ClockChủ Nhật, 09/02/2020 09:34

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra: Vẫn trong tầm kiểm soát

TTH - Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra đang diễn biến nghiêm trọng ở Trung Quốc và có nguy cơ lan rộng ở Việt Nam.

Việt Nam chỉ còn 57 trường hợp nghi ngờ nhiễm coronaCác ca được tiếp nhận cách ly đều âm tính với virus coronaChủ động có giải pháp khôi phục du lịch sau dịch bệnh

Trả lời trên Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bác sĩ Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho rằng, người dân không nên quá lo lắng, bởi hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương.

Bác sĩ Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bác sĩ có thể nói rõ về triệu chứng của dịch viêm phổi cấp do virus Corona?

Đây là loại virus mới thuộc chủng Corona (ký hiệu 2019-nCoV hoặc nCoV), chưa từng được phát hiện trước đây. Nó được xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Trên báo chí quốc tế, người ta thường dùng chữ “coronavirus” như một danh từ chung để chỉ loại virus mới này.

Chủng Corona chính là chủng của các loại virus gây ra các bệnh đường hô hấp như dịch SARS (2002) hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012. Hiện nay chưa rõ virus Corona mới xuất hiện từ đâu, nhưng các loại coronavirus như vậy thường bắt nguồn từ động vật (vật chủ). Một số thông tin nói người nhiễm bệnh đầu tiên ở Vũ Hán là những người mua sắm tại các chợ tại địa phương này. Những trường hợp mắc bệnh do virus Corona gây ra có các biểu hiện như ho, sốt và khó thở...

Do đây là viêm phổi do virus, hiện chưa có thuốc kháng sinh để điều trị, mà cách tốt nhất là đến các cơ sở y tế để theo dõi. Đến nay, đa phần người mắc bệnh do virus Corona gây ra tử vong ở Trung Quốc đều cao tuổi và mang bệnh nên sức khỏe kém.

Những ngày qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương phải xem phòng ngừa, “chống dịch như chống giặc”. Bác sĩ cho biết, công tác phòng ngừa dịch bệnh này ở Thừa Thiên Huế như thế nào?

Ngay từ những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã triệu tập cuộc họp với các sở ngành, địa phương nhằm triển khai kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn dịch do virus Corona lây lan vào địa bàn. Đến thời điểm này, dù trên địa bàn chưa có trường hợp nào mắc bệnh, nhưng lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng không được chủ quan, chủ động các phương án phòng chống dịch.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 23 đội phản ứng nhanh, trong đó có 5 đội phản ứng nhanh cấp tỉnh, 18 đội phản ứng nhanh cấp huyện được tập huấn các phương án phòng ngừa một cách bài bản. Các cơ sở y tế, BV trên địa bàn đã xây dựng phương án tối ưu để phòng ngừa, nhất là BV Trung ương Huế đã tiến hành tập huấn, diễn tập cho đội ngũ cán bộ y tế, thiết lập hệ thống cách ly ở Trung tâm Nhi khoa (tầng 1) và ở Khoa Bệnh nhiệt đới, sẵn sàng thu dung, điều trị kịp thời nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ.

Ngoài ra, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn từ xa, ngành y tế đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa cảng... Giao nhiệm vụ cho CDC tỉnh ứng trực và đặt hai máy đo thân nhiệt ở Sân bay Quốc tế Phú Bài và cảng Chân Mây để theo dõi, đo nhiệt độ tất cả hành khách đến Huế nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, quản lý, theo dõi và điều trị kịp thời.

Diễn tập tiếp nhận bệnh nhân có nghi ngờ về virus Corona đưa vào khu vực cách ly điều trị tại BV Trung ương Huế

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, chỉ cần có dấu hiệu cảm sốt, người dân sẽ lo lắng. Vậy, theo bác sĩ trong trường hợp này người dân nên ứng xử thế nào?

Tôi nghĩ, người dân không nên hoang mang. Bởi, dịch bệnh do virus Corona ở nước ta ở mức kiểm soát được. Mỗi người dân khi có những biểu hiện như sốt, ho, khó thở cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị từ các y, bác sĩ.

Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm, đâu sẽ là những điểm, cơ sở điều trị đảm bảo dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh?

Tất cả các cơ sở y tế, BV trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, 100% cơ sở, BV trực thuộc Sở Y tế đã xây dựng tốt phương án phòng ngừa, cách ly và theo dõi, điều trị bệnh dịch do virus Corona gây ra. Một điều đáng mừng là ngành y tế Thừa Thiên Huế rất có kinh nghiệm trong chống dịch. Thời gian qua, chúng ta đã ứng phó, phòng ngừa rất tốt các dịch mới nổi như SARS, cúm gia cầm, cúm H1N1, MERS- CoV... và đều đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt, BV Trung ương Huế là tuyến cuối được Bộ Y tế giao nhiệm tiếp nhận tất cả các trường hợp mắc bệnh do virus Corona vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Việc vô tình tiếp xúc với những bệnh nhân đã dương tính với virus Corona sẽ khiến nhiều người có nguy cơ lây nhiễm. Giả thiết nếu xảy ra trường hợp này, người dân cần làm gì và ngành y tế có những giải pháp kiểm soát bệnh như thế nào, thưa ông?

Việc cần làm ngay sau khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Corona xâm nhập vào địa phương là khai thác, điều tra, tiến hành theo dõi xem họ đã tiếp xúc với những người nào trong suốt hành trình của mình từ chuyến bay, dịch vụ vận chuyển, người tiếp xúc... Những trường hợp này sẽ được cách ly, theo dõi tại các cơ sở y tế trong vòng 14 ngày tính từ khi có tiếp xúc lần cuối với các bệnh nhân trên để kiểm tra xem có bị bệnh hay không. Các đối tượng này có thể cần chủ động tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng. Sau 14 ngày, nếu không có bệnh, họ có thể yên tâm. Tuy nhiên, trong 14 ngày theo dõi này, kể cả đang khỏe mạnh, họ cũng nên hạn chế tiếp xúc với người khác...

Đã có facebooker tung tin sai sự thật việc xuất hiện người nhiễm virus Corona ở Thừa Thiên Huế và đã bị xử phạt. Theo bác sĩ, cần có giải pháp thế nào để tránh nhiễu thông tin, gây hoang mang cho người dân?

Đáng tiếc, vừa qua trên địa bàn đã xảy ra trường hợp trên. Như chúng tôi nói ở trên, tính đến thời điểm này trên địa bàn Thừa Thiên Huế chưa xuất hiện trường hợp nào có yếu tố nghi ngờ nhiễm virus Corona. Chúng tôi nghĩ, mọi người dân không nên tung tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội nhằm gây hoang mang lo lắng trong cộng đồng.

Người dân cần vào những trang web chính thống của các cơ quan Nhà nước để tìm kiếm những thông tin chính xác, cập nhật về tình hình dịch bệnh để tuyên truyền vận động người thân, cộng đồng chung quanh mình hợp tác với ban ngành, đơn vị chức năng để phòng ngừa, loại trừ dịch do virus Corona gây nên trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt là chia sẻ các phương pháp tự phòng bệnh, như khuyến cáo mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh nhà cửa bằng các chất tẩy rửa thông thường, hạn chế tụ tập đông người...

Xin cảm ơn bác sĩ!

MINH VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chung tay phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Trước nỗi lo số ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao trong những tháng gần đây trên địa bàn, tuổi trẻ trong ngành y tế đã ra quân tình nguyện, thực hiện chiến dịch chung tay phòng, chống sốt xuất huyết.

Chung tay phòng, chống dịch sốt xuất huyết

TIN MỚI

Return to top