ClockThứ Hai, 04/02/2013 13:46

Bác Vọng và dấu xưa oai hùng

TTH - Mỗi lần ra Quảng Điền, qua cầu Tứ Phú mới xây, rồi dọc theo con đường làng ven dòng Bồ Giang để tìm về làng Bác Vọng, tôi lại vọng nhớ đến 2 con người họ Đặng: Đặng Dung và Đặng Hữu Phổ. Sống cách nhau dễ chừng nửa thiên niên kỷ, cuộc đời cũng thật ngắn ngủi, nhưng cái chết của họ đã đi vào sử sách như biểu tượng anh hùng của dân tộc Việt. Họ đã vì nước mà đền nợ máu, mà hiến dâng tuổi thanh xuân.

Sử cũ chép lại, cha con Đặng Tất và Đặng Dung, những tên tuổi lẫy lừng trong cuộc chiến kháng Minh thời Hậu Trần quê tận Hà Tĩnh. Thế nhưng, như có thoáng nghi ngờ lại ghi chú thêm rằng, tổ tiên của các ông đã di cư vào Hóa Châu, không rõ thời điểm nào. Để rồi sau đó, gần đây các sử gia đã có chứng cứ để khẳng định làng Bác Vọng bên sông Bồ này là quê hương của họ. Trong nhiều tài liệu lịch sử, Đặng Tất được xem là “người bản thổ” của Hóa Châu - Bác Vọng, nghĩa là ở địa phương nhiều đời. Đặng Tất đã được nhà Hồ cử làm tri huyện Hóa Châu xưa. Khi giặc Minh xâm lược Đại Việt, lập chính quyền đô hộ (1407), Trương Phụ vẫn cho ông làm đại tri châu như cũ. Vậy nhưng, con người nồng nàn yêu nước này đã không cam chịu. Hay tin Trần Ngỗi, có dòng dõi tôn thất nhà Trần phất cờ khởi nghĩa, cha con Đặng Tất - Đặng Dung đã giết hết bọn quan lại Minh ở Hóa Châu, rồi kéo quân ra Nghệ An tìm theo, được phong quốc công và gả công chúa cho. Cuộc đời chiến binh của cha họ Đặng vẻ vang nhưng đáng buồn thay, cũng đầy bi kịch. Đặng Tất chết bởi chủ tướng là Trần Ngỗi sợ mất quyền bính và nghe lời gièm pha của kẻ xấu. Còn Đặng Dung ra đi khi cuộc khởi nghĩa của vua tôi Hậu Trần lâm vào lối cụt và để lại cho muôn đời sau bài thơ “Thuật hoài” nổi tiếng với những vần thơ như xé lòng “Thù nước chưa xong đầu đã bạc/ mài gươm mấy độ bóng trăng cao”. Tôi nghĩ, trong hành trang vào đời của biết bao thế hệ người Việt đã mang theo và canh cánh trong lòng câu thơ xưa của Đặng Dung, như một một lẽ sống, niềm khát khao và hy vọng cống hiến.

 
 Miếu Bà Tơ

Lịch sử như một sự lặp lại khi chừng 500 năm sau đó với sự xuất hiện của một cặp cha con họ Đặng khác là Đặng Huy Cát và Đặng Hữu Phổ. Lần này bối cảnh lịch sử đổi thay với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng cũng lại gắn liền với tên làng Bác Vọng. Tháng 7 năm 1885, kinh đô Huế thất thủ. Chính Đặng Huy Cát và Đặng Hữu Phổ là những người đầu tiên trong cả nước hưởng ứng chiếu Cần Vương do vua Hàm Nghi phát động. Cuộc khởi binh không thành, kéo theo cái chết bất tử của Đặng Hữu Phổ. Chuyện kể rằng, sau khi lãnh án tử hình, thực dân Pháp và Nam triều đã áp giải về quê và tổ chức đem xử bắn ông một địa điểm gần bến đò Quai Vạc bên sông Bồ, thuộc làng Bác Vọng. Tương truyền, lúc thụ hình, Đặng Hữu Phổ vẫn trong tư thế đĩnh đạc, hiên ngang khiến cho đao phủ thủ run tay và phải chém đến ba lần thì đầu mới lìa khỏi cổ. Còn nữa, cảm phục khi nhìn thấy cái chết bi tráng của chủ tướng, hai người lính theo hầu cũng đã hộc máu chết theo. Đọc lại bài thơ “Lâm hình thời tác” của Đặng Hữu Phổ để lại trước lúc đem thân đền nợ nước, thấy phảng phất tâm sự và khí phách của Đặng Dung trong “Thuật hoài” năm xưa. Ngày Đặng Hữu Phổ ra pháp trường là 29/8/1885. Quê của cha con Đặng Hữu Phổ nằm bên kia con sông Bồ, đó là làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà. Đặng Huy Cát đã nhập tịch làng Bác Vọng sau khi lấy công chúa Tĩnh Hòa, trở thành Phò mã đô úy. Lần đầu tiên đến thăm miếu thờ Đặng Hữu Phổ, còn gọi là “Thị độc miếu” (miếu của quan Thị độc học sĩ Hàm lâm viện), nằm cách không xa bến đò Quai Vạc và khu lăng mộ của mẹ con ông ở xứ Cồn Căng, cách đó không xa, trong một buổi chiều đông tầm tã mưa rơi, tôi đã bật khóc, chợt như hiện về trong tôi dáng hình kẻ anh hùng lỡ vận và câu thơ ngày nào ông viết “Chính khí nay về cùng đất nước/ Hồn thiêng theo mãi với vua, cha”.

