ClockChủ Nhật, 25/03/2018 10:07

“Ảo”, nhưng cần được “trả giá thật”

TTH - Ở đây xin được phép không bàn những lợi ích to lớn, thiết thực từ mạng xã hội. Chỉ xin nêu lên vài suy nghĩ của cá nhân khi phải mục kích quá nhiều những chuyện trái tai gai mắt do những người tham gia mạng ảo nhưng lại để hậu quả thật...

Vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, khó phát hiệnNhiều cạm bẫy trên mạng xã hộiMạng xã hội có phải là đối thủ của báo chí?Tìm hướng đi cho báo chí trong thời bùng nổ mạng xã hộiBăn khoăn việc đăng ảnh con lên mạng xã hội sẽ bị phạt

Mở tivi, chương trình thời sự đang phát tin nhiều phụ huynh ngại cho con đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Nguyên nhân không phải xuất phát từ những sự cố biến chứng như trước, mà từ đồn thổi trên mạng xã hội (MXH). Và hậu quả là có không ít trẻ mắc bệnh mà lẽ ra các cháu đã không mắc nếu được tiêm phòng. Tôi nghĩ mãi mà không thể hiểu ra, những kẻ "rỗi hơi múa phím" căn cứ vào đâu và được gì khi tung/share những loại tin như vậy. Họ có lương tâm không khi không nghĩ đến hậu quả mà hành vi của họ gây ra?

Việc phát hiện ra vắc xin là một trong những tiến bộ vượt bậc của y học, bằng việc tiêm phòng, nó đã cứu sống rất nhiều sinh mạng và giúp nhân loại tiết kiệm đáng kể tài lực nếu phải chi cho việc chiến đấu với tật bệnh. Nhờ có vắc xin mà nhiều loại bệnh vốn là nỗi ám ảnh như đậu mùa, uốn ván, tả,... đã được loại khỏi đời sống xã hội. Ngày nay, y học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển thêm nhiều loại vắc xin khác, không chỉ để giúp phòng ngừa mà còn cả trong điều trị. Lợi ích của vắc xin là vô cùng to lớn, báo chí và cả hệ thống truyền thông cũng đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng, chung tay với y học để đưa vắc xin đến với đời sống. Trên thực tế, ý thức của cộng đồng đã chuyển biến một cách tích cực trong việc tiếp nhận, hưởng ứng phong trào tiêm chủng, xem đó như là quyền lợi thiết thân của mình. Đáng tiếc là chỉ vì một vài bất cẩn, một số biến  chứng ngoài mong muốn xảy ra gần đây tạo cơ hội cho một số người nhảy vào MXH múa men, đả "phá", "bài trừ" vắc xin, tạo nên một cơn chấn động không nhỏ về tâm lý khiến không ít người tỏ ra nghi ngại, thậm chí quay lưng với thành tựu ý nghĩa này của y học. Sẽ như thế nào nếu bóng ma của dịch tả, của dịch hạch, của đậu mùa... quay lại nhỉ? Đến lúc đó, những kẻ tung tin, share tin, "còm" tin để câu like, để chứng tỏ "sự thông thái" có đủ "dũng khí" đứng ra gánh trách nhiệm (dù rằng chắc chắn họ sẽ không thể nào gánh nổi)? Hay là sẽ lặn mất tăm, để rồi lại tạo một cái nick khác để "tái xuất... giang hồ ảo" (?!!).

Đó là nói chuyện vắc xin, chứ hiện nay trên mạng, còn vô số những chuyện trêu ngươi như vậy nữa. Chỉ cần một đoạn clip vu vơ đưa lên, chưa rõ đầu cua tai nheo, bản chất vụ việc thế nào đã lập tức có nhiều người nhảy vào "phang, chém" đầy cảm tính, đầy suy diễn. Cũng vì "phang, chém" vô tội vạ như vậy nên có nhiều khi sản phẩm của một làng quê, một doanh nghiệp rơi vào ế ẩm, không ai tiêu thụ. Cũng chỉ cần một clip đưa lên, hay một câu chuyện vu vơ xảy ra tận đẩu tận đâu, tận đời nảo đời nào nay được "đào xới" lên, lập tức cũng không hiếm kẻ tỏ ra "thông tuệ", "đau đời" nhảy vô bình, rồi thóa mạ, rồi quy trách nhiệm cho chế độ, cho chính quyền, cho quan chức này quan chức nọ.... Họ ra vẻ chỉ có họ mới là người hiểu chuyện, biết cách xử lý vấn đề, ý kiến của họ mới là chân lý, còn lại đều là...vứt (!). Chưa kể chuyện lưu truyền những "bài thuốc" chưa được thẩm định, kiểm chứng; chuyện xâm hại đời tư; chuyện "võ mồm" trên mạng, chửi bới nhau bất chấp ngôn từ, sĩ diện... Tình trạng trên khiến nhiều người gia nhập thế giới ảo một chút cho khỏi lạc hậu thấy khiếp, vội đóng tài khoản "cáo lão hồi hưu" thiếu đường... mất dép.

Việc Bộ Thông tin Truyền thông trực tiếp làm việc với các nhà mạng trong thời gian qua đề nghị hợp tác để gỡ bỏ những thông tin phản cảm, độc hại đã phần nào hạn chế vấn nạn "nhiểu loạn" trên thế giới ảo; việc các cơ quan chức năng yêu cầu cán bộ, công chức khi tham gia MXH phải chuẩn mực, có trách nhiệm cũng góp phần cải thiện tình hình đáng kể. Tuy nhiên, số lượng thành viên tham gia MXH là vô cùng lớn và không ngừng tăng trưởng từng ngày, cho nên, việc nhà mạng quản lý cho hết là điều không dễ, việc đòi hỏi mọi thành viên tham gia MXH tự giác có trách nhiệm cũng là điều không thực tế nếu không có những biện pháp chế tài đủ mạnh đi kèm. Phải rà soát để cần thiết thì có sự điều chỉnh luật pháp một cách chặt chẽ, sát tình hình thực tiễn; các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải nhập cuộc tích cực và quyết liệt hơn để tất cả những hành vi vi phạm trên thế giới ảo đều phải được xử lý và "trả giá thật" cho hành vi của mình, tùy theo mức độ, có thể "trả" bằng xin lỗi, bồi thường danh dự, bồi thường thiệt hại kinh tế theo quy định của pháp luật dân sự, hoặc cả bằng pháp luật hình sự nếu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự. Điều rất nên nữa là các đối tượng vi phạm trên thế giới ảo bị xử lý cần phải được nêu danh trên hệ thống thông tin đại chúng để cộng đồng ai cũng được tường tỏ tuổi tên, sắc diện của họ. Phải cương quyết như thế, nghiêm khắc như thế thì trật tự trên thế giới ảo mới được vãn hồi, những thiệt hại cho xã hội do những kẻ "rỗi hơi múa phím" gây ra mới hy vọng được hạn chế đáng kể.

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức

Đọc sách là một hành vi văn hóa của loài người đã mấy nghìn năm nay. Một trong những tiêu chí đã xác định một nền văn minh là phải có chữ viết và chữ viết tồn tại, phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc và rộng hơn nữa là nhân loại không nằm ngoài sách.

Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Return to top