ClockThứ Ba, 18/02/2020 06:00

Sông Như Ý mà chưa như ý

TTH - Dịp tết về quê chúc tết, tôi được chứng kiến bà con ở các xã nông thôn quê nhà vui vẻ đón xuân. Nhiều người bày tỏ niềm vui mừng về thành quả ổn định và phát triển không ngừng của quê hương đất nước. Tuy vậy, đây đó vẫn còn tâm tư về dòng sông Như Ý bị ô nhiễm nặng, mong cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể các cấp quan tâm.

Mở rộng sông Như Ý phải tính đến yếu tố khoa học, bền vữngXây dựng đường hoa ven sông Như ÝSông Như Ý: Mở rộng để cải thiện môi trường, phát triển du lịchSông Như Ý - một năm sau ngày được khai thông

Bèo dày đặc từ đầu sông cho đến gần cuối sông Như Ý. Ảnh: MC

Như chúng ta đã biết, sông Như Ý có từ hơn 300 năm trước, với chức năng chia lũ từ sông Hương, thông thương trong việc đi lại bằng đường thủy và cung cấp nước cho các cánh đồng của Phú Vang, Hương Thuỷ. Sông chảy qua nhiều ngôi làng cổ thuộc các xã Phú Mỹ, Phú Hồ (Phú Vang), Thuỷ Vân, Thuỷ Thanh (Hương Thuỷ), bắt đầu từ Đập Đá về tận cầu Ngói Thanh Toàn, một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn.

Trước đây, để ngăn mặn, phải xây Đập Đá chắn ngang đầu nguồn sông Như Ý thông với sông Hương, nên dòng chảy không được khơi thông, khiến con sông trở nên tù hãm, ô nhiễm về mùa khô hạn.

Sau khi có đập Thảo Long và Hồ Tả Trạch, sông Hương đã cơ bản giải quyết tốt vấn đề nhiễm mặn về mùa hè; bởi vậy, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế và người dân đã kiến nghị khơi thông sông Như Ý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, trả lại vẻ đẹp nên thơ của dòng sông. Năm 2014, chính quyền đã có kế hoạch đắp kè, tổ chức thu gom rác, khơi thông dòng chảy; đồng thời xây dựng hệ thống cống qua Đập Đá để thông nguồn nước từ sông Hương sang sông Như Ý.

Dự án đã hoàn thành cách đây 5 năm, nhiều đoạn sông người dân đã ý thức cùng tham gia khơi thông dòng chảy. Đặc biệt ở xã Thuỷ Thanh, chính quyền và người dân hưởng ứng tích cực, không chỉ làm cho con sông đẹp, mà còn tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm trên con sông thơ mộng này ở đoạn có Cầu Ngói Thanh Toàn, được du khách gần xa ưa chuộng thích thú về thưởng ngoạn.

Tuy vậy, kết quả chưa được bền vững. Dù dòng sông đã được khơi thông, nhưng một vấn nạn từ lâu trên sông Như Ý vẫn còn bất cập, đó là bèo và rác thải ken dày làm tắc dòng chảy ở nhiều đoạn trên sông. Mấy năm trước khi có lũ về, nhờ có sức nước, người dân cùng nhau vớt bèo và đẩy bèo trôi đi. Nhưng hai năm nay, không có lũ, bèo ngày càng phát triển và người dân hai bên bờ sông hầu như bất lực khiến dòng sông Như Ý trở thành dòng sông bị ô nhiễm nặng.

Bèo mọc dày đặc từ đầu sông cho đến gần cuối sông. Như Ý thành ra chưa như ý. Bèo thành lùm, thành bãi, che kín cả dòng sông dài đến năm bảy cây số. Vừa làm mất vẻ đẹp cảnh quan, vừa làm nguồn nước bốc mùi, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng tại các địa phương, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Năm 2019 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh - “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - đẹp”.

Với sự chuyển động tích cực, phong trào xanh - sạch - đẹp của Thừa Thiên Huế đã có tiếng vang trong cả nước. Hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền thị xã Hương Thuỷ và huyện Phú Vang, các địa phương và người dân hai bên bờ sông Như Ý sẽ vào cuộc để sông Như Ý được vớt sạch bèo, trả lại vẻ mỹ quan cho một dòng sông đẹp. 

PHAN CÔNG TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top