ClockThứ Ba, 31/01/2017 08:57

Tết ở Bệnh viện tâm thần

TTH.VN - Họ đều là những bệnh nhân đang ở giữa lằn ranh của tỉnh và mê, của tĩnh và động, của thực tại và một cõi xa xôi nào đó…

Cắt tóc cho bệnh nhân ăn Tết

"Em thích về nhà"…

Vào BV Tâm thần Huế, tôi như lạc ở thế giới khác so với bên ngoài khi mọi người đang nhộn nhịp vui xuân đón Tết. Sau cái bắt tay thân mật “chúc mừng năm mới” với nhân viên bảo vệ, người tôi gặp đầu tiên là bệnh nhân Lê Thị N. tại khoa Tâm lý lâm sàng đang lơ mơ, nói cười ngay ngô như đứa trẻ. Chị N. là một trong 3 bệnh nhân của khoa phải ở lại BV dịp Tết để điều trị. Gặp tôi, chị cựa mình vào cửa sổ nhìn ra: “Em có bệnh gì đâu mà bác sĩ không cho về. Em thích về nhà để đưa mẹ đi chơi”. Theo điều dưỡng trực ở khoa tâm lý lâm sàng cho biết, chị N. ở phường An Cựu, nguyên là giáo viên dạy ngoại ngữ. Trước Tết, chị bị rối loạn tâm thần nặng được người thân đưa vào BV điều trị tích cực hơn một tháng. Bệnh đã thuyên giảm nhiều nhưng do sốc tâm lý, chị lại vào viện rồi rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Chị N. chẳng phá phách nhưng gặp người là nói luyên thuyên. Các y bác sĩ nơi đây ai cũng thương vì thấy hoàn cảnh chị N. rất đáng thương.

Giúp bệnh nhân sinh hoạt, vui chơi trong ngày Tết

Theo chân bác sĩ Lê Đình Hùng thăm khoa Nội trú II, nơi có nhiều bệnh nhân nặng lưu trú. Thấy khách, các bệnh nhân ở đây người thì giẫm chân vừa cười vừa nói, người thì lơ mơ chào hỏi với những từ ngữ không đầu không cuôi. Trong số này có bệnh nhân Nguyễn Duy L. (người Quảng Trị) hớn hở vì được bác sĩ dẫn ra hành lang đón người thân đến thăm. Họ gặp nhau nói cười rôm rả. Cha bệnh nhân L. chia sẻ: “L. bệnh gần 15 năm rồi. Tôi chạy chữa cho nó nhiều nơi nhưng không lành. Giờ đây vợ L. buồn bỏ đi. Tôi thì già cả, tật nguyền nên đành phải nhờ đến các cô chú ở BV Tâm thần Huế chăm nom. Được ngày nào tốt ngày đó nhưng cũng mừng vì L. đã vui khỏe, ổn định dần”. Trò chuyện với bệnh nhân L., tôi thấy được nét đáng yêu bởi cách nói chuyện rất “duyên”. Bệnh nhân L. nói: “ Mình ở đây lâu rồi, giờ muốn về nhà để cưới vợ cho con. Nhưng về nhà sợ đau đầu, sợ ngủ không được. Ở đây có bác sĩ chăm sóc, có bạn nên cũng đỡ buồn”...

Tết ấm

Qua vài giờ tiếp xúc, tôi cảm nhận rằng, chỉ có tình thương, sự bao dung, biết chia sẻ mới gắn bó lâu dài với công việc ở đây.

Phát thuốc điều trị, chăm sóc bệnh nhân

Đã gần 30 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, chị Tôn Nữ Hồng Yến, điều dưỡng Khoa Nội trú II, có khá nhiều kỷ niệm với bệnh nhân, nhất là vào dịp trực Tết. Chị Yến nói, hồi mới vào nghề, chị không nghĩ công tác tại bệnh viện tâm thần khó khăn đến như vậy. Ngoài việc thường xuyên chăm sóc điều trị cho những bệnh nhân không tự chủ trong sinh hoạt thì chuyện bị tát, giật tóc, cấu xé... của người bệnh quá khích không phải là hiếm. Tuy vậy, gắn bó lâu ngày, chị quen dần. Hơn nữa sự yêu nghề, biết cảm thông với những thân phận không may giúp chị vượt qua tất cả. “Đa số bệnh nhân tâm thần hiền lành, họ chỉ hung hãn mỗi lần lên cơn, nhưng nếu biết cách vỗ về thì họ dễ thương trở lại” , chị Yến nói.

