Cứu hộ người bị thương trong một vụ sập công trình xây dựng
Ngày 15/2/2020, khi vụ lật thuyền trên khe La Ma (thượng nguồn sông Tả Trạch) xảy ra, chứng kiến tinh thần làm việc nhiệt huyết, khẩn trương của lực lượng CNCH, người dân thực sự khâm phục, yêu mến.
Đại úy Trần Trọng Bằng, Đội trưởng Phòng CSPCCC, CNCH Công an tỉnh, trực tiếp chỉ huy hiện trường vụ việc cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, lực lượng CNCH đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện, sau khi tiếp cận hiện trường, bằng các biện pháp nghiệp vụ và khả năng phán đoán chính xác, chỉ 20 phút, lực lượng CNCH đã lặn tìm được 2 thi thể nạn nhân để đưa lên bờ. Tiếp sau đó, nạn nhân cuối cùng và phương tiện bị nạn cũng được trục vớt để phục vụ công tác điều tra.
Trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu người trong cơn hoạn nạn, nguy kịch, ở bất kỳ nơi đâu dù nguy hiểm nhất, những người lính CNCH luôn là người tiên phong, bất chấp mọi hiểm nguy để cứu người, cứu tài sản của dân. Những nơi các anh đã đi qua, luôn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ. Nhiều người sau cơn hoạn nạn đã xem lực lượng CNCH như một ân nhân.
Ông Nguyễn Hữu Thuận (Cửa hàng xe đạp Quảng Thành, đường Trần Hưng Đạo, TP. Huế) tâm sự: Khi gia đình gặp sự cố chập điện dẫn đến hỏa hoạn, trong lúc nguy cấp, Đại úy Lê Văn Kỳ và đồng đội đã nhanh chóng, hết mình chữa cháy và cứu người thân của tôi thoát khỏi nguy hiểm, nhờ vậy đã giúp gia đình tôi hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản...
Để có được kỹ năng thuần thục, nhuần nhuyễn, những người lính công tác trong lực lượng CNCH phải thường xuyên rèn luyện thể lực, thực hành, diễn tập các phương án, kỹ năng PCCC, CNCH và trực tiếp tham gia nhiệm vụ này khi có yêu cầu. Thực tế đã tôi luyện cho họ bản lĩnh, tinh thần “thép” và trái tim “lửa” luôn nhiệt huyết, yêu thương.
Đại úy Lê Văn Kỳ, một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác chữa cháy và CNCH chia sẻ: Khi tham gia chữa cháy, CNCH, chúng tôi thường xuyên đối diện với nạn nhân. Lúc này, tâm lý của họ rất hoảng loạn, vì vậy, trước tiên, mình phải giúp nạn nhân cố gắng giữ bình tĩnh, tin tưởng vào bản thân và tin vào chúng tôi thì mới có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ một cách tốt nhất để cứu nạn nhân khỏi cơn nguy kịch, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CNCH còn đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, chính vì vậy, cần quan tâm, khắc phục một số hạn chế.
Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng CS PCCC, CNCH Công an tỉnh cho biết: Để làm tốt công tác PCCC, CNCH trong thời gian tới, về quy hoạch giao thông đô thị, đề nghị các cơ quan chức năng cần chú trọng đến hệ thống giao thông phải đủ rộng để xe và các phương tiện chữa cháy, CNCH dễ dàng tiếp cận hiện trường. Bên cạnh đó, cần quan tâm, trang cấp các phương tiện bảo hộ cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, CNCH trong những trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ tại nhà cao tầng, sông suối,…
Bài, ảnh: Hà Tâm