Thế giới

ADB: Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tiếp tục phục hồi, Việt Nam là điểm sáng

ClockThứ Bảy, 09/04/2022 13:45
TTH - Theo báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022” vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 6/4, sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong năm ngoái, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, với mức tăng 5,2% trong năm nay và 5,3% vào năm 2023, nhờ sự phục hồi tích cực của nhu cầu trong nước và xuất khẩu không ngừng mở rộng. Tuy nhiên, các nước này cũng phải đối mặt với các rủi ro do những bất ổn bắt nguồn từ xung đột Ukraine, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt lãi suất.

Ngân hàng ADB dự đoán Đông Nam Á tăng trưởng 5,1% trong năm 2022

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Ảnh: nhandan.vn

Một số tiểu vùng, bao gồm Nam Á và Đông Á, dự kiến ​​sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trước đại dịch, báo cáo của ADB nêu rõ. Lạm phát trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được nhưng dự báo sẽ tăng lên 3,7% trong năm nay, trước khi giảm xuống 3,1% vào năm 2023.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đang bắt đầu tìm được chỗ đứng khi dần phục hồi sau làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về địa chính trị và các đợt bùng phát mới, cũng như sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm chệch hướng đà tăng trưởng. Các chính phủ trong khu vực sẽ cần phải cảnh giác và chuẩn bị thực hiện các bước để đối phó với những rủi ro này, trong đó có việc đảm bảo ngày càng nhiều người được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Đồng thời, các cơ quan quản lý tiền tệ cũng nên tiếp tục theo dõi tình hình lạm phát trong nước một cách chặt chẽ”.

Theo ADB, cùng với sự phục hồi của nhu cầu trong nước và nới lỏng các hạn chế di chuyển nhờ tiến độ tiêm chủng tích cực, xuất khẩu ngày càng tăng đã thúc đẩy sự phục hồi của các nước châu Á đang phát triển trong năm ngoái. Kiều hối trong khu vực cũng duy trì ở mức ổn định, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc nhận kiều hối như Bangladesh, Cộng hòa Kyrgyzstan, Pakistan và Tajikistan. Du lịch quốc tế cũng bắt đầu “cất cánh” đối với các nền kinh tế đã mở cửa trở lại, bao gồm Maldives, Sri Lanka và một số nền kinh tế ở Thái Bình Dương. Với những tín hiệu tích cực đó, ADB cho rằng hầu hết các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng ổn định trong năm nay và năm 2023.

Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Trong khi ADB giảm nhẹ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của khu vực ASEAN xuống còn 4,9% từ mức 5,1% trước đó, Việt Nam được xem như một điểm sáng khi nền kinh tế này dự kiến ​​sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm nay và tiếp tục mở rộng lên 6,7% vào năm 2023, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, tăng trưởng thương mại và các chính sách tài chính - tiền tệ tiếp tục được điều chỉnh.

“Các đợt bùng phát COVID-19 đã cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt thị trường lao động, làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng trong năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi chiến lược kịp thời trong việc đối phó với đại dịch đã giúp khôi phục hoạt động kinh tế và giảm bớt các nút thắt trong môi trường kinh doanh”, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết.

Sau khi tăng trưởng 2,6% trong năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi, cùng với các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế của Chính phủ, sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% trong năm 2022. Sản lượng nông nghiệp cũng dự báo ​​sẽ tăng 3,5% trong năm nay, do nhu cầu trong nước phục hồi và sự gia tăng giá cả hàng hóa trên toàn cầu.

Đồng thời, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng ​​sẽ thúc đẩy ngành dịch vụ, với dự báo lĩnh vực này sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Cũng theo ADB, việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Cùng với sự phục hồi kinh tế và biến động của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiến ​​sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2022 và 4,0% trong năm 2023.

Đáng chú ý, việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền Trung ương và địa phương, cùng với sự phục hồi trong dịch chuyển lao động sẽ tiếp tục thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. ADB cũng kỳ vọng việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi thương mại khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của ADB cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của Việt Nam. Tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức cao từ giữa tháng 3, nếu không giảm bớt, có thể cản trở quá trình trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Sự phục hồi toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng vọt sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động ngoại thương và lạm phát của Việt Nam. Ngoài ra, quá trình phục hồi cũng còn phụ thuộc vào việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ ADB)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top