Còn chị Diệu Tiên, điều dưỡng Khoa Nội trú I, ở Phú Thượng (Phú Vang) vào làm việc ở BV Tâm thần Huế 7 năm cũng nếm trải đủ đầy “hương vị” ở đây. Chị nói, nhiều lần đi khám, tiêm thuốc bị bệnh nhân "gây chuyện" hoảng lắm, nhưng cái nghề đi cùng cái nghiệp nên phải biết đồng hành, làm bạn với bệnh nhân. Khi hỏi vì sao không chọn nơi nào nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn, điều dưỡng Tiên thổ lộ: “Thực lòng mà nói chẳng ai yêu thích công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Nhưng ai cũng nghĩ thuận lợi về mình, thì việc gian khó để dành cho ai"…

Bác sĩ Bùi Minh Bảo, Giám đốc BV Tâm thần Huế cho biết, số lượng bệnh nhân ở lại ăn tết tại BV gần 50 người; trong đó, có gần 40 trường hợp thuộc diện bảo trợ của xã hội. Phần lớn trong số này mắc chứng rối loạn tâm thần nặng, người thân sợ quậy phá nên không dám đưa về nhà. Dù không thể bằng ở nhà nhưng những bệnh nhân ở đây vẫn được BV phân công cán bộ nhân viên trực, chăm sóc điều trị và lo Tết đầy đủ với thịt, bánh, hoa quả, nước ngọt; trừ bia rượu vì là những chất kích thích. Bình thường, mỗi bệnh nhân được hỗ trợ tiền ăn 35 nghìn đồng/ngày, thì dịp Tết tăng lên 75 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, trước và trong dịp Tết, BV còn phối hợp các tổ chức nhà hảo tâm thăm, tặng áo quần, cắt tóc, vệ sinh cho bệnh nhân để họ hưởng cái Tết trọn vẹn.

Bác sĩ Bùi Minh Bảo cho rằng, Tết đôi khi lại là khoảng thời gian vất vả nhất của cán bộ, y bác sĩ nhưng đó là điều thường tình và là trách nhiệm của những người bác sĩ tại BV Tâm thần Huế. “Điều ước của chúng tôi trong năm mới này là mong giới trẻ đừng nghĩ đến chuyện “ngáo đá” để  khổ bản thân, gia đình cũng như liên lụy đến cộng đồng xã hội” - bác sĩ Bảo nói khi chúng tôi chia tay.

Bài, ảnh: M. Văn; clip: M.Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới.

Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn
Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế

Là điểm nhấn ý nghĩa thu hút du khách và người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không gian trải nghiệm ẩm thực, thơ, áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 tại Công viên Thương Bạc diễn ra từ ngày 27/4- 1/5 đã mang đến một địa điểm vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực các vùng miền trong cả nước, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp cho kỳ nghỉ lễ dài.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế
Huế tạo bức tranh lớn về du lịch

Tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế cũng như sự ghi nhận của báo chí và những tổ chức du lịch uy tín hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội để Huế tạo được một bức tranh lớn về du lịch. Du lịch Huế 2024 và những năm tiếp theo sẽ là những gam màu sáng.

Huế tạo bức tranh lớn về du lịch
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Những ẩn hiện và thông điệp đời sống được đưa lên tranh

Sau thời gian trưng bày ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB Painting of the year 2023 đã được ban tổ chức đưa đến Huế để công chúng thưởng lãm. Ở đó những tác phẩm như đưa người xem lạc lối những khoảnh khắc dịu dàng đan xen giữa những rối ren, mệt mỏi của đời sống hiện đại.

Những ẩn hiện và thông điệp đời sống được đưa lên tranh
Return to top