ClockThứ Bảy, 07/11/2015 16:26

Bài học sáng tạo tập hợp lực lượng cách mạng

TTH - Việc chuẩn bị lực lượng đầy đủ cho thời điểm quyết định của Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại những kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam.

Hồng quân tiến chiếm Cung điện Mùa Đông năm 1917. Ảnh: Internet

Để có được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Mười 1917, những người Bôn-sê-vích Nga đã có một quá trình lâu dài chuẩn bị lực lượng về mọi mặt tổ chức, chính trị, quân sự, tư tưởng. Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, những người Bônsevic đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là phải lôi cuốn đông đảo Nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.

Lực lượng Cận vệ đỏ ra đời là một sáng tạo của V.I. Lê-nin, phát triển và hiện thực hóa những lý luận về chính quyền và giành chính quyền của giai cấp vô sản. Những đội Cận vệ đỏ đã được thành lập tại các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga. Các chiến sĩ Cận vệ đỏ luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh ở Thủ đô Petrograt (nay là Saint Peterburg) và các địa phương. Những hoạt động của họ gây được tiếng vang lớn. Khi tình thế cách mạng càng ngày càng nóng bỏng, các đội Cận vệ đỏ là lực lượng quân sự nòng cốt, đồng thời là lực lượng chính trị xung kích quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Công tác tuyên truyền của cách mạng cũng được đặc biệt coi trọng. Cho đến trước ngày khởi nghĩa, những người Bôn-sê-vích đã có tới 53 tờ báo, trong đó tờ Con đường công nhân là cơ quan của Trung ương Đảng Bôn-sê-vích có số phát hành tới gần 200.000 bản mỗi ngày. Những người Bôn-sê-vích đã tập hợp, tổ chức được một lực lượng cách mạng đông đảo và có chất lượng vượt trội so với kẻ thù. Đây là nhân tố chủ quan quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. 

Cuộc khởỉ nghĩa ở Petrograt đã nổ ra trong thời điểm những người cách mạng không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù. Nhưng đó là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong tình thế đã chín muồi, hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa non và thắng lợi nhờ may rủi.

Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, những người làm cách mạng ở Việt Nam đã vận dụng sáng tạo trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là kết quả của đường lối đúng đắn kiên trì xây dựng lực lượng cách mạng, là kết quả sự kết hợp sức mạnh của lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng.

Thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xây dựng được một khối lực lượng quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những cuộc đấu tranh cách mạng. Các tầng lớp quần chúng đông đảo được tổ chức trong những Hội cứu quốc: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hoá cứu quốc... đã làm cho Việt Minh ngày càng phát triển rộng rãi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cũng do sự phát triển rộng khắp của Việt Minh, Đảng đã có điều kiện để duy trì các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa cách mạng, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng. Tại nhiều tỉnh ở Việt Bắc, trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa đã xuất hiện những xã hoàn toàn, châu hoàn toàn. Tại những nơi đó, Việt Minh nắm chính quyền, bước đầu thử nghiệm mô hình chính quyền Nhân dân, xây dựng cuộc sống mới.

Từ đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam cũng mang về những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam. Người đã tìm cách đặt mối liên hệ với lực lượng đồng minh để cuộc đấu tranh giành độc lập của Nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại, tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này. Các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, về phương tiện thông tin liên lạc và sự huấn luyện của một số chuyên gia quân sự đồng minh. Đây cũng là sáng tạo lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc huy động tối đa các nguồn lực cho cách mạng.

Khi thời cơ lịch sử đã xuất hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Với quyết tâm đó, cả dân tộc Việt Nam đã đứng dậy chớp thời cơ lịch sử để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Đây là kết quả của sự chuẩn bị lực lượng toàn diện và nhạy bén chớp thời cơ (khi đó thời gian cũng là lực lượng) để phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Những người cách mạng Việt Nam học được bài học đó trực tiếp từ Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và đã vận dụng đạt kết quả xuất sắc trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.

Cách mạng là sáng tạo. Những người cách mạng Nga trong Tháng Mười năm 1917 và những người cách mạng Việt Nam trong Tháng Tám năm 1945 đã rất sáng tạo khi tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Nhắc lại bài học thành công trong quá khứ cũng là để nhớ rằng, trong bối cảnh mới, cách mạng vẫn luôn đòi hỏi những sự sáng tạo mới. Bài học tập hợp lực lượng cách mạng vẫn cần được vận dụng sáng tạo khi chúng ta muốn huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến trình hội nhập để xây dựng đất nước phồn thịnh trong hòa bình bền vững.   

TS. Ngô Vương Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ

Chiều 10/5, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TP. Huế phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2022, Luật trẻ em và một số Luật sửa đổi mới” với sự tham gia của hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ các cơ sở Hội trên địa bàn thành phố. ​

Nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ
Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày 10/5, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Dự thảo Luật Tư pháp NCTN niên gồm 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Return to top