ClockThứ Năm, 06/09/2018 13:49
LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC RÀO ĐƯỜNG VÀO KHU ĐẤT SẢN XUẤT CỦA NGƯỜI DÂN:

Thỏa thuận để duy trì con đường

TTH - Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Phủ và bà Phan Thị Dõ, trú tổ dân phố Sơn Công 1, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà về việc ông Trần Công Đoàn (người cùng thôn) rào con đường duy nhất vào vườn trồng thanh trà của hộ gia đình ông, khiến ông không vào canh tác, thu hoạch được.

Giải quyết vướng mắc bằng đối thoại

Vợ chồng ông Phủ cho biết, hộ ông Đoàn đã rào lại con đường vào khu đất ông canh tác trong một thời gian dài

Nhập nhằng đường đi

Theo trình bày của ông Phủ, gia đình ông được cấp đất tại xứ đồng Nương Hầu, thuộc thôn Sơn Công 1 theo Nghị định 64 để sản xuất nông nghiệp từ năm 1994, với diện tích 2.000m2. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp không đem lại hiệu quả cộng với việc ông bị bệnh tật (nhiễm chất độc da cam) nên năm 2007, ông chuyển sang trồng cây đặc sản thanh trà. Cạnh thửa đất của ông có thửa đất của hộ ông Dương Đình Nhân và Dương Đình Khảm cũng trồng cây thanh trà. Trước đây, khi nhà nước cấp đất đã có một con đường sát khuôn viên nhà ông Trần Công Đoàn để đi vào khu đất. Đầu năm 2018, ông Đoàn cho rào lại con đường này, khiến ông không vào canh tác.

Ông Phủ đã nhiều lần gặp, trao đổi trực tiếp với ông Đoàn nhưng ông Đoàn vẫn không đồng ý mở lại đường. Ngày 19/3/2018, ông Phủ gửi đơn đến UBND phường Hương Vân để nhờ can thiệp nhưng đã hơn 5 tháng trôi qua, UBND phường vẫn không giải quyết. Nay, thời gian thu hoạch thanh trà đã cận kề, nhưng gia đình ông vẫn không có đường để vào thu hoạch.

Ngày 11/4, Ban hòa giải thôn Sơn Công 1 tổ chức hòa giải giữa 2 hộ gia đình, nhưng ông Đoàn cho rằng, đất này là đất của ông và nhất quyết không mở đường cho hộ ông Phủ vào canh tác. Riêng với hộ ông Nhân, ông Khảm vẫn đi qua nương của ông Đoàn để vào khu đất đang canh tác. Sở dĩ, xảy ra sự việc trên là do giữa hộ ông Phủ và ông Đoàn có xích mích.

Ngày 12/7/2018, UBND phường Hương Vân tổ chức buổi hòa giải giữa 2 hộ. Tại buổi hòa giải, ông Đoàn vẫn khẳng định, lối đi này nằm trên đất của ông nên ông có quyền rào lại và vẫn nhất quyết không mở đường cho ông Phủ vào canh tác, thu hoạch. Kết quả buổi hòa giải không thành.

Sớm có phương án lâu dài

Lật lại giấy tờ đất đai của 2 hộ tại UBND phường Hương Vân, hộ ông Phủ sử dụng thửa đất có nguồn gốc nhận lại sau khi “dồn điền đổi thửa” năm 2003-2004; trên bản đồ đo đạc năm 1995 là thửa số 76, tờ bản đồ số 7 và tại bản đồ đo đạc năm 2010 mang số thửa 157, tờ bản đồ 28. Trong khi đó, thửa đất hộ ông Đoàn sử dụng có nguồn gốc từ ông, bà để lại bao quanh các thửa đất được chia cho các hộ dân theo Nghị định 64 và sau “dồn điền đổi thửa”. Tại các bản đồ đo đạc năm 1995 và 2010 thì thửa đất của ông Phủ đang sử dụng không thể hiện lối đi.

Tại văn bản số 1944/UBND-NC ngày 23/8/2018, UBND thị xã Hương Trà yêu cầu: Chủ tịch UBND phường Hương Vân kiểm tra, soát xét nội dung đơn, tiếp tục tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật. Ngày 29/8, UBND phường Hương Vân tiếp tục tổ chức buổi hòa giải lần thứ 3.

Ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết, tại buổi hòa giải sau khi phân tích cái tình, cái lý, những vấn đề thiệt hơn, sự gắn kết tình làng nghĩa xóm..., hộ ông Đoàn đã đồng ý tạm thời mở đường để ông Phủ vào thu hoạch vụ thanh trà năm 2018. Theo đó, ngay trong ngày 29/8, UBND phường đã cùng 2 hộ mở con đường rộng 1m, dài 30m vào khu đất sản xuất của 3 hộ. Về lâu dài, UBND xã sẽ tiếp tục mời các hộ có liên quan thỏa thuận để duy trì con đường này, nhằm phục vụ việc sản xuất của người dân.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những con đường từ sức dân

Từ năm 2020 đến nay, người dân TX. Hương Trà đã hiến hơn 150 ngàn m2 đất để mở rộng gần 120km đường giao thông, ngõ xóm. Những con đường được xây dựng bằng sức dân đã và đang phát huy hiệu trong góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng.

Những con đường từ sức dân
55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA BÁC HỒ (9/1969 - 9/2024)
Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Năm 2024, tròn 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Đây là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Nỗi buồn còn vương

“Đằng sau” vụ án, là nỗi buồn day dứt; “nhắc nhở” cho tất cả mọi người, trong cuộc sống phải biết giải quyết mâu thuẫn bằng sự cảm thông, nhường nhịn, thấu tình, đạt lý, để tránh gây ra “vết thương” của những “tế bào xã hội” và cộng đồng.

Nỗi buồn còn vương
Return to top