
Tại huyện vùng cao Nam Đông lâu nay vẫn chưa xuất hiện trường hợp mắc bệnh sởi. Bác sĩ Võ Phi Long, Phó Giám đốc BV huyện Nam Đông cho biết, dù dịch sởi không xuất hiện trên địa bàn nhưng trước tình hình bệnh có xu hướng gia tăng hiện nay ở một số tỉnh, thành, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa; trong đó, vận động người dân, trẻ nhỏ tham gia đầy đủ tiêm phòng vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc đảm bảo tỷ lệ ít nhất 96% ở quy mô xã, thị trấn. Đặc biệt, chú trọng nơi có mật độ tập trung dân cao và sự di chuyển, biến động dân cư lớn, các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tuyên truyền, giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi, xử lý, không để bùng phát, lây lan.
Sở Y tế khuyến cáo, bệnh sởi rất dễ lây. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi sởi. Khi tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Thường xuyên vệ sinh đồ dùng, nhà cửa thoáng đãng sạch sẽ, bảo đảm các biện pháp tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn điều trị kịp thời. Hạn chế đưa trẻ đến các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện...
|
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC tỉnh), khoảng nửa thập niên gần đây, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện trường hợp bệnh sởi. Tuy nhiên, từ dịp Tết Kỷ Hợi đến nay, toàn tỉnh có 5 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và phát hiện 2 trường hợp lớn tuổi ở TP. Huế và huyện Quảng Điền dương tính với sởi do mang mầm bệnh từ các tỉnh phía Nam về. Trường hợp này được gia đình đưa đến điều trị tại BV Trung ương Huế nay đã ổn định.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Diệu Thúy, Phó trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh, thời gian qua, công tác tiêm vắc xin phòng dịch sởi trong cộng đồng theo định kỳ. Năm 2018, Thừa Thiên Huế có hơn 19.380 trẻ được tiêm vắc xin sởi mũi 1 (từ 9 đến 12 tháng tuổi), đạt gần 99%; tỷ lệ trẻ tiêm sởi mũi 2 (từ 18-24 tháng) với 19.261 đạt 97,6%. Ngoài ra, trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubelle cho trẻ 1-5 tuổi trên địa bàn tỉnh đạt 96,42%.
"Từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn không xảy ra dịch sởi nhưng chúng ta không thể chủ quan vì hiện các tỉnh, thành bạn đang gia tăng thì sự xâm nhập sởi ngoại lai vào địa phương là không tránh khỏi. Hơn nữa, chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4-5 năm. Như vậy, nếu ngành y tế, cộng đồng người dân không thực hiện tốt công tác tiêm phòng, nguy cơ bùng phát bệnh sởi trên địa bàn năm 2019 rất cao". Bác sĩ Đặng Thị Diệu Thúy nhận định.
Để phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả, theo bác sĩ Diệu Thúy, yếu tố tiên quyết là trẻ em trong độ tuổi phải được tiêm vắc xin đầy đủ. Theo đó, các bà mẹ cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đặc biệt, dù đã được tiêm phòng nhưng phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi trong các chiến dịch tiêm bổ sung...
Bài, ảnh: Minh Văn