 
Có thể trong cách phân định xưa, khi người Việt mới tiến vào, cả vùng đất Quảng Điền còn bạt ngàn sông nước và địa danh Bác Vọng bao gồm cả một không gian rộng lớn hơn nhiều. Thế nhưng, như có một linh cảm kỳ lạ, tôi vẫn nghĩ đến cậu bé Đặng Dung xưa đã được sinh ra ở một ngõ xóm nào trong cái không gian nhỏ nhắn và bí ẩn của ngôi làng Bác Vọng nay còn đang nghèo xác xơ nằm nơi hạ nguồn sông Bồ, để rồi được tận hưởng cái lộc đất, lộc trời của vùng đất thiêng. Cũng như Đặng Hữu Phổ sau này, như duyên trời sắp đặt đã chọn Bác Vọng làm nơi đưa cái chết của mình thành bất tử. “Địa linh nhân kiệt”, vùng đất có chiều dài không quá vài cây số này mà tôi đã bao lần dạo bước và ngẫm ngợi như ken dầy bao dấu tích và chứng nhân lịch sử, là hội tụ của hồn thiêng sông nước.
 
Trong buổi sáng mùa đông nhạt nắng và se lạnh, tôi đã đặt bước đến chùa Bác Vọng, còn có tên gọi là Thiện Khánh. Đã đến thăm rất nhiều ngôi chùa trên đất Cố đô nhưng bước vào ngôi chùa cổ này, tôi đã có một cảm giác lạ. Như có một sự đồn tụ nơi đây linh khí của vùng đất thiêng Bác Vọng. Chưa rõ năm tháng xây dựng nhưng chùa Thiện Khánh hàng trăm năm tuổi được biết đã gắn liền với một con người là chúa Nguyễn Phúc Chu và khả năng được xây dựng bởi ông chúa sùng đạo này. Chùa Thiện Khánh hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, kiến trúc, quy cách thờ tự và cả những hiện vật được phát hiện và bảo tồn như bia đá và chuông cổ. Điều đặc biệt khiến không ít người ngạc nhiên khi biết địa điểm tọa lạc của ngôi chùa cũng chính không gian của phủ Bác Vọng xưa. Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ đã tìm thấy dấu tích về Phủ Chúa tức “thượng phủ” nằm ngay ở phía sau chùa Thiện Khánh, còn với những khoảng cách không gian không xa là các địa danh gắn liền với một phủ chúa, như Ao phủ, Cồn kho, Mô súng, Tàu tượng… qua thời gian và những biến động đã bị vùi lấp sâu dưới lòng đất, chỉ còn lại những dấu vết vỡ vụn của những đồ gốm sứ hay những ký ức mờ nhạt và đứt đoạn về ngày xưa rực rỡ. Nó như một giấc mơ thoảng qua. Dẫu sao thì 30 năm Chúa Nguyễn Phúc Chu dựng phủ ở Bác Vọng cũng là quãng thời gian yên bình nhất trong cuộc chiến kéo dài cả trăm năm khi Trịnh - Nguyễn phân tranh. Đó cũng là điều kiện để vị chúa có tầm nhìn xa trông rộng này mở mang bờ cõi, có thêm cho đất nước nhiều tên đất, tên làng, kéo dài từ Bình Thuận đến Sài Gòn.
 
Và tôi đã nghĩ, như một sự vĩnh hằng, khi chỉ mãi còn lại nơi đây tiếng chuông chùa Thiện Khánh hằng trăm năm nay vẫn đều đặn sớm hôm nguyện cầu cho sự bình an của con dân và làng quê Bác Vọng, một vùng đất với dấu xưa oai hùng, quê hương của những bậc dũng tướng như Đặng Dung hay Đặng Hữu Phổ, vùng đất thiêng với huyền thoại Bà Tơ và là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi với phủ chúa Nguyễn Phúc Chu. Làng quê hiền hòa bên sông Bồ có tên Bác Vọng này do thế lạ lùng đến bất ngờ. Nó xứng đáng là một vùng đất huyền thoại, níu kéo bao bước chân ai. 
Đ. Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top