ClockThứ Tư, 12/04/2023 14:58

Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”

TTH - Tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) vi phạm nồng độ cồn không chỉ nhằm mục đích giảm tai nạn giao thông, mà dần xây dựng ý thức, tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”.

Hình thành thói quen không lái xe khi uống bia, rượuĐã uống rượu, bia không lái xeTết an yên - “Đã uống rượu bia, không lái xe”

leftcenterrightdel
Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn 

Câu chuyện này tưởng chừng rất khó, nhưng nếu quyết tâm và ý thức tự thân mỗi người thì khó mấy cũng thực hiện được. Đem câu chuyện này trao đổi với một số “cánh mày râu”, làm sao để tạo dần thói quen “đã uống rượu, bia, không lái xe”, họ cho rằng, phải thay đổi từ từ. Và việc thay đổi ý thức này cũng gần giống như thay đổi thói quen đã điều khiển phương tiện mô tô, xe máy TGGT là phải đội mũ bảo hiểm. Nghĩa là, “đã ra đường là phải đội mũ bảo hiểm”, nó cũng tương tự như “đã lái xe, không uống rượu, bia” vậy.

Tuy nhiên, làm sao để thay đổi được thói quen này mới là “mấu chốt”. Với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), cứ tăng cường xử lý thật mạnh, thật quyết liệt, lâu dài chắc chắn sẽ thay đổi được ý thức, hành động của người TGGT. Mức xử phạt với số tiền lớn và tinh thần “không có vùng cấm, không nghe điện thoại can thiệp” mà thực tế thời gian qua lực lượng CSGT trong toàn tỉnh áp dụng đã phần nào thay đổi ý thức, nhận thức đến hành động của người TGGT.

Tâm lý sợ bị xử phạt khi uống rượu, bia, điều khiển phương tiện TGGT đã “tác động” đến người dân, kể cả cán bộ. Vợ chở đi hay nhờ người thân bạn bè chở hoặc đi xe grap, taxi… mỗi khi đi nhậu, đi đám cưới, tiệc tùng… mà có uống bia, rượu đã bắt đầu “xuất hiện” trong ý thức của mỗi người hiện nay. Dù số này chưa nhiều, nhưng đây cũng là bước khởi đầu mang lại những dấu hiệu tích cực “đã uống rượu, bia, không lái xe”.

“Lực lượng công an lập chốt kiểm tra nồng độ cồn khắp nơi. Bị thổi lại, nếu có nồng độ cồn thì xử phạt rất nặng, nên cứ nhờ người thân chở đi nhậu hoặc đi taxi là an toàn nhất. Thiết nghĩ, cái gì bước đầu chưa quen, thấy khó chịu, nhưng khi đã dần ý thức và quen rồi thì chắc chắn sẽ được thôi”, anh Trần Huy A, trú tại phường Phú Thượng (TP. Huế) chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển xe ô tô

Anh Nguyễn Tiến Đ, trú xã Phong Thu (Phong Điền) làm nghề xây dựng bị lập biên bản về hành vi vi phạm nồng độ cồn cho biết: "Ngày cuối tuần, sau khi rời công trình xây dựng, tôi và một số đồng nghiệp có ngồi với nhau lai rai vài chai bia. Dù bản thân uống ít, còn tỉnh táo điều khiển xe máy, nhưng khi bị CSGT đo nồng độ cồn, tôi đã chấp hành ký vào biên bản vi phạm và tự nhắc nhở bản thân sau này không tái phạm".

Liên tục thời gian gần đây, câu chuyện uống rượu, bia, điều khiển phương tiện TGGT đã trở nên đề tài bàn luận sôi nổi của cánh đàn ông. Việc có nên tụ tập để nhậu nhẹt cũng đã được nhiều người quan tâm và “cân nhắc”.

Không ít người cho rằng, cuối ngày, nhất là cuối tuần không tụ tập, không có vài ly bia, rượu cũng buồn, nhưng nếu nhậu mà điều khiển phương tiện TGGT thì rất ngại công an xử phạt nồng độ cồn.

Từ ngày 1/3 đến nay, lực lượng CSGT công an toàn tỉnh thành lập các tổ công tác tuần tra, kiểm soát; lập các chốt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, từ 18 giờ đến 23 giờ tối hàng ngày, các tổ công tác gồm lực lượng CSGT và cảnh sát cơ động phối hợp tuần tra lưu động tại những địa bàn tập trung nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, giải trí (nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke…) và các tuyến đường trong nội đô TP. Huế, tuyến đường chính tại trung tâm các huyện, thị xã.

Lực lượng chức năng cũng bố trí lực lượng chốt chặn ở những địa bàn thường xảy ra tai nạn giao thông để kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ TGGT theo quy định của pháp luật với tinh thần “không có vùng cấm, không nghe điện thoại can thiệp”.

Ngoài xử lý, việc tuyên truyền “đã uống rượu, bia, không lái xe” cũng được lực lượng nghiệp vụ công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện. Không ít tổ công tác tuần tra, kiểm soát lưu động nồng độ cồn cũng được duy trì và phát huy hiệu quả. 

“Mục tiêu cao nhất mà Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng như lực lượng CSGT và công an các đơn vị, địa phương là làm sao để thay đổi bằng được nhận thức của người dân để họ dần thay đổi ý thức, hành vi, trở thành thói quen “đã uống bia, rượu không lái xe”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh khẳng định.

 Quý I/2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức ký cam kết, chấp hành pháp luật về giao thông, kinh doanh vận tải đối với 281 chủ xe, lái xe; phát hiện, xử lý 11.318 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; trong đó, có 2.350 trường hợp vi phạm nồng độ cồn…

 

Bài, ảnh: ANH PHONG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chưa bắt buộc đổi bằng lái xe giấy sang thẻ nhựa PET

Mấy ngày qua, lượng người đến điểm làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh đông, dẫn đến tình trạng quá tải. Nhiều người cho rằng “nghe đồn”, nếu không đổi giấy phép lái xe bằng giấy sang thẻ nhựa PET sẽ bị phạt.

Chưa bắt buộc đổi bằng lái xe giấy sang thẻ nhựa PET
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Bằng những hình thức lồng ghép tuyên truyền thực tế, mô hình dùng giỏ nhựa, làn nhựa đi chợ trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) ngày càng được nhân rộng, thu hút đông đảo chị em tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường (BVMT) trong cán bộ hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư. Từ mô hình này đã dần thay đổi thói quen của người dân về việc sử dụng rác thải nhựa dùng một lần tràn lan, thay vào đó là nâng cao ý thức BVMT.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu:
Các hợp chất gây ung thư được tìm thấy trong thực phẩm hàng ngày

Hãng thông tấn AFP ngày 29/3 cho biết Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) vừa lên tiếng cảnh báo rằng các hợp chất hóa học gây ung thư có tên nitrosamine đã được phát hiện trong nhiều loại thực phẩm hàng ngày và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Các hợp chất gây ung thư được tìm thấy trong thực phẩm hàng ngày

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top