|
Một thanh niên sang đường khi đèn tín hiệu giao thông chưa cho phép |
Trên đường đi làm, đến ngã tư Mai Thúc Loan và Đinh Tiên Hoàng, tôi chứng kiến một cô gái đi sang đường ở cột đèn đỏ nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, điều đáng nói là cô gái đi qua đường khi tín hiệu đèn đỏ trên phần đường dành cho người đi bộ đã bật. Cô gái kia vừa đi vừa “dán mắt” vào điện thoại, lúc này một thanh niên điều khiển xe máy tăng ga vượt lên khỏi đám đông, tông vào cô gái. Rất may cú va chạm chỉ gây thương tích nhẹ cho cô gái.
Sau tình huống bất ngờ trên trên, các phương tiện phía sau không kịp xử lý, xe sau đâm vào đuôi xe trước, tạo nên một cảnh lộn xộn.
Hay như anh Tình (trú TP. Huế), là nột tài xế xe ôm công nghệ, hàng ngày đi qua rất nhiều tuyến đường trong thành phố để giao hàng. Từng chứng kiến rất nhiều việc xảy ra trên đường anh bảo, người đi bộ sang đường thiếu quan sát, không tuân thủ luật giao thông là vấn đề đáng quan tâm.
“Một số người rất nghiêm túc, đợi đèn xanh bật rồi họ mới đi bộ sang đường, nhưng nhiều người vô tư băng qua đường tại các nơi có vạch kẻ ngang bất chấp việc đang đèn xanh hay đỏ, chẳng cần quan tâm đến xe cộ trên đường như thế nào, như vậy rất nguy hiểm cho bản thân mình và những người tham gia giao thông. Nếu một người ý thức hơn một chút thì vấn đề này không có gì đáng nói, chứ cứ mạnh ai nấy đi như thế thực sự rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến tai nạn giao thông”, anh Tình nói thêm.
Hiện nay, thực trạng người đi bộ đi sang đường, khi có tín hiệu đèn đỏ ở nơi có vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ đang khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến tai nạn giao thông.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù chưa xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, song các vụ va chạm giữa người đi bộ sang đường và các phương tiện tham gia giao thông vẫn xảy ra nhiều. Cần phải chấn chỉnh cách tham gia giao thông của nhiều người, đó là ý kiến của đa số người dân.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về việc tham gia giao thông đường bộ tại các trường học, cơ quan, cộng đồng dân cư hay trên các phương tiện truyền thông, để người dân nâng cao nhận thức và ý thức hơn, đặc biệt là người già và trẻ em. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng người đi bộ vi phạm.
Phải khẳng định rằng, hành động tùy tiện sang đường không đúng quy định không chỉ là nguyên nhân gây cản trở giao thông, mà còn rất dễ gây nên những vụ tai nạn. Để hạn chế và giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng thì mỗi người dân khi tham gia giao thông dù là đi bộ hay bất kỳ phương tiện nào cũng cần phải có ý thức chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người xung quanh.
|
Tại Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000đ - 100.000đ đối với các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. |