Chị Thêu bật khóc khi kể về nỗi bất lực không chạy ra tiền truyền máu cho con
Trong căn nhà tồi tàn, có duy nhất 1 chiếc giường xập xệ, chị Hồ Thị Thêu (28 tuổi, mẹ bé Kiệt) bần thần ngồi ôm con. Vừa rồi đáng lẽ phải về Bệnh viện Đại học Y dược Huế để truyền máu cho cháu, nhưng không “đào” đâu ra tiền, nên vợ chồng chị đành đau khổ nhìn con bị căn bệnh quái ác hành hạ.
Cách đây 2 năm, Kiệt mắc căn bệnh khác, cần phải phẫu thuật. Thế nhưng, sau khi thăm khám xét nghiệm, các bác sĩ cho biết lúc đó không thể tiến hành mổ được bởi cháu mắc bệnhThalassemia, cần điều trị, truyền máu đầy đủ. “Từ khi phát hiện bệnh, thường thì mỗi tháng cháu được đưa về Huế truyền máu 1 lần. Việc chữa trị đã kéo dài 2 năm qua khiến gia đình tôi kiệt quệ, nợ nần. Bác sĩ nói nếu không được truyền máu đầy đủ, bệnh nhân có thể bị biến chứng nặng như biến dạng xương, hộp sọ to, gan to, sỏi mật, chức năng tim yếu... Có nhiều lần đáng lẽ phải đưa con đi truyền máu, nhưng vì không có tiền nên vợ chồng đành bất lực nhìn con lay lắt, bị bệnh tật dày vò, nguy hiểm đến tính mạng...”- chị Thêu bật khóc.
Đối với đôi vợ chồng trẻ, khó khăn nhiều hơn vì họ không có đất nương, rẫy. Để mưu sinh, nuôi 2 con nhỏ (cháu Hồ Tuấn Kiệt 5 tuổi và Hồ Chí Rin 3 tuổi), hằng ngày vợ chồng chị Thêu đi làm thuê, đạp xe hơn 10 km, rồi tiếp tục đi bộ vào rừng vác keo tràm. Thức ăn mỗi ngày là rau hái trong rừng, hiếm hoi lắm mới có bữa cá bắt được dưới suối. Từ ngày con bệnh, bữa ăn của vợ chồng có khi chỉ là nồi sắn luộc.
Việc làm bấp bênh, tiền kiếm được cũng bấp bênh. Trong lúc con thì cần truyền máu đều đặn. Mỗi lúc nhà không có tiền, không được đưa đi truyền máu, con của em bị căn bệnh này “nó” hành, tội lắm”- Người mẹ trẻ lại rơi nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Như Úy, giáo viên Trường mầm non Hồng Thượng, là cô giáo chủ nhiệm của cháu Kiệt, kể mỗi lúc không theo con về bệnh viện, từ sớm tinh mơ, vợ chồng chị Thêu đã đưa 2 cháu đến lớp, nhờ cô nhận giúp để còn kịp vượt quãng đường xa vào rừng làm keo, tràm thuê cho người ta. Biết hoàn cảnh của gia đình, cháu bệnh tật tội nghiệp vậy nên các cô cố gắng đến lớp thật sớm đón cháu. Đồng thời, trong các bữa ăn, nhà trường đảm bảo chế độ dinh dưỡng riêng cho Kiệt, vì bác sĩ dặn cháu không ăn được trứng, thịt bò. Trong thời gian ở trường, các cô giáo đặc biệt để ý cháu mọi lúc mọi nơi bởi Kiệt thường bị co giật.
“Thằng anh bệnh hiểm nghèo vậy, đứa em trai 3 tuổi cũng bị bệnh đục thủy tinh thể trọng tâm nên vợ chồng em cũng phải nhiều lần đưa cháu đến Bệnh viện Mắt ở TP Huế chữa trị. Lần khám gần đây, bác sĩ hẹn 2 tháng sau tái khám. Kiệt cũng gần đến kỳ về bệnh viện truyền máu rồi, nhưng...”- chị Thêu thở dài não nuột.
Rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm dành cho cháu bé 5 tuổi kém may mắn này.
Mọi sự hỗ trợ xin gửi về vợ chồng chị Hồ Thị Thêu, anh Hồ Văn Then ở thôn Hợp Thượng, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, số điện thoại 0125.346.6509 hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh