ClockThứ Hai, 29/04/2013 13:21

Ai đã hộ tống Nguyễn Văn Thiệu ra đi ?

TTH - Ngày 9/3/1975, quân giải phóng đã tiến công Buôn Ma Thuột. Sau 32 giờ chiến đấu rất ác liệt, quân ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột. Nguyễn Văn Thiệu ngoan cố ra lệnh cho ngụy quân Sài Gòn: “Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bắt cứ giá nào? Nhưng trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, quân địch đã rút chạy khỏi Tây Nguyên về đồn trú ở các tỉnh ven biển miền Trung…

... Nhưng tàn quân ngụy làm sao cản được dòng thác “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” của quân và dân ta. Trong khi đó, đài BBC, đài VOA loan tin Mỹ đã cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa do Quốc hội Mỹ không chấp thuận kéo dài cuộc chiến tranh vô ích tại Việt Nam. Một đòn sấm sét lại giáng lên đầu vị Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.

Nguyễn Văn Thiệu vội vàng thay đổi nội các với mục đích để cho Mỹ thấy vậy sẽ có thể xem xét lại tình hình miền Nam Việt Nam và tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm được thay thế bằng một chính khách dân sự là dân biểu Nguyễn Bá Cẩn đang là Chủ tịch Quốc hội trung thành với Thiệu. Trong những ngày này, quân ta đã tiến tới Phan Rang, nơi nguyên quán của Thiệu. Ngày 21/4/1975, quân ngụy đã tháo chạy khỏi An Lộc. Và hai phần ba đất miền Nam đã lọt vào tay quân giải phóng. Sài Gòn thật sôi sục. Phong trào bài trừ tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh đứng lên tố cáo đích danh Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng và đòi Thiệu từ chức.

Trước tình hình đen tối nói trên, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhanh chóng mất sự ủng hộ của các nhà chính trị trung lập lẫn các nhà lãnh đạo quân sự và không được chủ Mỹ ô dù nữa.

Tối 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu mặc chiếc áo hở cổ, xuất hiện trên màn ảnh truyền hình, đứng trước Quốc hội, tuyên bố từ chức Tổng thống.

Bài diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu rõ dài, nội dung rời rạc, thiếu mạch lạc, nhiều lần điểm xuyết bằng những giọt nước mắt, nhiếc móc Hoa Kỳ là “chơi không đẹp, là vô nhân đạo, là vô trách nhiệm”. Nguyễn Văn Thiệu còn bảo: “Người Mỹ đã bắt chúng ta làm việc đội trời. Do đó, tôi nói với họ: Các ông đã bắt chúng tôi làm một việc mà các ông đã không làm nổi với nửa triệu binh hùng, tướng mạnh và chi phí cả 300 tỷ Mỹ kim...Nếu tôi không nói rằng, các ông đã bị cộng sản đánh bại ở Việt Nam thì tôi cũng xin thưa rằng, các ông cũng không thắng được họ. Nhưng các ông đã tìm được một lối tháo lui trong danh dự...

Sau khi giao chức Tổng thống cho Trần Văn Hương, Thiệu vẫn ở trong dinh Độc Lập. Ngay sau khi Trần Văn Hương nhận chức Tổng thống, Hương đã gọi điện thoại cho Đại sứ Mỹ Martin, yêu cầu Martin hãy thúc giục Thiệu ra ngoại quốc và dàn xếp giùm chuyến đi này. Và để hợp pháp hóa sự ra đi của Thiệu, Trần Văn Hương ký Nghị định cử Thiệu làm đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa đi Đài Bắc (Đài Loan) để phúng điếu Tổng thống Tưởng Giới Thạch vừa từ trần ngày 5/4/1975.

Việc ra đi của Thiệu do Thomas Polgar, CIA trưởng ở Sài Gòn, đứng ra sắp xếp dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Mỹ Martin. Thiệu còn đặt vấn đề với Thomas Polgar là muốn Trần Thiện Khiêm và vài người thân cận khác đi cùng.

Ngay trong đêm 25/4/1975, chiếc máy bay DC 6 dưới quyền sử dụng của đại sứ Hoa Kỳ từ Thái Lan bay đến Sài Gòn. Thomas Polgar và tướng Charles Timmes, liên lạc của CIA, đã gặp Thiệu và những người cùng đi tại nhà ông Trần Thiện Khiêm trong Bộ Tổng tham mưu. Thomas Polgar đã chọn ba xe mui kín màu đen (xe của đại sứ Martin, xe của đại diện Toàn quyền và xe của chính mình), tài xế đều của CIA.

Trong lúc Thiệu và những người cùng đi uống rượu tiễn biệt tại nhà Trần Thiên Khiêm, Thomas Polgar chuẩn bị giấy thông hành, bản kê khai hàng hóa... cho họ. Sau đó, họ cùng lên những chiếc xe mui đen kín. Thiệu ngồi giữa Thomas Polgar và Charles Timmes ở ghế sau trong xe, như vậy, lính gác cũng chỉ nhìn thấy mặt người Mỹ khi xe đi ngang qua.

Đoàn xe chạy vút về phía sân bay của hãng Air America... Đại sứ Martin đã đợi sẵn ở đó để tiễn Nguyễn Văn Thiệu lên máy bay. Thiệu trông đăm chiêu thiểu não, nhưng cố giữ phong độ của mình và cảm ơn Đại sứ Martin về sự sắp xếp chu đáo cho chuyến ra đi này.

Đại sứ Martin xúc động nói: “Thưa Tổng thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc ngài may mắn”.

Nguyễn Văn Thiệu sang Đài Loan ở với người anh là Nguyễn Văn Kiểu ít lâu rồi sang Anh quốc sống với vợ con. Ở Anh được mấy năm, Thiệu sang Mỹ ở bang Virginia. Trong thời gian lưu vong tại Mỹ, Thiệu im hơi lặng tiếng, không dám ra đường, sợ người Việt di tản gặp sẽ chửi rủa vì ông ta nuốt lời thề và hứa xạo với nhân dân miền Nam Việt Nam khi đọc diễn văn từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Nguyễn Xuyến
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top