ClockThứ Năm, 06/12/2012 05:57

Bến phúc âm

TTH - Trong đời mỗi con người có nhiều nơi để đi, nhiều chốn để nhớ, nhiều thứ để trở về. Đôi khi là cả những ám ảnh được cưu mang cả một thời đằng đẵng. Nhưng cũng có đôi khi chỉ một vết cắt tình cờ. Tôi gọi vết cắt đó có tên là Định Mệnh.

Đó là những ngày tháng chưa xa. Thật gần như nắng đang đổ trước mái hiên, thật vui như tiếng chim ríu rít của bầy sẻ nâu đang lách chách trên mái, thật hồn nhiên như gió đang la đà dưới ngọn cây phía trước tầm nhìn kia. Đã rất lâu, đất trời mới cho tôi cái nhìn trong veo với những ý tưởng thanh xuân lạ lùng đến vậy. Thời gian không dài thật dài. Thời gian chỉ đủ như Google dự báo, vừa đủ một vòng để làm nên sự bình lặng tự tâm. Để cái sóng lao xao kia bữa nay đủ chín và dừng theo hạn mức độ lượng chừng mực.

Minh họa: Hương Trà

Bao nhiêu thời gian nữa trôi đi. Bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu. Điều đó có cần làm thành ý nghĩa gì nữa đâu. Khi tôi biết chắc rằng ngày trở lại, cho dẫu chỉ một mình, thì nơi đó, vẫn còn một cái Bến phúc âm.

Khởi đầu là những bước đi tính bằng sự dè dặt trong mỗi đời người. Đời người hữu hạn, vô hạn đều không thoát khỏi vòng luôn hồi sinh lão bệnh tử. Như cây, mùa xuân ra hoa, mùa hè kết nụ, mùa thu mãn trái và mùa đông gom riêng lại với mình. Đời người cũng vậy, nhìn mùa trôi qua xòe tay bấm đốt, thấy như cây như lá như hoa đôi khi đã biết đó là tin mừng.

Tôi đã đi qua nhiều năm tháng nơi đây. Mỗi mùa mỗi thức, mỗi thương yêu theo từng cái nhìn của những người yêu ghét mến thương gửi lại. Thành phố yên bình, như dòng sông. Yên bình đến mức đôi khi cần phải gắt lên một câu, chảy ngược chảy xuôi gì, cũng đành. Cớ sao cứ chỉ mãi lờ đờ lựng đựng. Như ánh mắt em hôm nào. “Không trì níu nỡ nào xua đuổi”, làm đau những vết nhìn, biết không?

Thành phố ngập cỏ ven sông. Tuổi trẻ của tôi gắn bó nhiều với cỏ. Nhưng từ anh, tôi biết cỏ cần phải sống tiếp đời mình như thế nào. Như một buổi nào đó nhìn từ trên cao xuống, tôi mơ hồ nói về những điều gọi là thân phận, anh cười, cái cười hiền hòa, cỏ đấy. Em cũng là cỏ. Anh cũng là cỏ. Mình là cỏ. Nhìn phía sông mà xem, cỏ sống hồn nhiên, tươi như một nụ cười xinh. Thì em đừng bao giờ hỏi: “Sông ơi, mày buồn chi”. Mỗi sự hiện diện trong cuộc đời đã mang hình hài một thân phận. Cỏ cũng được gọi tên bằng thân phận. Chính bắt đầu từ ngôi vườn rất khuya khi anh nói với tôi, rằng đêm đó, cỏ hồi sinh từ trăm năm, ngàn năm, bắt đầu từ những nốt nhạc đời người của Sơn. Thì tin đi. Xác tín một niềm tin yêu bao giờ cũng đem lại những niềm vui, ít ra cho những tâm hồn mẫn cảm, khi ngồi ghé vạt cỏ nghe hương ngào ngạt thơm nồng.

Thành phố ít âm thanh. Ngồi một nơi nào đó quanh đây sẽ nghe tiếng những chiếc thuyền máy nhỏ nhoi đâu đó vẳng lại. Chiếc thuyền mà khi nghĩ về nó, tôi lại không nguôi thương nhớ những con đò. Những con đò chưa bao giờ bước chân xuống. Những con đò trôi miên viễn trong vùng ký ức qua những ngày tháng khôn nguôi. Nhớ nụ cười hình vành khuyên một đêm nao nhà thơ liêu trai họ Lưu đã bước xuống thả vào lòng con đò huyền nhiệm. Tôi mơ một đêm nao mây gió thả mình về Quy Lai, chốn đó bước đến cơ hồ quên cả lối về. Nhưng đôi khi một đêm thế cũng đủ cho cả một khúc sống hững sống hờ, sống như đã cố tình cất giấu đâu đó cái gọi là trái tim.

Cuối năm ngồi nhìn những chuyến xe xuôi ngược, lòng tôi lại ngột ngạt bởi con đường đất đỏ vẫn nằm trong lời hẹn của anh. Con đường mênh mang những khói bụi, con đường lan man những bông hoa dại ven đường. Con đường mà khi bước chân đặt lên tôi cũng không hình dung sẽ đưa mình đến đâu. Nhưng viễn ảnh của một bạch hoàng tử cưỡi ngựa tía chạy nhanh như một ước mơ vẫn còn đâu đó cuối con đường. Tôi tin rằng, khi đi với anh, nhất định mình sẽ gặp. Như đời người, bảo rằng không mơ ước, thì sống kiểu làm sao?

Tôi nhìn thấy đâu đây ngôi nhà nhỏ nhoi của Mạ. Đó là nơi cất giữ ký ức, tình yêu, cuộc sống của anh tự xa xưa đến tận bây giờ. Nơi mà khi đi cùng trời cuối đất, khi đã vui buồn với bao thăng trầm cuộc sống, khi đã yêu chiều qua biết mấy bóng giai nhân, thì cuối cùng vẫn là nơi anh trở về để nhặt nhạnh từng bước chân non dại, ngồi nhìn dáng mình trong nụ cười móm mém của người mẹ dấu yêu. Tôi hình dung mình đang đứng trước cửa ngõ kia, nhìn nụ cười kia, nhìn cái dụi đầu non dại của anh vào lòng mẹ, là xem như đã được trở về với thủa ấu thơ bị đánh cắp của chính mình.

Còn bây giờ thì sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi theo đời suối. Nơi đây tôi vẫn ngồi một mình nhìn dòng sông tha thiết không biết nên trổ dòng trôi xuôi hay bất đồ trở lòng chảy ngược. Nhưng xuôi ngược gì, thì vẫn một lần tha thiết, đã trôi qua thân phận của mình, để cuối dòng nước chảy, lại về với Bến phúc âm.

Hồ Thị Đông Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top