Ê-kíp của Trung tâm ICU Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân
Trung tâm ICU Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập cuối tháng 7/2021 theo quyết định của Bộ Y tế. Cuối tháng 9/2021, trung tâm bắt đầu thu dung, điều trị người bệnh COVID-19. Đến nay, trung tâm đã điều trị khỏi cho hơn 400 bệnh nhân COVID-19; tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng trên tổng số bệnh nhân đang điều trị giảm mạnh và dự kiến đến tháng 11/2021 tiếp tục giảm chỉ còn dưới 25%.
Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, các chuyên gia, y, bác sĩ đang công tác tại đây đã triển khai phẫu thuật và thực hiện các thủ thuật thường quy, như: Phẫu thuật cắt bỏ tổ chức hoại tử bị loét ép, băng hút áp lực âm, khai khí quản, dẫn lưu màng phổi… cho những bệnh nhân COVID-19 nặng và kèm theo các bệnh nền khác phức tạp.
Riêng tuần đầu tháng 10/2021, ê-kíp các bác sĩ do BS CKII. Nguyễn Đức Hạnh (phẫu thuật viên chính), BS CKII. Nguyễn Văn Trí (gây mê chính), cùng các y, bác sĩ đã mổ thành công ca hoại tử vùng cùng cụt do loét ép cho nam bệnh nhân 60 tuổi, nhiễm COVID-19 nặng/tăng huyết áp/liệt 2 chi dưới do tai biến mạch máu cũ, giúp bệnh nhân ổn định thể trạng.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 thường bị tổn thương đa cơ quan, vì vậy cần được điều trị toàn diện. Ban giám đốc đã chỉ đạo phối hợp nhiều chuyên khoa từ hồi sức tích cực, hô hấp, tim mạch, nội tiết, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, dinh dưỡng cho đến ngoại khoa. Nhiều kỹ thuật được phối hợp thực hiện trên bệnh nhân như thở máy, lọc máu, ECMO… ở bệnh nhân nặng, nguy kịch; vận động trị liệu, tâm lý trị liệu, cắt lọc các vết loét do tì đè… để đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Đến nay, Trung tâm ICU Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 400 y bác sĩ. Nguồn nhân lực chủ yếu của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Quảng Bình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Đây là đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đơn vị đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức cấp cứu như: Thở máy, liệu pháp thay thế thận (CRRT), oxy hóa máu qua màng (ECMO)…
Trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, TP. Hồ Chí Minh có 10 trung tâm hồi sức cấp cứu; trong đó, 3 trung tâm hồi sức lớn thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức và Bệnh viện Trung ương Huế quản lý. Dự kiến, các trung tâm hồi sức này sau khi nhân sự rút quân vẫn được duy trì, theo hình thức sáp nhập vào các bệnh viện dã chiến số 16, 13 và 14. Cụ thể, Bệnh viện ĐH Y - Dược sẽ tiếp quản Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Việt Đức (dự kiến ngày 15/10); Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp quản Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai (dự kiến ngày 20/10) và Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp quản Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Trung ương Huế (dự kiến cuối năm 2021).
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN