ClockThứ Tư, 30/08/2023 06:27

Viết, vẽ bậy ở di tích: Cần xử lý nghiêm

TTH - Thừa Thiên Huế hiện có gần 1.000 di tích; trong đó, có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh. Đáng buồn là rất nhiều trong số di tích đã bị xâm hại bởi bàn tay con người, phổ biến là những hành vi viết, vẽ bậy của du khách.
Những vết vẽ, viết chữ hằn sâu lên di tích rất khó xử lý 

Vấn nạn

Huế có mật độ di sản dày đặc với nhiều loại hình phong phú từ văn hóa vật thể cho đến phi vật thể và còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... Kho di sản văn hóa đồ sộ ấy chính là tài sản vô giá mà tiền nhân để lại cho Huế, cho dân tộc. Tuy vậy, những năm qua, tình trạng du khách, người dân tự ý xâm hại, viết, vẽ bậy lên các di tích đã trở thành một vấn nạn tại nhiều điểm tham quan. Thực trạng này không chỉ làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử của di tích mà còn làm hình ảnh du lịch Huế trở nên xấu xí.

Đầu rùa ở chùa Thiên Mụ, nơi đặt tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” (được chúa Nguyễn Phúc Chu dựng năm 1715 và công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam từ năm 2020) nhiều năm qua đã trở thành nơi viết chữ ưa thích của không ít du khách. Trong chùa, các di tích như đại hồng chung, bia đá... cũng "nhận" không ít nét vẽ, viết, gạch lưu kỷ niệm, “đánh dấu chủ quyền”. Hay, sau khi tuyến đường đi bộ trên Thượng Thành (nối từ Eo bầu Nam Xương sang Eo bầu Nam Thắng) được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế mở cửa miễn phí hồi đầu năm, đã thu hút rất đông người dân và du khách. Tuy nhiên, đưa vào hoạt động chưa lâu, trên dọc bờ tường đã xuất hiện rất nhiều vết vẽ bậy với các kiểu nội dung khiến người dân và du khách dạo chơi bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh di tích.

Trước tình trạng trên, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã cho tạm thời đóng cửa tham quan về đêm trên khu vực Thượng Thành từ 18h30 hàng ngày. Đồng thời, chỉ đạo xử lý lại một số các điểm bị viết vẽ bậy trên bờ thành, sớm trả lại mỹ quan của Thượng Thành. Dù được xử lý, vẫn còn rất nhiều vết viết, vẽ bậy hằn sâu trên bờ tường khu vực Kỳ Đài”, anh Võ Quốc Kỳ, thành viên Tổ cơ động tổng hợp và PCCC thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế nói. Theo anh Kỳ, nếu vết viết, vẽ thông thường, sử dụng vòi xịt rêu và dùng bàn chà nhẹ có thể xóa được, nhưng với vết khắc chữ sâu thì rất khó xử lý hết.

Xử lý vi phạm, nâng cao nhận thức

Trưởng phòng Bảo vệ Trung tâm BTDTCĐ Huế Trần Đình Thân cho rằng, những hành vi viết, vẽ bậy, tác động lên bề mặt di tích, tuy chỉ là hành vi vô ý thức nhất thời của một bộ phận du khách, người dân địa phương, học sinh, sinh viên nhưng hậu quả rất nghiêm trọng, khiến giá trị của di tích bị hủy hoại.

“Với những xâm hại nhẹ chúng tôi có thể xử lý bằng cách sơn theo đúng màu cũ, như vết khắc đơn giản trên tường rêu nhưng cũng có không ít di tích bị hủy hoại lâu ngày, chữ chồng lên chữ, vết khắc sâu nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi”, ông Thân cho hay.

Chánh Văn phòng Trung tâm BTDTCĐ Huế Nguyễn Thành Nam thông tin thêm, việc ngăn chặn, không cho du khách viết, vẽ bậy lên các di tích đã được Trung tâm triển khai từ rất lâu nhưng với diện tích rộng, lực lượng giám sát mỏng nên không thể bao quát hết.

Biện pháp được áp dụng chủ yếu là tăng cường lực lượng trực, camera giám sát, bố trí nhóm cơ động đi tuần tra, kiểm tra liên tục để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường đặt các biển cảnh báo tại các điểm công cộng có đông du khách, giới hạn thời gian tham quan về đêm; phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở… Qua đó, “tình trạng này có giảm nhưng để có tính răn đe triệt để thì chưa”, ông Nam cho biết.

Chị Nguyễn Thanh Thảo, hướng dẫn viên du lịch một công ty lữ hành tại Đà Nẵng chia sẻ, thường xuyên dẫn đoàn ra Huế, chị cùng đồng nghiệp luôn nhắc nhở du khách trân trọng, giữ gìn di tích.

“Ở các nước trong khu vực, nếu có những hành vi xâm hại, ảnh hưởng di tích sẽ có chế tài xử phạt rất nặng, tính răn đe cao. Tôi cho rằng, ngoài tăng cường quản lý tại các điểm di tích, nên có hình phạt tại chỗ hoặc “phạt nguội” du khách có hành vi xâm hại để răn đe. Đồng thời, cần có sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp làm du lịch nhưng trên hết là ý thức của mỗi người dân khi tham quan du lịch”, chị Thảo đề xuất.

Theo luật, người viết, vẽ bậy có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, Điều 345 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng, với mức phạt cao nhất đến 3 năm tù.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng, về giải pháp căn cơ, cần có những điều chỉnh để pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, để người ta ngần ngại khi có ý định vi phạm, nhất là khi bắt quả tang phải xử lý nghiêm bằng luật chứ không đơn giản cho qua chuyện. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa ngay từ lứa tuổi học sinh.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Return to top