ClockThứ Hai, 21/05/2018 11:45

An toàn thủy cầm dịp Tết Đoan Ngọ

TTH - An toàn cho đàn thủy cầm phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ dịp Tết Đoan Ngọ đang được ngành thú y và các địa phương tích cực triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin.

An toàn thủy cầm cho Tết Đoan ngọAn toàn thủy cầm cho dịp Tết Đoan Ngọ

Gia trại vịt nuôi ven sông đảm bảo an toàn

Chưa xảy ra dịch bệnh

Chị Trần Thị Trang ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) nuôi 1.000 con vịt trên vùng đầm phá để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Đoan Ngọ. Sau hơn 3 tháng nuôi, đến nay đàn vịt đều đạt trọng lượng bình quân từ 1-1,5kg/con. Chưa đầy một tháng nữa, tất cả số vịt đều có thể xuất bán.

“Từ khi mua giống vịt con về nuôi đến nay hầu như chưa có dấu hiệu về dịch bệnh. Một số chết rải rác do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải bị dịch. Vịt xảy ra dịch thường trong giai đoạn đầu, từ khi thả nuôi đến tháng thứ hai. Sau 3-4 tháng vịt đã “trưởng thành”, đề kháng tốt nên khó bị dịch…", chị Trang tự tin.

Theo chị Trang, trước khi mua giống về thả nuôi, phải mua sắm lưới bao quanh vùng nuôi, tiêu độc khử trùng, xử lý vệ sinh môi trường. Giống mua về đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có đầy đủ các thủ tục kiểm dịch của cơ quan thú y. Quá trình nuôi, chị Trang mua vắc xin tiêm đầy đủ và tổ chức tiêu độc khử trùng theo định kỳ được cán bộ thú y địa phương đánh giá cao trong những lần về kiểm tra.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, ông Đoàn Trọng Thành cho rằng, nếu không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn thủy cầm, người thiệt hại đầu tiên chính là các hộ nuôi, sau đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này chính là “áp lực” đối với người dân, buộc phải tuân thủ các điều kiện kỹ thuật, quy định của ngành thú y về việc chăn nuôi an toàn. Trên địa bàn Quảng Thành có hàng trăm hộ nuôi thủy cầm quy mô nhỏ lẻ, gia trại từ vài trăm con đến vài ngàn con đều đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đánh giá, từ 5 năm trở lại đây, người dân tuân thủ khá tốt các quy định chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Một số bệnh thông thường vẫn còn tồn tại, chưa xử lý triệt để, song các loại bệnh dịch cúm gia cầm nguy hiểm cơ bản được khống chế. Điều này cho thấy ngoài năng lực, trách nhiệm của ngành thú y được phát huy còn kể đến ý thức cao của người dân trong việc chăn nuôi an toàn.

Không chủ quan

Ngay từ đầu năm, các hộ dân ở vùng sông nước, đầm phá bắt đầu mua vịt giống thả nuôi để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Đoan Ngọ. Cùng thời điểm, các lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở phân công phụ trách địa bàn theo dõi, nắm bắt tình hình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn.

Ông Trần Quốc Sửu thông tin, qua kiểm tra, theo dõi hầu hết tại các địa phương đều đảm bảo an toàn, không có dấu hiệu dịch bệnh. Một số bệnh thông thường như dịch tả xảy ra trên một số đàn, tỷ lệ thấp và được người dân xử lý kịp thời, không để xảy ra chết trên diện rộng. Điều lo ngại đối với ngành thú y và các địa phương là các loại dịch cúm gia cầm nguy hiểm nhưng đã cơ bản khống chế, không còn tái phát như nhiều năm trước.

Ngành thú y và các địa phương không chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là thời điểm nắng nóng, diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu (Phú Vang) Nguyễn Văn Trai cho biết: “Hàng tuần chính quyền địa phương đều cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng vùng nuôi theo định kỳ và tiêm vắc xin bổ sung cho đàn vịt. Qua kiểm tra đàn vịt nuôi trên địa bàn hiện nay vẫn đảm bảo an toàn, chỉ hai tuần nữa có thể xuất bán”.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh khẳng định, đến thời điểm này đàn thủy cầm trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu dịch bệnh. Vụ đông xuân, ngành thú y đã tiêm 2,1 triệu liều vắc xin cho khoảng 2 triệu con gia cầm, riêng thủy cầm phục vụ Tết Đoan Ngọ khoảng 500-600 ngàn con. Tại các trang trại, gia trại đều có cán bộ thú y thường xuyên túc trực, theo dõi để hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu dịch bệnh.

Tại các chốt kiểm dịch đều có 2-3 cán bộ thú y, phối hợp với lực lượng chức năng túc trực, tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn các phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Các phương tiện vận chuyển gia cầm, thủy cầm đi qua chốt, hoặc vào địa bàn tỉnh tiêu thụ đều được kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, tiêu độc khử trùng…

Ông Nguyễn Văn Hưng cảnh báo, mặc dù đảm bảo an toàn nhưng cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng không nên chủ quan, phải hết sức đề cao cảnh giác dịch bệnh. Đối với người chăn nuôi tuyệt đối tuân thủ nghiêm các quy định chăn nuôi an toàn nhằm tránh thiệt hại, khai báo kịp thời với cơ quan chức năng khi thủy cầm có dấu hiệu bất thường. Người dân cần thông tin ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện thủy cầm bị dịch, chết để có hướng xử lý kịp thời, an toàn cho người chăn nuôi và tiêu dùng.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Return to top