ClockThứ Năm, 20/08/2015 10:57

Đầm Chuồn đang bị ô nhiễm

TTH - Đầm Chuồn (khu vực thôn định cư xã Phú An, huyện Phú Vang) đang bị ô nhiễm nặng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan, việc nuôi trồng thủy sản, sự phát triển kinh tế của nhiều hộ dân.

Chòi của người dân trên mặt đầm khiến rác không "lưu thông" được, mắc lại lưu cữu

 

Rác thải, mùi hôi lưu cữu

Nhiều ngư dân phản ánh, hiện nay tình trạng “vây ví” (tức hàng rào bao bọc diện tích mặt nước của từng hộ nuôi thủy sản) tiến sát vào bờ đầm mà chính quyền địa phương “làm ngơ”. Việc nuôi trồng thủy sản sát bờ đầm như vậy cũng là một nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm.
Ông Nam cho biết, từ trước đến nay người dân đã “vây ví” sát bờ đầm nuôi trồng thủy sản. Từ khi con đê bằng bê tông được xây dựng, theo luật đê điều, UBND xã điều chỉnh lại quy hoạch của đầm và đã vận động các hộ nuôi thủy sản ven bờ đầm lùi ra cách chân đên ít nhất 20 mét. Phần lớn đã chấp hành, chỉ còn một số hộ chưa thực hiện. Xã sẽ tiếp tục vận động, nếu không được sẽ buộc thực hiện theo quy định.
Trước đây, bà con ngư dân chỉ đơn thuần sử dụng diện tích mặt nước đầm Chuồn để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Cách đây 4 năm, một hộ ngư dân dựng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống tự phát trên đầm. Đến nay, chính quyền địa phương chủ trương cho người dân phát triển kinh doanh, có 4 hộ kinh doanh mở rộng diện tích quán. Trong đó, 3 hộ dựng quán giữa đầm, khách được đưa ra bằng thuyền, quán còn lại dựng gần chân đê (ngoài ra trên tuyến đê Tây Phá Đông ven đầm Chuồn có 2 quán, nhưng không nằm trong tình trạng ô nhiễm). Quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, càng ngày càng thu hút khách từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, không ít khách và người dân “kêu cứu” vì đầm Chuồn “như một bãi rác”…
 “Mục sở thị” tại Đầm Chuồn, chúng tôi chứng kiến sát chân đê và trên mặt nước ven bờ rác thải tràn lan, nổi lềnh bềnh dày đặc, có nơi chất thành đống, bốc mùi hôi vô cùng khó chịu. Cũng trên mặt nước ven bờ đầm, những chiếc cọc của một căn chòi người dân dựng để ở, chiếc cầu của quán “Đầm Chuồn Việt Quán” (dựng gần bờ) và những con đê đất nối từ chân đê bê tông ra phía ngoài đầm là vật cản khiến rác không lưu thông được, mắc lại lưu cữu lâu ngày, khiến sự ô nhiễm ven bờ càng thêm “đậm đặc”. Cách lần thứ nhất đúng một tuần, lần thứ hai chúng tôi tiếp tục đi thực tế, vẫn tình trạng rác thải ô nhiễm mặt nước phía trong đầm, chẳng hề “suy suyển”.
Đi bằng thuyền ra phía ngoài đầm, rác thải tuy có giảm, nhưng rong rêu nổi lên xanh (có nơi đen) chiếm một diện tích khá lớn mặt đầm, cũng bốc mùi hôi khó chịu. Thỉnh thoảng người lái thuyền tắt máy dừng lại, chiếc chân vịt được “nhổ” lên bị rong rêu bám đầy thành cuộn. Nhiều ngư dân lắc đầu bảo, mặt đầm như sân banh (tức cỏ phủ dày). Họ khổ sở vì tình trạng đầm Chuồn bị ô nhiễm nặng bởi rác thải, rêu thối và mùi hôi như hiện nay. Nhiều ngư dân than thở, hằng ngày rác thải cứ bị “tống” xuống, nhưng chẳng có ai thu gom. Họa hoằn, mỗi năm có một đợt các tổ chức đoàn thể ra quân một lần, rồi đâu lại vào đấy. Người dân làm ăn trên đầm khổ vì ô nhiễm. Cá chết, tôm chết... Mặt khác, cứ hiện trạng rác thải, mùi hôi nặng như hiện nay mà không có biện pháp giải quyết thì làm sao có thể đảm bảo môi trường để nuôi trồng thủy sản, đảm bảo cảnh quan để thu hút du khách...
“Chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động”
Theo ông Hồ Đắc Hải Nam, Chủ tịch UBND xã Phú An, rác thải gần bờ do một số bà con ngư dân xả dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Hiện nay, thôn định cư nói riêng và cả 4 thôn trên địa bàn xã Phú An đã thành lập các tổ thu gom rác. Ông Nam cho biết mỗi tuần tổ này thực hiện thu gom rác ở khu dân cư và ven mặt đầm 2 lần. Địa phương đã hợp đồng chở thẳng rác lên bãi rác của thành phố, không để lại trong các thùng, âu rác nên vấn đề ô nhiễm được giải quyết rất nhiều. Vậy nhưng, cũng như phản ánh của người dân, ông Phan Hiếu, Trưởng thôn định cư, đồng thời là người phụ trách đội thu gom rác cho biết, việc thu gom rác 2 lần một tuần chỉ thực hiện trong khu dân cư. Xung quanh khu vực các quán kinh doanh trên đầm, chủ quán tự thuê người gom. Còn ven mặt đầm hàng năm chỉ có các tổ chức đoàn thể ra quân tu gom một lần. Cũng có nghĩa đã, đang và sẽ tồn tại tình trạng rác mới (bị người dân xả xuống) chồng lên rác cũ trong suốt cả năm trời, làm sao đầm Chuồn không ô nhiễm nặng?

Rác xả bừa bãi ven bờ khiến Đầm Chuồn ô nhiễm, bốc mùi hôi

 
Vậy nhưng, nói đến giải pháp để “dẹp” tình trạng nêu trên, ông Nam cho biết, từ trước đến nay chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không nên xả rác xuống đầm để tránh làm ô nhiễm đầm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cũng là ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của họ trong việc nuôi trồng thủy sản (80% ngư dân đánh bắt, nuôi thủy sản trên đầm). Vậy nhưng, vẫn có tình trạng người dân còn thiếu ý thức, người dọn thì ít mà người xả thì nhiều. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động qua những cuộc họp dân và qua hệ thống loa truyền thanh của xã” - ông Nam nói. Theo ông Nam, hiện UBND huyện đang giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp Phòng Tài nguyên & Môi trường xây dựng dự án về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Dự án đang xây dựng nên vẫn chưa thể nói cụ thể các biện pháp, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động người dân như hiện nay.
Tuyên truyền, vận động người dân mà không có hiệu quả, thiết nghĩ chính quyền địa phương các cấp cần phải thực hiện xử phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi, mới có thể “cứu” được đầm Chuồn.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ

Về nguyên tắc, biển tên công trình nào thì phải đặt ngay công trình đó. Không thể lắp đặt biển tên ở một công trình đứng trước để chỉ tên một công trình đứng sau. Logic thông thường một cách trực quan, người đọc sẽ hiểu biển tên đó dành cho công trình phía trước, chứ ai hiểu là dành cho công trình phía sau.

Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ
Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top