Theo số liệu sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các trường hợp mắc bệnh sởi trên toàn cầu đã tăng khoảng 50% lên hơn 229.000 người, đáng chú ý là tình hình dịch bệnh ở Israel, Hy Lạp, Madagascar, Ukraine và Venezuela, cùng nhiều nơi khác.
Tiêm phòng vaccine là phương thức duy nhất để phòng chống bệnh sởi. Ảnh: PA
Trong khi sự quay lại của dịch sởi được cho là do không tiêm phòng vaccine, thì nhiều phụ huynh vẫn lưỡng lự hoặc rất miễn cưỡng trong việc chủng ngừa cho con cái họ. Mặc dù đã có bằng chứng bác bỏ tuyên bố năm 1998 về việc vaccine sởi, quai bị và rubella có liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em, sự cảnh giác kéo dài về tác dụng phụ của một số mũi tiêm đang cản trở các nỗ lực nhằm ngăn chặn khoảng 1,5 triệu trẻ nhỏ tử vong mỗi năm vì các bệnh có thể phòng ngừa được.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Howard Howard Zucker - Ủy viên y tế của bang New York, Mỹ cho biết, phong trào chống vaccine đã tạo ra rất nhiều thông tin sai lệch, trong khi sự lớn mạnh của Internet ngày nay có thể bị lợi dụng để chia sẻ những nội dung này.
Theo một trong các kế hoạch hành động 10 năm của WHO, sởi và rubella được kỳ vọng sẽ có thể xoá sổ ở 5 khu vực vào năm 2020, nhưng tiến độ đã bị tụt lại. Các vụ dịch gần đây cho thấy sự nguy hiểm của dịch sởi ngay cả ở những quốc gia đang tiến gần đến việc loại bỏ. Số lượng người không được bảo vệ tại một số khu vực ở Mỹ hiện đủ cao để cho phép nhiều mối đe dọa truyền nhiễm lây lan nhanh chóng, các chuyên gia cảnh báo.
Cần đẩy mạnh tiêm chủng
Theo Bộ Y tế Philippines, vụ dịch sởi mới nhất tại đây đã làm 70 người thiệt mạng chỉ trong 6 tuần đầu năm 2019. Trong khi đó ở New York, hơn 200 ca mắc sởi đã được xác nhận kể từ tháng 10/2018, thúc đẩy nỗ lực vận động tiêm chủng, nhất là với phụ huynh, giáo viên và cộng đồng Do Thái chính thống, nơi bệnh sởi xuất hiện vào năm ngoái qua những du khách đến từ Israel.
Việc coi thường tiêm chủng đang gia tăng ở Mỹ, Úc và châu Âu, và trào lưu này cũng có sức hút ở một số nước thu nhập trung bình. Theo một nghiên cứu năm 2018 của WHO và UNICEF, các rủi ro về vaccine đang ngày càng được viện dẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng do dự tiêm phòng ở các nước thu nhập trung bình như Philippines và Brazil.
Ước tính 90% những người đến gần với người mắc sởi sẽ bị nhiễm bệnh, trừ khi họ được tiêm phòng hoặc có miễn dịch tự nhiên, CDC cho biết. Với tỷ lệ tiêm phòng toàn cầu đối với bệnh sởi bị đình trệ trong gần một thập kỷ qua ở mức 85% - thay vì mức gần 95% cần thiết để giữ cho bệnh không lây lan, thì nguy cơ lây nhiễm đang rất đang lo ngại.
"Thông điệp quan trọng nhất là phải đi tiêm chủng. Vaccines là phương thức duy nhất để phòng chống bệnh sởi" - ông Dragan Jankovic, chuyên gia của WHO khẳng định.
Tố Quyên
(Lược dịch từ The ASEAN Post & Bloomberg)