ClockThứ Ba, 17/05/2016 14:22
KỶ NIỆM 75 NĂM THÀNH LẬP MẶT TRẬN VIỆT MINH (19/5/1941 - 19/5/2016)

“Ánh sáng mới” từ Pắc Bó

TTH - Mặt trận Việt Minh ra đời như một luồng “ánh sáng mới” trong giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo, ghi dấu thắng lợi của tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh. Thành công của Mặt trận Việt Minh cũng để lại nhiều bài học trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hôm nay.

Đội cứu quốc quân tập luyện tại hang Lùng Đán, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Internet 

Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Việt Minh. Trong tình thế mới của cuộc chiến tranh thế giới đang lan rộng, “vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”, phải đặt lên trên hết, trước hết là nhiệm vụ đánh đổ đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc. Lúc này “Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”1. Nêu rõ “mục đích của Việt Nam độc lập đồng minh muốn đem lại cho đồng bào được tự do và hạnh phúc, muốn giải phóng cho các từng lớp dân tộc bị áp bức trên dải đất Đông Dương này”2, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Việt Minh “Chủ trương liên hiệp hết thảy các từng lớp Nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”3. 

Mặt trận Việt Minh ra đời là sự kế tục của các tổ chức mặt trận đã được Đảng tổ chức trước đó: Hội Phản đế đồng minh (11/1930), Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (7/1936); Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938), Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939). Mặt trận Việt Minh ra đời là kết quả của quá trình điều chỉnh chiến lược cách mạng Việt Nam - đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, coi quyền lợi của mọi bộ phận là một phần và phải phục tùng quyền lợi dân tộc, mở rộng tối đa khối đại đoàn kết để tăng thêm lực lượng cho cách mạng. Mặt trận Việt Minh là sự hiện thực hoá chiến lược đoàn kết dân tộc, tập hợp đoàn kết quần chúng trong một tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất để đấu tranh giành độc lập dân tộc thắng lợi. Những chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội được thể hiện trong Chương trình của Việt Minh phù hợp với nguyện vọng, mong ước của nhiều thành phần xã hội nên đã thu hút, tập hợp được đông đảo nhân dân lao động và các tầng lớp xã hội khác dưới ngọn cờ Việt Minh. Các tầng lớp quần chúng đông đảo được tổ chức trong những Hội cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hoá cứu quốc... đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển rộng rãi. Sự phát triển của các tổ chức cứu quốc lan rộng trên khắp các địa bàn nông thôn, thành thị, miền núi, từ Bắc vào Nam đã làm thành một phong trào Việt Minh sôi nổi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, phát triển khởi nghĩa từng phần ở các địa phương. Tại Việt Bắc, trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa đã xuất hiện những xã, châu hoàn toàn do Việt Minh nắm chính quyền, bước đầu thử nghiệm mô hình chính quyền Nhân dân, xây dựng cuộc sống mới. Đánh giá về những điều này, viên sĩ quan tình báo Mỹ A. Patti - người phụ trách SI (tình báo) của Tổ đặc trách Đông Dương và sau này là chỉ huy của OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược, tiền thân của CIA ngày nay) tại Đông Dương - trong tháng 5/1945, đã trình lên người chỉ huy OSS ở Côn Minh một bản báo cáo về những thành tích của Việt Minh “đã đặt sáu tỉnh ở phía bắc Bắc kỳ dưới sự quản lý quân sự và hành chính, đã thành lập giải phóng quân cùng các đơn vị du kích và tự vệ”4. Ông A. Patti còn nhấn mạnh: “đây (Việt Minh) là thành phần quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất từ Nhân dân Việt Nam”. Cần nói thêm rằng, A. Patti viết điều này khi đã biết rõ về khuynh hướng chính trị của Việt Minh: “họ theo chủ nghĩa Mác” nhưng “mối quan tâm trực tiếp của họ là đánh đuổi Nhật”5.

Cũng do sự phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã duy trì được các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa cách mạng, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng. Thông qua Mặt trận Việt Minh, với những Hội cứu quốc đông đảo và rộng khắp, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những phong trào cách mạng. Đây là yếu tố quan trọng nhất để Đảng có thể lãnh đạo thành công một cuộc Tổng khởi nghĩa do toàn thể Nhân dân đồng lòng đứng lên tự giải phóng mình, giành lại độc lập cho dân tộc. Đây là cuộc nổi dậy đồng loạt của các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn tới thành thị, trên khắp ba miền của đất nước - là minh chứng mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất và đầy thuyết phục về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được tập hợp, rèn luyện và phát huy đúng thời cơ lịch sử.

Vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh còn tiếp tục được phát huy hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong năm đầu tiên của nền cộng hoà, trong sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc gian khổ và vinh quang những năm sau đó. Trong suốt một thập kỷ, mọi thắng lợi của dân tộc, Nhân dân Việt Nam đều gắn với hai chữ Việt Minh. “Hai chữ Việt Minh trong một thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước. Hai chữ Việt Minh còn mãi trong lịch sử chói lọi nét vàng”6.

TS. Ngô Vương Anh


1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000) - Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 7, tr. 112

2. Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 149

3. Văn kiện Đảng toàn tập - Sđd, tập 7, tr. 152

4. Dixee R. Bartholomew-Feis (2007): OSS và Hồ Chí Minh Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến đấu chống phát xit Nhật (Lương Lê Giang dịch), Nxb Thế giới, Công ty văn hóa & truyền thông Võ Thị, Hà Nội, tr. 293

5. W.Duiker (2000): Ho Chi Minh - a life, Hyperion, New York, Bản dịch của Phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao.

6. Hoàng Quốc Việt (1975) - Đầu nguồn, Tập hồi ký, Nxb Văn hoá, Hà Nội, tr. 17

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top